Vui xuân ở các thôn bản vùng cao Quảng Ninh

Diendandoanhnghiep.vn Trong bầu không khí đón mùa xuân mới, khắp các thôn, bản vùng cao của Quảng Ninh đều chung niềm vui rộn ràng, hân hoan góp phần phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.

>>> Quảng Ninh chú trọng thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Rộn ràng bản sắc...

Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa huyện Bình Liêu chia sẻ: Những ngày Tết du khách đến các phiên chợ ở thị trấn Bình Liêu càng thêm đông đúc kẻ bán người mua. Không khí tấp nập cho đến tận chiều 30 tết.  Hàng hóa cũng được bày bán mộc mạc, chỉ cần một tấm vải bạt trải ra đất cũng xong, nhưng lại vô cùng phong phú, từ các loại lá thuốc, rễ thuốc, rau củ, măng rừng, gạo nương, mật ong, hoa hồi, lá dong... cho đến các loại gia cầm, nông cụ, quần áo thêu thổ cẩm... Len lỏi giữa dòng người ra vào chợ, còn là mùi thơm từ những quán ăn dân dã, nơi đang phục vụ thực khách bằng những món ăn đậm chất vùng cao còn đang nóng hổi, nghi ngút khói, càng thêm ấm lòng giữa tiết trời giá rét.

Chi em phụ nữ ở thôn Khe Loọng Ngoài, xã Thanh Sơn xúng xính với bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình (ảnh báo Quảng Ninh)

Chi em phụ nữ ở thôn Khe Loọng Ngoài, xã Thanh Sơn xúng xính với bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình (ảnh báo Quảng Ninh)

Từ những nguyên liệu mua tại chợ phiên, nhiều gia đình người Tày ở huyện Bình Liêu gói bánh chưng, bánh cốc mò để đón Tết theo đúng phong tục cổ truyền. Họ gói 2 loại bánh chưng khác nhau gọi là bánh bố hình tròn, bánh mẹ dài.

Chiều 30 Tết, bánh được đưa vào bàn thờ tổ tiên. Sau Tết, bánh được bóc ra để mời cả họ hàng cùng thưởng thức. Nếu có khách đến, chủ nhà rất ân cần mời khách cùng ăn, người nào ngẫu nhiên được ăn bánh của 3 nhà coi như may mắn quanh năm. Còn những gia đình dân tộc Sán Chỉ, niềm vui ngày tết còn là các hoạt động hội hè tại các buổi chợ phiên cuối năm, tại các nhà văn hóa cộng đồng ngay từ ngày mùng 1 tết. Họ cùng vui chơi các trò dân gian như kéo co, đẩy gậy, đánh quay, đánh cù... Và đặc biệt là hát Soóng cọ để giao duyên, hát đối, hát nhóm...

Không khí nô nức tại các phiên chợ cũng phần nào cho thấy đời sống của đồng bào các dân tộc đã từng bước được nâng lên rõ rệt. “Bức tranh sáng” có được sau 1 năm nỗ lực, đoàn kết để thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch COVID-19, từng bước phục hồi kinh tế.

Theo ông Lục Văn Bình – xã Thanh Sơn (dân tộc Sán Chay): Sau một năm tích cực lao động, các gia đình đã có của ăn của để, đón Tết vui xuân được đầy đủ, sung túc hơn trước. Để rồi trong những ngày nghỉ tết cũng là lúc nông nhàn, những người họ hàng, bạn bè được gặp gỡ bạn bè, vui chơi, chuyện trò, chia sẻ những vui buồn của một năm đã qua. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được các xã, thôn, bản tổ chức tiết kiệm, an toàn, vui tươi.

Xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ tổ chức chợ phiên văn hóa vùng cao gắn với phát triển du lịch cộng đồng (ảnh báo Quảng Ninh)

Xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ tổ chức chợ phiên văn hóa vùng cao gắn với phát triển du lịch cộng đồng (ảnh báo Quảng Ninh)

Theo lãnh đạo UBND TP Hạ Long: hiện xã vùng cao Tân Dân (TP Hạ Long), nơi có hơn 90% dân số là cộng đồng người Dao Thanh Phán, việc đón tết cổ truyền cũng rất đặc trưng. Theo phong tục, bà con bắt đầu ăn Tết từ sớm, ngay từ đầu tháng Chạp khi mùa màng đã thu hoạch xong. Các gia đình sẽ quây quần về nhà trưởng (tức trưởng họ), cùng nhau sửa soạn bàn thờ tổ tiên, làm lễ cúng Tết và dùng bữa cơm cuối năm.

Sau đó, lần lượt từng gia đình còn lại trong dòng họ cũng sẽ làm lễ cúng tổ tiên tại nhà mình, mời anh em, bạn bè đến cùng ăn bữa cơm tất niên thân mật. Lần lượt như vậy cứ thế kéo dài cho đến hết ngày cuối cùng của năm âm lịch. Có một số gia đình làm lễ cúng tổ tiên vào chiều ngày cuối năm, họ không tự làm lễ mà mời thầy cúng tới nhà, giúp thay mặt gia chủ bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ về tổ tiên. Đồng thời cầu phúc, cầu may, mong tổ tiên phù hộ cho gia đình, dòng họ trong năm mới có sức khỏe, công việc thuận lợi.

