Du lịch nông nghiệp tạo sinh khí mới trong năm 2023
Ngành nông nghiệp sẽ không còn lấy tiêu chi sản lượng để làm mục tiêu phấn đấu nữa và chuyển sang tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, trong đó có phát triển du lịch nông nghiệp.
>>Sắc màu Tết của người Tày ở Bắc Quang
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định: “Vai trò định vị thị trường còn quan trọng hơn là sản xuất. Nếu sản xuất mà không có thị trường thì sẽ bị tắc nghẽn. Chúng ta sản xuất những thứ thị trường cần chứ không sản xuất những gì chúng ta có. Chúng ta mở nhiều thị trường và đa dạng hoá nguồn tiêu thụ sản phẩm. Quan trọng hơn là nông sản của chúng ta đã đáp ứng được nhiều thị trường khó tính”.
Theo Bộ trưởng, những thay đổi trong tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ. Chiến lược phát triển nông nghiệp đã bắt đầu lan toả ra nhận thức xã hội về chuyển tư duy phát triển nông nghiệp sang mô hình mới dựa trên tích hợp nhiều giá trị. Những mô hình phát triển mới như lúa - tôm, lúa - rươi, du lịch nông nghiệp tạo ra sản phẩm hữu cơ tạo ra sinh khí mới.
Một số mô hình du lịch nông nghiệp điển hình có thể nhắc tới như chè Shan tuyết tại Hà Giang, Yên Bái và một số tỉnh thuộc đông và tây Bắc tổ quốc. Những cây chè Shan tuyết được mệnh danh là “đại lão vương trà” có tuổi đời hàng trăm năm tuổi đã được chính quyền các địa phương thực hiện công tác bảo tồn. Trong đó có sự tham gia rất lớn của cộng đồng doanh nhân vào công tác phát huy giá trị của nông sản trà Shan vươn tầm quốc tế. Đồng thời, công tác bảo tồn và phát huy giá trị nông sản, phát triển sinh kế cho bà con các dân tộc thiểu số, vận động bà con tham gian vào việc chăm sóc và bảo vệ các cây trà Shan cổ thụ.
Hiện nay, cách làm thương hiệu riêng cho sản phẩm nông nghiệp trà Shan tuyết của Văn Chấn, Yên Bái rất độc đáo và có hướng đi khác biệt trong định vị thương hiệu cho trà. Trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, huyện Văn Chấn nổi tiếng là sản phẩm trà sạch, trà “5 cực” có giá trị kinh tế cao, được nhiều người ưa chuộng. Đây chính là tâm huyết, là sự nỗ lực, cố gắng của những người tâm huyết với cây chè ở vùng đồng bào Mông Suối Giàng, để tạo ra nhiều sản phẩm trà vừa có chất lượng vừa mang giá trị văn hóa dân tộc.
Nghệ nhân trà Đào Đức Hiếu – Giám đốc Hệ sinh thái Du lịch Suối Giàng huyện Văn Chấn, Yên Bái. Anh là một người yêu trà và không đến từ núi rừng của Suối Giàng mà là người gốc Hà Thành nhưng rất đam mê với bản sắc văn hóa bản địa và mong muốn được gìn giữ di sản, phát huy giá trị tinh hoa trà Việt. Anh đã “bỏ phố lên rừng” chung sống cùng với bà con trên những ngọn đồi cao 1300 đến 1800 mét tại Suối Giàng. Anh Hiếu nhấn mạnh, trong các bước cần thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị của trà thì cần đặc biệt chú trọng đến cách làm thương hiệu để nâng tầm giá trị của trà Việt, giúp thương hiệu trà Việt vươn tầm quốc tế.
Với quy trình sản xuất tiên tiến, sạch, các sản phẩm trà Shan tuyết Suối Giàng đã được công nhận chất lượng OCOP theo chương trình mỗi xã một sản phẩm. Và gần đây nhất là chứng nhận quốc tế ECOCERT - chứng nhận vàng của sản phẩm hữu cơ đảm bảo quy chuẩn “3 không”: Không sử dụng phân bón, không sử dụng chất kích thích, không sử dụng thuốc trừ sâu.
