"Miếng bánh ngon" cho du lịch Tây Nguyên
Ngoài những danh lam thắng cảnh thì các tỉnh Tây Nguyên cũng đã lên lịch cho các lễ hội, sự kiện sẵn sàng thu hút người dân trong và ngoài nước tham gia.
>>Vị thế của Binance lung lay trước quy định mới
Mới đây nhất, sự kiện giải chạy Marathon Vì An toàn giao thông - Sa Thầy 2023 đã diễn ra tại tỉnh Kon Tum. Giải thu hút khoảng 1.000 VĐV tham dự ở 4 cự ly gồm: 05km, 10km, 21km và 42km. Ngoài các vận động viên tham dự, sự kiện còn thu hút người dân tham quan, người thân vận động viên lên ủng hộ. Đặc biệt giải cũng thu hút gần 200 vận động viên tự do trong nước và nước ngoài tham dự.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá giải Marathon Vì An toàn giao thông - Sa Thầy 2023 còn được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích cho kinh tế địa phương, là dịp để truyền bá du lịch Tây Nguyên; hình ảnh đất và người Tây Nguyên đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Trước đó, cũng tại huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum, hội chợ Sâm ngọc linh lần 2 cũng đã được diễn ra thu hút hàng ngàn người dân và du khách tham dự. Sau hội chợ, UBND huyện Tu Mơ Rông đã thống kê phiên chợ đã thu hút trên 7.000 lượt khách đến mua sắm, tham quan các điểm du lịch trên địa bàn huyện, tăng gấp 3 lần so với Phiên chợ Sâm Ngọc Linh lần 1.
Tổng doanh thu bán hàng trực tiếp đạt gần 14 tỉ đồng. Đây là một con số không hề nhỏ và điều đó đã giúp tăng danh tiếng của Sâm ngọc linh. Đồng thời sự kiện còn kích thích du lịch, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước quan tâm đến Sâm ngọc linh đến kí kết hợp tác phát triển.
Và sắp tới, tại Đăk Lăk lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 sẽ được diễn ra. Khoảng 400 gian hàng tiêu chuẩn trong khu vực quy định đã ghi nhận với sự tham gia của 150 doanh nghiệp trong đó có 10 doanh nghiệp cà phê của nước ngoài và có yếu tố nước ngoài tham gia.
Trong khuôn khổ của lễ hội sẽ diễn ra hội nghị kết nối giao thương quốc tế. Đến nay đã có 48 đại biểu của 25 đơn vị xác nhận đăng ký tham gia. Trong đó có 6 đơn vị thu mua, 2 doanh nghiệp nước ngoài (Đức và Trung Quốc), 2 tổ chức chứng nhận, 1 đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc.
Ngoài ra, các sự kiện khác như: Hội thảo phát triển cà phê, Triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề “Văn hóa cà phê Việt Nam - hành trình kiến tạo di sản văn hóa thế giới” và triển lãm chuyên đề Lịch sử cà phê thế giới, Hội thi Sinh vật cảnh, Lễ hội đường phố, Hội thi nhà nông đua tài, Cuộc thi pha chế cà phê đặc sản, Lễ hội ánh sáng… cũng được chuẩn bị đúng tiến độ.
Để phục vụ cho du khách trong nước và nước ngoài đến tham gia lễ hội cà phê lần thứ 8 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 10/03/2023, UBND tỉnh Đăk Lăk đã cho ra mắt ứng dụng “app cà phê và du lịch”. Ứng dụng đã xây dựng và cập nhật lên ứng dụng 33 cơ sở lưu trú, 28 địa điểm ăn uống, 15 điểm tham quan, 37 quán cà phê đáp ứng đủ các tiêu chí về giấy phép kinh doanh, an toàn thực phẩm, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu đầu vào, nơi đậu đỗ xe, trang trí, thiết kế phù hợp.
Có thể thấy các lễ hội, sự kiện văn hoá đã đáp ứng nhu cầu đông đảo của khách du lịch, người kinh doanh sản xuất. Và ngành du lịch của Tây Nguyên đang đứng trước cơ hội vươn mình phát triển từ những điều này.
Có thể bạn quan tâm