Hải Phòng: Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
Sau gần 1 năm dần phục hồi, việc phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch sẽ là yếu tố quan trọng để ngành du lịch Hải Phòng phát triển đa dạng, bền vững.
>>>Về Hải Phòng hôm nay
>>>Hải Phòng: Hàng nghìn người dự lễ khai bút Đền Trạng Trình
Còn nhiều thách thức
Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định 7 khu vực động lực của du lịch Việt Nam, trong đó, có khu vực động lực Hà Nội – Quảng Ninh – Hải Phòng – Ninh Bình. Đây là khu vực động lực đặc biệt quan trọng với nhiệm vụ thúc đẩy phát triển du lịch của cả vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, rộng hơn có thể là cả khu vực miền Bắc.
Trong đó, Hải Phòng hội tụ đầy đủ tiềm năng phát triển du lịch với các lợi thế cả về đường biển, đường sắt, đường bộ và đường không, giao lưu thuận lợi với các tỉnh trong vùng và cả nước cũng như giao lưu quốc tế, có nhiều điều kiện để đón và phục vụ lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế. Hải Phòng cũng có hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng cả về tài nguyên du lịch tự nhiên (rừng núi, biển đảo, hệ sinh thái vườn quốc gia…) và tài nguyên du lịch văn hóa (các di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề, ẩm thực…). Hơn nữa, Hải Phòng là đô thị lớn với kết cấu hạ tầng khá đồng bộ và hiện đại. Đó là những thuận lợi to lớn đối với phát triển ngành du lịch địa phương.
Theo một số chuyên gia nhận định, thời gian qua, TP Hải Phòng đã tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng; phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Các doanh nghiệp du lịch cũng tập trung chú trọng vào việc đầu tư các sản phẩm mới, đặc sắc; chăm chút sản phẩm du lịch sẵn có. Điều này đã tạo ra sự bứt phá ngoạn mục trong việc thu hút khách du lịch đến với Hải Phòng. Đồng thời, cho thấy những chính sách của Việt Nam khi mở cửa, kích cầu du lịch mang lại hiệu quả rất tốt.
Tuy nhiên, du lịch Hải Phòng vẫn chưa thoát khỏi tính mùa vụ. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành công nghiệp không khói – 1 trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của TP Hải Phòng.
>>>Hải Phòng rực rỡ sắc xuân
Ông Hoàng Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Phòng cho biết: “Thực tế, ngành du lịch địa phương vẫn phải đối mặt với tính mùa vụ. Bên cạnh đó, trước mắt chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn như giá cả leo thang, xung đột vũ trang, một số chính sách về visa thu hút khách quốc tế cũng sẽ làm cho hoạt động du lịch phần nào đó bị ảnh hưởng. Với thị trường khách nội địa, chúng ta hiện vẫn đang dựa vào thị trường khách nội địa ở khu vực lân cận, chưa khai thác một cách có hiệu quả thị trường khách nội địa từ các địa phương kết nối với Hải Phòng thông qua các đường bay”.
Phát triển các sản phẩm khác biệt
Thực tế, trong những năm qua, với sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng cũng như tăng cường xây dựng các sản phẩm du lịch giúp du lịch Hải Phòng tạo được “nền tảng” khá tốt. Về phía các công ty lữ hành cũng đặt ra mục tiêu tiếp tục thực hiện phương châm mang tới cho du khách những trải nghiệm du lịch sáng tạo, an toàn, tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng du khách thuộc các phân khúc thị trường khác nhau. Đồng thời, tư vấn cho khách hàng những sản phẩm du lịch ngắn ngày, phù hợp với nhóm nhỏ, gia đình, bạn bè…
Ông Lưu Hoàng Điệp - Giám đốc công ty lữ hành S9: Ngành du lịch đặc biệt ngành lữ hành đã có đột phá rất lớn trong thời gian qua. Nếu năm 2022 bùng nổ về du lịch nội địa, thị trường khách nghỉ dưỡng thì sang năm 2023, khi Trung Quốc mở cửa, đây sẽ là thị trường trọng điểm mà các doanh nghiệp lữ hành tập trung hướng tới.
Còn theo ông Hoàng Tuấn Anh cho biết: “Du lịch Hải Phòng từ trước đến giờ vẫn dựa vào thế mạnh du lịch biển. Những năm gần đây, chúng ta bắt đầu phát triển du lịch nội đô và du lịch văn hoá lịch sử có hệ thống, quy mô lớn hơn. Chúng ta đã thấy được ngay sự bùng nổ của du lịch nội đô với sản phẩm Food Tour. Sản phẩm du lịch này đã gợi mở cho chúng ta cách làm mới trong việc tổ chức hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến điểm đến. Cùng với đó, các sản phẩm du lịch khảo cứu văn hoá lịch sử cũng đã mang lại sự khác biệt cho du khách bên cạnh sản phẩm truyền thống là du lịch biển hè”.
Cũng theo ông Tuấn Anh: “Với thị trường khách quốc tế, Hải Phòng có thế mạnh là sân bay quốc tế. Nếu chúng ta đẩy mạnh việc khai thác các đường bay quốc tế với Hải Phòng, xúc tiến mở các đường bay quốc tế đến các khu vực lân cận thì ngay lập tức có thể điều chỉnh được tỷ lệ khách quốc tế đến với Hải Phòng. Bởi khi giao thông thuận tiện, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ nghiên cứu phát triển sản phẩm của 2 đầu điểm đến”.
Thực tế, đại dịch vừa qua, chúng ta đã và đang nhìn thấy những xu hướng du lịch mới. Đó là những xu hướng du lịch nhóm nhỏ, xu hướng du lịch ít chạm, đến những điểm du lịch có môi trường thiên nhiên, tăng cường tính trải nghiệm các sản phẩm ẩm thực, văn hoá địa phương và các giá trị tài nguyên. Với các giải pháp kích cầu du lịch cũng như đưa ra một số sản phẩm du lịch mới như: FoodTour, CityTour, du lịch Hải Phòng đón lượng khách lớn đến với thành phố.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà NguyễnThị Thương Huyền - Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết: “Đặc thù đầu tư trong lĩnh vực du lịch đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, kể cả nguồn nhân lực, vật lực, đất đai, nó đều là những huy động rất lớn trong xã hội. Và với những dự án quy mô lớn thì nó đòi hỏi độ trễ về đầu tư khá là lớn. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay của Việt Nam và tác động của thế giới, kể cả đầu tư nước ngoài thì đều có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hy vọng cùng với sự nỗ lực của toàn TP Hải Phòng trong việc thúc đẩy các dự án lớn đang có tại Hải Phòng sẽ mang lại làn gió mới, hơi thở mới cho du lịch Hải Phòng”.
Có thể bạn quan tâm