Thái Bình: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP
Du lịch cộng đồng muốn phát triển thì cần có sản phẩm đặc trưng và OCOP muốn vươn xa phải gắn kết với du lịch. Cả hai sẽ nằm trong chuỗi phát triển liên kết không thể thiếu và khó tách rời nhau.
>>>Thái Bình: "Đánh thức" tiềm năng du lịch sinh thái
Thái Bình có tiếng là vùng đất có nhiều sản vật, đa dạng hệ sinh thái, đa dạng văn hóa, làng nghề… Đó là nền tảng, lợi thế, giá trị khác biệt, là cơ hội phát triển nếu khai thác đúng tiềm năng. Những năm gần đây, xu hướng du lịch xanh đang nhận được sự quan tâm tích cực từ du khách cũng như các nhà làm du lịch, đó là một dấu hiệu tốt cho tiềm năng phát triển của du lịch nông nghiệp.
Xác định OCOP là bước đi mới trong xây dựng nông thôn mới, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, tỉnh Thái Bình đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định về việc ban hành Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, tỉnh đã tổ chức công bố, trao giấy chứng nhận cho 47 sản phẩm OCOP năm 2021. Theo đó, UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021 thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đối với 15 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 32 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao của 32 chủ thể. Được biết, trong số 47 sản phẩm OCOP được tỉnh Thái Bình công bố lần này thì huyện Vũ Thư dẫn đầu với 17 sản phẩm, tiếp đến là huyện Thái Thụy có 13 sản phẩm, các huyện: Kiến Xương, Quỳnh Phụ và thành phố Thái Bình đều có 4 sản phẩm, huyện Tiền hải 3 sản phẩm, huyện Hưng Hà và Đông Hưng mỗi huyện có 1 sản phẩm.
Ông Đinh Vĩnh Thụy – Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết: Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch canh nông gắn với các sản phẩm nông nghiệp là hướng đi cần góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, vừa khai thác tốt các giá trị văn hóa truyền thống, vừa bảo tồn, phát triển và mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Tính đến thời điểm này toàn tỉnh Thái Bình đã có 64 sản phẩm OCOP. Trong đó có 32 sản phẩm đạt 4 sao, 32 sản phẩm xếp hạng 3 sao.
Thái Bình xác định, phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022 - 2025 và đến năm 2030 gắn với du lịch, phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững. Theo ông Lại Văn Hoàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết: Tỉnh Thái Bình tập trung phát triển các sản phẩm OCOP có xuất xứ từ nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế trên địa bàn tỉnh theo hướng đổi mới, sáng tạo, tập trung liên kết, phát huy nội lực do các tổ chức kinh tế OCOP tại cộng đồng thực hiện.
Hoạt động kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn, đã góp phần đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh.
Qua đó, khuyến khích các cơ sở OCOP tích cực đầu tư, nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu sản phẩm, từ đó nâng cao số lượng, giá trị sản phẩm tiêu thụ và thu nhập của người dân.
Tỉnh khuyến khích phát triển các điểm du lịch sinh thái cộng đồng, hỗ trợ các hộ làm du lịch cộng đồng; phát triển và quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn, trải nghiệm đời sống cùng người dân địa phương trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của từng vùng, từng nghề truyền thống; đẩy mạnh việc phát triển các làng nghề truyền thống gắn với các tour du lịch cộng đồng theo chuyên đề.
Đến năm 2030, các sản phẩm tham gia OCOP trên địa bàn Thái Bình sẽ được ưu tiên phát triển theo chiều hướng tạo nên tính mới, đột phá trên cơ sở nguồn lực sẵn có của cộng đồng (nguyên liệu, lao động, nguồn vốn); sản phẩm tham gia chương trình OCOP phải đa dạng các ngành nghề, nhóm sản phẩm trong toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Lợi – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Thắng Lợi cho biết: Những sản phẩm đạt giải ocop này sẽ góp phần định vị và quảng bá thương hiệu du lịch Thái Bình trên bản đồ du lịch quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay chưa có mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP.
Do đó, Việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch canh nông gắn với các sản phẩm nông nghiệp là hướng đi cần thiết và cần phải được các cấp ngành quan tâm. Những xu hướng du lịch xanh đang nhận được sự quan tâm tích cực từ du khách cũng như các nhà làm du lịch, đó là một dấu hiệu tốt cho tiềm năng phát triển của du lịch nông nghiệp, vừa góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, vừa khai thác tốt các giá trị văn hóa truyền thống, vừa bảo tồn, phát triển và mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.
Trong thời gian tới, tỉnh Thái Bình cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng để du khách hiểu được về du lịch cộng đồng và chương trình OCOP trên địa bản tỉnh. Từ đó, mỗi thành viên là một sứ giả cho sự phát triển thương hiệu du lịch tại địa phương. Đồng thời, địa phương và các doanh nghiệp cũng cần chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới và chương trình OCOP. Trong đó, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng và sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, lễ hội văn hóa gắn với hình ảnh du lịch địa phương để tạo điểm nhấn thu hút du khách.
Du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP giúp quảng bá hình ảnh về đất nước, con người một cách gần gũi và chân thật nhất, tạo môi trường thuận lợi để phát triển ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp, mở rộng kiến thức về các nền văn hóa khác nhau trong và ngoài nước. Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP hướng đến giá trị xanh: Môi trường xanh, văn hóa xanh góp phần nâng cao năng lực cộng đồng tạo thêm các giá trị kinh tế cho sản phẩm địa phương.
Có thể bạn quan tâm