“Lợi thế vàng” cho du lịch Quảng Nam hút khách quốc tế
Với việc đón đầu xu thế du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm,... tỉnh Quảng Nam đang có “lợi thế vàng” để trở thành sự lựa chọn ưu tiên của khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.
>>Du lịch phải bắt đầu từ nhu cầu
Mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 có thể sẽ không đạt được, tuy nhiên với 1,6 triệu lượt khách như hiện nay cũng đã tiếp thêm hy vọng cho các địa phương trong năm sau.
Đón đầu xu thế du lịch mới
Nhờ vào định hướng phát triển du lịch xanh, các điểm đến như làng gốm Thanh Hà (Hội An), làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh (Tam Kỳ), làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú - Gò Nổi (Điện Bàn), làng du lịch cộng đồng Đại Bình (Nông Sơn),… nhiều thời điểm đã thu hút được một lượng lớn du khách đến thăm quan trải nghiệm. Điều này giúp cải thiện sinh kế cho người dân cũng như mang lại diện mạo tươi mới cho một số điểm đến vốn đìu hiu trong hơn hai năm qua.
Cùng với sự thay đổi của xu thế du lịch sau đại dịch chú trọng đến sản phẩm xanh, có trách nhiệm cộng đồng,... tỉnh Quảng Nam đã đón đầu được xu thế và đang dần hoàn thiện các sản phẩm. Là địa phương đầu tiên ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh để doanh nghiệp thực hiện theo, Quảng Nam đang nhận được nhiều sự quan tâm của các thị trường khách lớn trên thế giới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cho hay du lịch xanh sẽ là xu hướng lựa chọn tất yếu của nhân loại, đề cao ý thức con người trong bảo vệ thiên nhiên. Theo ông Tân, cần giữ gìn bản sắc văn hoá và quán triệt tinh thần phát triển du lịch xanh trong từng đề án phát triển du lịch, từng doanh nghiệp, sản phẩm du lịch cụ thể.
“Quảng Nam cần thêm những sản phẩm du lịch xanh, tour du lịch xanh, cơ sở lưu trú du lịch xanh mang lại giá trị đích thực. Phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có từ 10 – 20 mô hình du lịch xanh tiêu biểu. Người đứng đầu các cấp, cơ quan doanh nghiệp và mỗi người dân đều phải là một đại sứ chuyển tải thông điệp du lịch xanh, thực hiện tốt tiêu chí du lịch xanh để đón khách du lịch. Với bề dày lịch sử, đặc trưng của văn hóa Quảng Nam, các hoạt động phải được thiết lập trên nền tảng văn hoá du lịch nương tựa, bảo tồn phát huy văn hoá đặc trưng, chú trọng giảm áp lực cho di sản và giữ gìn, tái tạo môi trường sống”, ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.
Ở góc độ doanh nghiệp ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Santa Sea Hội An Villa (Đồng sáng lập Chợ phiên Làng chài Tân Thành) đặt niềm tin định hướng phát triển du lịch xanh của Quảng Nam. Vị này cho rằng “cái xanh” xuất phát từ bên ngoài về sinh thái và bên trong là du lịch không rác thải, đội ngũ nhân lực để nhận thức, ý thức gìn giữ môi trường, giá trị bản địa tạo nên bản sắc mà không tạo nên xung đột, ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên, văn hóa.
“Thông qua du lịch xanh sẽ giảm áp lực cho các di sản trên địa bàn bởi trước đây Quảng Nam hướng đến các tệp khách nghỉ dưỡng, trải nghiệm dịch vụ hơn là “cưỡi ngựa xem hoa”. Ở đây không chỉ là khách quốc tế mà còn cả là khách nội địa, tôi mong muốn rằng Quảng Nam đón được những tệp khách yêu văn hóa, giá trị bản địa để đến với địa phương để trải nghiệm một du lịch xanh đúng nghĩa”, ông Lê Quốc Việt nhận định.