Anh Lý Tài Hùng (thôn Khe Đồng, xã Tân Dân) là một trong những nhà làm lễ cúng và ăn Tết cuối cùng trong thôn. Anh hào hứng chia sẻ: Khi tiền vàng đã hóa, mâm cỗ tất niên được dọn lên, những anh em, bạn bè cùng ngồi lại cạn chén rượu nồng và rôm rả ôn lại chuyện năm cũ và chia sẻ với nhau những dự định trong năm mới. Những người lớn tuổi có dịp kể lại với con cháu về lịch sử gia đình, dòng tộc, về những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Những người phụ nữ sẽ chuẩn bị quần áo tươm tất cho cả nhà, sắp tiền vàng, đồ lễ để sáng sớm hôm sau (mùng 1 Tết) cả gia đình sẽ về chúc Tết nhà trưởng, ăn bữa cơm đầu năm.

Trảy hội từ những phiên chợ Tết

Giữa những bộn bề tất bật cuối năm, có lẽ để thư giãn, tìm lại năng lượng cho bản thân, bạn nên thưởng cho mình một chuyến đi trải nghiệm lễ hội, chợ phiên cuối năm ở Bình Liêu. Không "ngủ đông", khi cái lạnh ùa về là thời điểm thú vị nhất để du khách tham gia các tour trải nghiệm như thăm rừng sở, chợ phiên dịp du xuân.  

Du khách có thể đến trải nghiệm tại các phiên chợ vùng cao (ảnh báo Quảng Ninh)

Du khách có thể đến trải nghiệm tại các phiên chợ vùng cao (ảnh báo Quảng Ninh)

Từ trung tâm thị trấn Bình Liêu, du khách hành trình tuyến đường khang trang lên xã Đồng Tâm mất chừng 30 phút để tới rừng sở thôn Đồng Long. Đi theo con đường thoai thoải lên đồi, du khách như lạc vào không gian tuyệt đẹp của khu rừng mênh mông, bạt ngàn một màu trắng tinh khôi của hoa sở.

Dịp cuối này, khi gió lạnh mưa xuân về cũng là thời điểm hoa sở nở rộ. Vào dịp này, du khách sẽ được trải nghiệm vô số hoạt động đặc sắc, độc đáo của đồng bào các dân tộc trong khuôn khổ Lễ hội hoa sở mùa xuân. Ngoài các chương trình nghệ thuật, hoạt động thể thao, trò chơi dân gian đẩy gậy, kéo co, du khách còn được xem thi bóc hạt sở, làm bánh coóc mò, thi ẩm thực, mua sắm các loại nông đặc sản OCOP Bình Liêu và các địa phương trong và ngoài tỉnh, triển lãm ảnh về Bình Liêu, đêm lửa trại thanh niên...

Theo lãnh đạo huyện Bình Liêu: Mùa Xuân này, Bình Liêu rất đẹp, ngoài những phong cảnh hữu tình du khách có thể tham quan chợ Đồng Văn - chợ phiên đặc sắc, là một trong các điểm du lịch của huyện Bình Liêu được công nhận và đưa vào khai thác từ năm 2015. Du khách nên chọn tới chợ vào ngày chợ phiên thứ bảy, thời điểm chợ họp đông, vui nhất. Dịp Tết, chợ lại càng đông vui, nhộn nhịp và mang nhiều sắc màu độc đáo của chợ vùng cao. Phiên chợ vùng cao Đồng Văn, những ngày Tết thường tấp nập cảnh bà con các dân tộc mang, vác, gùi hàng, nông, thổ sản xuống chợ. Đến chợ phiên từ sớm những ngày này dễ thấy khung cảnh nhộn nhịp, tươi vui, đầy màu sắc sặc sỡ trang phục của người Dao, Sán Chỉ, Tày... 

Đặc biệt, các cô gái Dao, Tày trong trang phục sặc sỡ xuống chợ như trảy hội. Người lớn gùi hàng dắt theo con trẻ, trên lưng mẹ em bé vẫn ngủ ngon lành giữa chợ phiên nhộn nhịp. Không chỉ thưởng thức không khí chợ phiên, có lẽ du khách nên đi sâu vào chợ thăm các quầy hàng, thưởng thức món phở xào tuyệt ngon.

Trong bầu không khí đón mùa xuân mới, khắp các thôn, bản vùng cao của Quảng Ninh đều chung niềm vui rộn ràng, hân hoan góp phần phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. (ảnh báo Quảng Ninh)

Trong bầu không khí đón mùa xuân mới, khắp các thôn, bản vùng cao của Quảng Ninh đều chung niềm vui rộn ràng, hân hoan góp phần phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. (ảnh báo Quảng Ninh)

Du khách nên thêm vào cẩm nang điểm đến, món ăn ngon cần biết mỗi khi du lịch tới Đồng Văn. Bởi đây không chỉ là ẩm thực mà còn là sự khám phá cuộc sống dân dã và nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây. Ngoài ra, từ điểm đến này, bạn có thể tiếp tục hành trình tham quan cửa khẩu Hoành Mô, chụp ảnh check-in với cột mốc 1317 gần đó. Đây là hành trình phù hợp cho các tour ngắn, trong ngày hoặc 2 ngày 1 đêm.

Ðời sống kinh tế phát triển, tạo điều kiện nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Đêm Giao thừa, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Quảng Ninh đều có điểm bắn pháo hoa tầm thấp. Các khu dân cư dù là nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo đều rực rỡ đèn hoa, sôi nổi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, đã đem không khí xuân đến thật rộn rã, tưng bừng.

Sắc hoa sở ở Bình Liêu bung nở

Sắc hoa sở ở Bình Liêu bung nở

Hình ảnh tưng bừng, rộn ràng ấy đã cho thấy sức phát triển từ những vùng cao, vùng sâu, vùng xa của Quảng Ninh. Một mùa xuân đang về với những hứa hẹn về nhiều bứt phá hơn nữa trong năm mới Quý Mão 2023 này.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Vui xuân ở các thôn bản vùng cao Quảng Ninh tại chuyên mục Du lịch của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713619094 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713619094 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10