Quảng Ninh: Liên kết vùng để phát triển du lịch

HẢI NGÂN 24/08/2022 03:30

Với việc đẩy mạnh liên kết, mở rộng hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trên cả nước, ngành công nghiệp không khói của tỉnh Quảng Ninh đang phục hồi và đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ.

>>>Quảng Ninh phát triển du lịch bền vững cách nào?

>>>Quảng Ninh: Số hóa tạo bứt phá cho du lịch thông minh

Liên kết, mở rộng hợp tác...

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng và có tính xã hội hóa rất cao. Việc liên kết các địa phương trong vùng nhằm phát huy những thế mạnh riêng của từng địa phương để hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng đang được ngành du lịch cả nước nói chung, du lịch Quảng Ninh nói riêng đặc biệt quan tâm.

Lễ ký thoả thuận hợp tác kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông giữa 4 tỉnh, thành phố gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên vừa được tổ chức tại Quảng Ninh hồi tháng 7/2022

Lễ ký thoả thuận hợp tác kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông giữa 4 tỉnh, thành phố gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên vừa được tổ chức tại Quảng Ninh hồi tháng 7/2022

Để khai thác tối đa tiềm năng, thu hút nhiều hơn các thị trường khách du lịch, nhất là trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, Quảng Ninh đã chú trọng liên kết, mở rộng hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trên cả nước.

Như tại sự kiện Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, ngành du lịch Quảng Ninh đã giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới khác biệt gắn với đặc trưng các mùa trong năm, đặc biệt mùa thu đông tới đây, kết hợp nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn. Điều này cho thấy Quảng Ninh rất chú trọng đến phát triển thị trường du lịch, nhất là những thị trường nhiều tiềm năng ở các tỉnh, thành phố phía Nam.

7 tháng năm 2022, Quảng Ninh đón gần 7 triệu lượt khách trong nước và quốc tế

7 tháng năm 2022, Quảng Ninh đón gần 7 triệu lượt khách trong nước và quốc tế

Trước đó, vào hồi tháng 4/2022, tỉnh Quảng Ninh cùng TP Hải Phòng đã ký kết hợp tác với 5 địa phương miền Trung: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Theo đó, doanh nghiệp du lịch của từng địa phương sẽ nghiên cứu xây dựng sản phẩm, phát triển thị trường trên cơ sở khai thác lợi thế, tiềm năng khác biệt của mỗi tỉnh, thành phố. Đồng thời quảng bá, đưa các điểm đến du lịch của 7 địa phương vào trong chương trình tour giới thiệu, bán cho du khách.

Và gần đây nhất, tỉnh Quảng Ninh cũng đã ký thoả thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông với các tỉnh, thành phố gồm: Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên. Việc ký kết nhằm mục tiêu đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của 4 địa phương dọc theo trục đường cao tốc phía Đông Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái; trong đó, có du lịch, dịch vụ.

>>>Quảng Ninh: Nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn khách quốc tế

>>>Quảng Ninh: Lợi thế về tài nguyên du lịch, dịch vụ, chuỗi sản xuất – thương mại

Với việc ký thoả thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông, các địa phương trong đó có Quảng Ninh đều mong muốn đưa ngành du lịch, dịch vụ của vùng phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng; phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, dịch vụ như du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sự kiện, du lịch tâm linh và các loại hình du lịch khác mà các địa phương trong vùng có nhiều thế mạnh. Đồng thời, xây dựng các sản phẩm du lịch chung giữa các địa phương trong vùng.

Ông Nguyễn Tường Văn – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Việc tăng cường hoạt động xúc tiến với các địa phương Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên sẽ phát huy, đẩy nhanh được kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông. Các địa phương có hạ tầng giao thông và những sản phẩm du lịch tốt thì tự thân các doanh nghiệp sẽ kết nối với nhau để tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú hơn. Hệ thống giao thông tốt thì đương nhiên các doanh nghiệp, người dân đi lại sẽ gắn kết với nhau hơn. Trên cơ sở đó sẽ giúp xúc tiến đầu tư, du lịch và quảng bá sản phẩm tốt du lịch tốt hơn”.

