Du lịch phục hồi
Dự báo năm 2023, du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019.
>>Phục hồi du lịch quốc tế bằng cách nào?
Vượt qua đại dịch, du lịch Việt Nam đã bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển. Với sức sống đáng kinh ngạc của toàn ngành Du lịch, cùng sự chung tay của các cơ quan và toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã vươn lên và gặt hái được rất nhiều thành công.
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, để có những định hướng chiến lược trong tương lai đáp ứng yêu cầu Chính phủ đề ra, toàn ngành sẽ tập trung triển khai nhiệm vụ theo phương châm “Quyết liệt, chủ động, thúc đẩy song song cả thị trường trong nước và quốc tế về đích trước thời hạn mục tiêu đặt ra”.
- Đại dịch COVID-19 đã để lại không ít “tàn dư” và gây ra vô vàn tổn thương, khó khăn cho toàn ngành Du lịch. Tuy nhiên, Du lịch Việt Nam năm 2022 vẫn để lại những dấu ấn vô cùng đáng tự hào, thưa ông?
Trong lịch sử 62 năm, ngành Du lịch Việt Nam đã trải qua nhiều đợt khủng hoảng do dịch bệnh, thiên tai, suy thoái kinh tế, nhưng chưa bao giờ ngành Du lịch Việt Nam lại chịu thiệt hại nặng nề như cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra.
Nhưng du lịch Việt Nam đã nỗ lực vươn lên với những dấu ấn đó là Du lịch Việt Nam “bội thu” tại World Travel Awards 2022. Tại Giải thưởng World Travel Awards 2022, Du lịch Việt Nam được vinh danh ở 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu thế giới và 48 hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á. Trong đó Việt Nam dành được những giải thưởng nổi bật như: Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới, Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á. Tổng cục Du lịch Việt Nam lần thứ 3 được vinh danh là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy giá trị danh hiệu quốc tế đã đạt được, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác các giá trị văn hoá, dân tộc đặc sắc bên cạnh các tiềm năng tài nguyên thiên, từ đó tạo cơ sở vững chắc để gia tăng sức hấp dẫn, thu hút khách quốc tế trở lại Việt Nam, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam bền vững.
- Phục hồi lại nguồn nhân lực du lịch là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay. Trong thời gian tới, ngành Du lịch mong muốn sự hợp tác với các cơ quan bộ ngành hỗ trợ ra sao, thưa ông?
Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục đề xuất một số giải pháp về phát triển nguồn nhân lực du lịch. Cụ thể, doanh nghiệp du lịch cần tiếp tục được hỗ trợ về vốn, miễn giảm thuế, phí… để duy trì hoạt động kinh doanh.
>>"Chớp thời cơ vàng" để mở cửa quốc tế, phục hồi du lịch
Mặt khác, ngành Du lịch sẽ triển khai những giải pháp tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở đào tạo thực hiện hoạt động truyền thông thu hút người học tham gia tuyển sinh và theo học các ngành, nghề du lịch… và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Chương trình phục hồi lao động trong ngành du lịch, hỗ trợ chi phí đào tạo cho người lao động thông qua doanh nghiệp du lịch giai đoạn 2023-2025.
Về đào tạo, toàn ngành du lịch sẽ phải đẩy mạnh tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng ngắn hạn song hành với đào tạo mới nguồn nhân lực du lịch đảm bảo yêu cầu bổ sung đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi ngành du lịch trong ngắn hạn đặc biệt tại các trọng điểm du lịch.
- Một mùa xuân mới đã về và ngành Du lịch đang kỳ vọng rất nhiều ở sự phát triển và đi lên. Ông có dự báo ra sao về bức tranh toàn cảnh của Du lịch Việt Nam trong năm 2023?
Dự báo năm 2023, du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019. Du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Các thị trường gửi khách chủ yếu của Việt Nam (Trung Quốc, Đài Loan…) chưa mở cửa hoàn toàn. Tác động của CMCN 4.0 đến ngành Du lịch sẽ mạnh mẽ hơn. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hoạt động du lịch.
Năm 2023, toàn ngành nỗ lực tối đa để đạt được mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Để làm được điều đó, chúng ta cần linh hoạt, nghiên cứu kỹ xu hướng mới của du khách trong nước và quốc tế, từ đó cải tiến, xây dựng các sản phẩm du lịch, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kỹ thuật. Cụ thể như, du lịch nghỉ dưỡng theo cách “ngắt kết nối”, du lịch gắn với công nghệ thực tế ảo, du lịch “một chạm”, hay như du lịch trải nghiệm mới lạ, theo cách “chạm tới giới hạn của bản thân”.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch đậm nét và có chiều sâu cho lĩnh vực du lịch
10:05, 07/01/2023
Du lịch Hà Nội: Tạo đột phá bằng nhiều sản phẩm mới độc đáo
04:00, 07/01/2023
Du lịch Hà Nội: Mục tiêu thành trung tâm du lịch Bắc Bộ
03:00, 05/01/2023
Dịp Tết dương lịch, tổng thu từ khách du lịch đạt 9,6 nghìn tỷ đồng
03:00, 05/01/2023
“Bẫy giá" du lịch - Không khó để xử lý tới cùng
22:03, 02/01/2023
Phát triển du lịch cộng đồng cần tôn trọng văn hoá địa phương
03:00, 01/01/2023
Tây Nguyên tạo "đòn bẩy" cho du lịch cộng đồng
00:00, 01/01/2023