Du xuân đầu năm tại ngôi chùa nghìn năm tuổi
Có giá trị lịch sử và văn hóa hàng nghìn năm, chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) từ lâu đã trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách mỗi dịp đầu năm.
>>> Lễ hội chùa Keo “trở lại” sau hai năm đại dịch
Chùa Vĩnh Nghiêm còn được gọi là chùa Đức La, xưa thuộc thôn Đức La, tổng Trí Yên, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc, nay là thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Chùa tọa lạc cạnh ngã ba Phượng Nhãn, nơi dòng sông Thương gặp dòng sông Lục Nam cùng đổ xuôi về Lục Đầu giang lịch sử, bên kia sông là đền Kiếp Bạc linh thiêng, tại thế đất mà người xưa gọi là “đầu gối sơn, chân đạp thủy”.
Căn cứ vào thư tịch cổ, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng từ thời Lý (thế kỷ XI) với tên gọi là chùa Chúc Thánh. Đến thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) được mở mang, tôn tạo và đổi tên là chùa Vĩnh Nghiêm.
Chùa Vĩnh Nghiêm từ lâu đã được nhân dân tôn vinh là một trong những trung tâm truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần, là nơi tổ chức và thành lập mô hình Phật giáo Nhất tông trên cơ sở hợp nhất các thiền phái đã có trước đó và cũng là mô hình giáo hội Phật giáo cho các tổ chức giáo hội sau này. Do đó, chùa Vĩnh Nghiêm được gọi là trụ sở đầu tiên của Phật giáo Việt Nam.
Để đáp ứng nhu cầu thờ Phật và nơi đào tạo tăng đồ trong cả nước, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng với quy mô lớn. Các cụm kiến trúc chính được sắp xếp trong một không gian hình chữ nhật, tổ chức theo một trục dọc từ hướng Nam đến hướng Bắc thành năm tổ hợp kiến trúc chính: tam quan, tam bảo, nhà Tổ đệ nhất, gác chuông, nhà Tổ đệ nhị. Trong đó, tòa Tam bảo là công trình lớn nhất và đẹp nhất trong tổ hợp kiến trúc của chùa Vĩnh Nghiêm.
Ngoài những nét kiến trúc độc đáo, chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ 3.050 mộc bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực. Ngày 16/5/2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 9/9/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ghi danh Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đẩy mạnh sản phẩm du lịch tâm linh
Trong những năm qua, xã Trí Yên đã phối hợp với các cơ quan của huyện Yên Dũng và tỉnh Bắc Giang quan tâm đầu tư, trùng tu, tôn tạo và mở rộng các cụm di tích văn hóa, chú trọng phát triển du lịch tâm linh nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm hiểu, tham quan, chiêm bái, lễ Phật của du khách thập phương.
Đến nay, hoạt động du lịch tại địa phương này đã có những bước đầu phát triển tốt, đã khai thác tour văn hóa tâm linh từ chùa Vĩnh Nghiêm đến các điểm du lịch văn hóa, lịch sử tiêu biểu.
>>> Du lịch Việt Nam 2023 còn nhiều dư địa để phát triển
>>> Hướng đi mới khắc phục du lịch mùa vụ tại Chùa Hương
Một số hình ảnh du khách tham quan, cầu tự tại chùa Vĩnh Nghiêm đầu xuân Quý Mão 2023:
Toàn huyện Yên Dũng hiện nay có gần 300 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có hơn 70 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt. Với phương châm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian qua đã có nhiều dự án, công trình di tích lịch sử - văn hóa phục vụ phát triển du lịch đã và đang được đầu tư khai thác trên địa bàn.
Huyện Yên Dũng đã đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn, phát huy, đầu tư khai thác giá trị các di tích phục vụ nhân dân và du khách thập phương; dành nguồn vốn cho mở rộng khuôn viên, xây dựng nhà bảo quản, trưng bày mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, xây dựng Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng, phục dựng các lễ hội truyền thống, hoàn thiện hệ thống giao thông, đồng thời kết hợp kêu gọi đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, sinh thái, sân golf 36 lỗ với diện tích hơn 100ha, trung tâm vui chơi, giải trí…
Ngoài ra, huyện Yên Dũng cũng đã tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội gắn với các hoạt động quảng bá, phát triển du lịch địa phương, tiêu biểu như Lễ đón nhận mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản tư liệu kí ức khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia… thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Có thể bạn quan tâm