Hiện nay, nhiều khách du lịch đã biết đến thương hiệu trà Shan tuyết Suối Giàng, và trà cũng được dùng là thức vị quý để phục vụ tiếp đón các đoàn du khách đến với bản người Mông, huyện Văn Chấn.
Đặc biệt, khi tham gia vào công tác hái chè và bảo tồn giá trị di sản là những cây chè Shan cổ thụ, du khách cũng có được một trải nghiệm vô cùng thú vị trong một không gian văn hóa trà Suối Giàng, Yên Bái. Trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng vinh dự khi có mặt trên tạp chí thế giới với đa ngôn ngữ và tự hào khi một sản phẩm nông nghiệp Việt Nam được gần 100 giáo sư trên toàn thế giới biết đến.
Đúng như Bộ trưởng đã nhận định về tuy duy mới tích hợp nhiều giá trị nâng tầm nông sản, cách làm thương hiệu trà Shan tuyết Suối Giàng chính là những kết quả của việc lan toả ra nhận thức xã hội về chuyển tư duy phát triển nông nghiệp như sản xuất chè dựa trên tích hợp nhiều giá trị trong đó chính là bảo tồn giá trị của cây chè Shan, mang lại giá trị kinh tế du lịch và nâng cao đời sống cho bà con nơi đây.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay xu thế của thế giới khi sử dụng công nghệ để tối ưu hoá sản xuất chính là “ít hơn để được nhiều hơn” (Less is More hay nói cách khác là More from Less). Những thứ tưởng chừng như không bao giờ dùng đến nhưng bây giờ đã có thể tái chế để thành nguyên liệu cho ngành sản xuất bằng việc áp dụng công nghệ. Đó chính là kinh tế tuần hoàn.
>>Hà Giang khác biệt trong các giải pháp cho du lịch 2023
“Chúng ta không nhắm đến tăng sản lượng nữa mà nhắm đến chất lượng và giá bán cao hơn nhưng rất tiếc thời gian vừa rồi Bộ chưa làm tốt vai trò lan toả những mô hình đó” – Bộ trưởng khẳng định. Thời gian tới, Bộ sẽ giao cho trung tâm khuyến nông làm việc này, đưa hết mô hình kinh tế tuần hoàn lên sàn để ai cũng có thể tiếp cận được cách làm, tiêu chuẩn chung cho quy mô nông hộ, hợp tác xã. Đồng thời, Bộ phối hợp với các doanh nghiệp FDI để phát triển các vùng nguyên liệu, cố gắng tối đa hoá nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp, hướng tới việc giảm tỷ lệ nhập khẩu phục vụ nhu cầu trong nước.
Trước những thách thức của nền kinh tế năm 2023, Bộ trưởng nêu rõ, cần cách nghĩ khác đi. Đầu tiên là tổ chức lại sản xuất vì muốn có thị trường lâu dài thì phải vượt qua điểm yếu tồn tại bao nhiêu năm nay là sản xuất manh mún tự phát. Chúng ta kết nối thành chuỗi, hình thành lối tư duy hợp tác, liên kết, người nông dân hình thành chuỗi. Khi người nông dân hợp tác với nhau tạo thành một cộng đồng chung, giới chuyên gia, doanh nghiệp hay lãnh đạo địa phương sẽ dễ dàng truyền tải thông tin thị trường và có những khuyến cáo cho sản xuất, giảm rủi ro cho bà con xuống.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Năm 2023, chúng ta sẽ đi sâu vào câu chuyện tạo ra nhiều việc làm cho bà con nông dân, muốn vậy, hình thái của hợp tác xã khác đi, tạo ra nhiều việc làm. Những con số thời gian vừa qua chúng ta chưa đong đếm được là tạo ra bao nhiêu việc làm. Cuối cùng của tăng trưởng là tạo ra việc làm, giải quyết lao động. Chúng ta phải tạo ra nhiều việc làm ở nông thôn từ dịch vụ đến phi nông nghiệp nông thôn”.
Bộ sẽ xây dựng thương hiệu cần làm ngay sau khi quy hoạch kết hợp quy hoạch vùng nguyên liệu một cách phù hợp, xứng tầm. Đồng thời đẩy mạnh công nghệ, ứng dụng công nghệ số, gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Có thể bạn quan tâm