... để định vị du lịch

Thực tế, việc liên kết du lịch vùng giữa các địa phương được thực hiện từ trước đó, đã góp phần không nhỏ trong tăng trưởng kinh tế, nhất là trong giai đoạn kích cầu du lịch sau đợt ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Tại Quảng Ninh, địa phương đã chủ động đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch, liên kết vùng, liên kết trong chuỗi cung ứng dịch vụ. Từ đó đã hình thành đa dạng các tour, tuyến du lịch lớn như: Quảng Ninh - TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh - Đà Nẵng, Quảng Ninh - Hà Nội, Quảng Ninh – Hải Phòng và các vùng trọng điểm du lịch của cả nước. Lượng khách đến với Quảng Ninh trong 7 tháng năm 2022 cũng tăng cao với gần 7 triệu lượt khách trong nước và quốc tế. Tổng doanh thu từ du lịch trên 14,8 nghìn tỷ đồng, tăng gần 3 lần cùng kỳ năm 2021.

Một góc TP Hạ Long nhìn từ trên cao

Một góc TP Hạ Long nhìn từ trên cao

Mới đây, Quảng Ninh đã đón đoàn gần 700 khách là cán bộ, nhân viên của Công ty cổ phần thực phẩm và đồ uống quốc tế (Interbos) đến từ TP Hồ Chí Minh. Đây là đoàn khách được kết nối từ chương trình xúc tiến của Sở Du lịch Quảng Ninh với đơn vị lữ hành là Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại TST (TST Tourist) để phát triển thị trường du lịch tại TP Hồ Chí Minh.

Đánh giá về tiềm năng du lịch của Quảng Ninh, ông Đào Việt Quân - Phó Giám đốc Khối hướng dẫn viên (TST Tourist), cho biết: Quảng Ninh là địa điểm không thể bỏ qua khi du lịch vùng Đông Bắc. Quảng Ninh hội tụ đủ các điều kiện để thu hút mạnh mẽ nguồn khách từ TP Hồ Chí Minh, bởi không chỉ sở hữu những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, mà còn có hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi gồm: Cao tốc - cảng biển - hàng không, giúp du khách di chuyển nhanh chóng.

Vì vậy, thời gian tới, đơn vị sẽ triển khai hợp tác trong việc nghiên cứu, khảo sát, xây dựng các chương trình tour du lịch hấp dẫn, mới lạ; mở rộng giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế đến với Quảng Ninh. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ ngành du lịch của Quảng Ninh.

Có thể nói, sự tăng trưởng ấn tượng của du lịch Quảng Ninh trong thời gian qua là minh chứng cho hiệu quả các chương trình liên kết du lịch. Để gia tăng sức hút với khách du lịch, lấy lại phong độ như trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, theo ông Lê Minh Tân - Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh,  Sở Du lịch sẽ chủ động kết nối các điểm, khu du lịch, xây dựng mạng lưới liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, lưu trú, nhà hàng… để giảm chi phí, hạ giá thành; xây dựng các chương trình quảng bá chào bán sản phẩm thu hút khách. Ngành Du lịch cũng sẽ tiếp tục mở rộng không gian và phát triển các sản phẩm du lịch mới đến các khu vực biển đảo và các địa phương, lưu ý phát triển thử nghiệm các sản phẩm du lịch về đêm, du lịch đường phố...

“Sở Du lịch Quảng Ninh sẽ tham mưu cho UBND tỉnh nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển du lịch, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp nâng chất, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới”, đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: “Mở đường” đón nhà đầu tư

    Quảng Ninh: “Mở đường” đón nhà đầu tư

    17:40, 12/08/2022

  • Quảng Ninh phát triển du lịch bền vững cách nào?

    Quảng Ninh phát triển du lịch bền vững cách nào?

    00:00, 06/08/2022

  • Quảng Ninh: Số hóa tạo bứt phá cho du lịch thông minh

    Quảng Ninh: Số hóa tạo bứt phá cho du lịch thông minh

    02:15, 04/08/2022

HẢI NGÂN