Tận dụng “lợi thế vàng”
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam chia sẻ thông qua các sự kiện khai mạc Năm du lịch quốc gia 2022, chương trình “Trải nghiệm Quảng Nam”, Diễn đàn Du lịch Mê Kông 2022,… Quảng Nam đã đón nhiều đoàn doanh nghiệp du lịch, báo chí truyền thông, người có tầm ảnh hưởng trên các mạng xã hội quốc tế đến khảo sát, trải nghiệm nhiều điểm đến cộng đồng. Qua đó, tạo thêm nhiều thêm cơ hội xúc tiến, kết nối khách quốc tế đến với địa phương
“Về Chương trình phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, địa phương xác định phát triển du lịch xanh là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch. Theo đó, tỉnh Quảng Nam sẽ phát triển các sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao, gắn với tạo thương hiệu, cạnh tranh lâu dài theo hướng xanh, bền vững, phù hợp với tiềm năng và lợi thế từng vùng”, ông Hồng thông tin.
Theo kế hoạch, phía Bắc Quảng Nam sẽ tập trung đầu tư phát triển Hội An thành đô thị du lịch tiêu biểu của cả nước, Cù Lao Chàm trở thành khu du lịch quốc gia. Tại phía Nam sẽ định hướng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, thủ công truyền thống gắn với du lịch tìm hiểu lịch sử văn hóa cách mạng, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch công vụ (MICE).
Ở phía Tây, Quảng Nam sẽ tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp với các di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị đặc trưng của các làng nghề truyền thống, thể thao mạo hiểm, khám phá, nghỉ dưỡng,... nhằm giảm tải cho khu vực di sản, đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh và cân bằng phát triển du lịch giữa các vùng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế đêm trong lĩnh vực du lịch”, qua đó tạo ra giá trị gia tăng lớn cho ngành du lịch cùng các ngành nghề liên quan, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cộng đồng ở các điểm đến du lịch.
“Tỉnh sẽ xây dựng các tour du lịch độc đáo, đặc thù theo hướng xanh, tập trung khai thác thị trường khách MICE cũng như sẽ tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện để thu hút khách du lịch như Bế mạc Năm Du lịch quốc gia Quảng Nam 2022 và các hoạt động hưởng ứng, Tuần du lịch xanh Quảng Nam,… Các địa phương, doanh nghiệp du lịch tổ chức nhiều hoạt động chào đón Giáng Sinh, Năm mới 2023…”, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam nói thêm.
Theo ông Douglas Hainsworth, chuyên gia Dự án Du lịch Bền vững Thụy Sĩ, tài nguyên văn hóa đặc trưng của Quảng Nam đóng vào trọng quan trọng cho sự phát triển của du lịch xanh. Vị này cho rằng chính nguồn tài nguyên phong phú và nổi bật của Quảng Nam là nền tảng để cung cấp dịch vụ du lịch, và đây cũng là chìa khóa thành công của ngành du lịch Quảng Nam.
“Chính những thành công đó đã giúp tăng trưởng kinh tế và đầu tư đáng kể và tạo việc làm, cơ hội nâng cao thu nhập trong khu vực phi chính thức, đưa Quảng Nam trở thành một điểm đến “không thể bỏ qua” ở Việt Nam. Đặc biệt, góp phần tăng thêm chất lượng tổng thể và khẳng định hình ảnh và thương hiệu du lịch Việt Nam trên thế giới…”, ông Douglas Hainsworth chia sẻ.
Theo các chuyên gia quốc tế, du lịch xanh là xu hướng không thể đảo ngược. Sau đại dịch, du lịch trách nhiệm, du lịch bền vững càng cho thấy sự cần thiết hơn.
Tại khảo sát của Expedia cũng cho thấy đa phần xu hướng du khách hiện nay chọn những tour tuyến, những địa điểm áp dụng du lịch xanh, du lịch bền vững, ít tác động tới môi trường. Trong đó, có 60% khách sẵn sàng chấp nhận sự kém tiện nghi để được trải nghiệm du lịch xanh và nhóm này cũng sẵn sàng trả cao hơn 30% chi phí để được trải nghiệm.
Có thể bạn quan tâm