Xoá điểm yếu của Du lịch Việt Nam
Rác đã trở thành điểm yếu trong du lịch của Việt Nam và cần có các biện pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để hướng tới phát triển du lịch bền vững.
>>Cơ hội nào cho phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam?
Thách thức trong quản lý chất thải rắn
Việt Nam hiện đối mặt với tốc độ đáng báo động về suy thoái môi trường và cạn kiệt nguồn tài nguyên. Trong các nghiên cứu của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đều nhận thấy công tác quản lý chất thải còn kém hiệu quả. Cụ thể, việc dễ dàng sử dụng nhựa dùng một lần cùng với mức độ nhận thức thấp của người dân là các lý do chính dẫn đến phát thải rác nhựa ra môi trường, đặc biệt tại các khu du lịch tập trung đông đúc khách đến; Các bên tái chế không chính thức, khó giảm phát thải nhựa tại nguồn khi không phân loại từ đầu đến khi xử lý…
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, các bãi rác thải đều không còn nhiều diện tích để chứa rác. Cùng với đó là công tác quản lý chưa đồng bộ, việc phân bổ tài chính cho các quận, huyện để tổ chức, quản lý rác thải đúng cách còn thiếu. Khu vực nông thôn và miền núi vẫn còn vấn nạn đổ rác trái phép ra đất trống, bờ sông, bờ biển, không đủ cơ sở thu gom, không phân loại và tái chế… Đồng thời, tại các khu vực này, việc sử dụng túi, bao bì nhựa dùng một lần có xu hướng tăng cao do tiện lợi, giá thành thấp, dẫn đến gia tăng rác thải nhựa dễ đi vào môi trường. Chính những nguyên nhân không có tính quyết liệt trong công tác quản lý dẫn tới rác ngập trong rác, khiến những du khách quốc tế đến Việt Nam không muốn quay trở lại.
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, ước tính lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển Việt Nam đến năm 2019 là khoảng 230.110 tấn, trung bình một ngày mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5-10 túi ni-lông; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa và các vật dụng cá nhân bằng nhựa dùng 1 lần khác.
Vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững du lịch, sự bảo tồn và đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài quý hiếm, tới vẻ đẹp cảnh quan, môi trường và qua đó ảnh hưởng tới hình ảnh, sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam.
Theo ông Đinh Hồng Kỳ hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Secoin, ngày nay, thế giới thải ra hơn hai tỷ tấn chất thải rắn mỗi năm và con số này dự kiến tăng lên 3-4 tỷ tấn vào 2050. Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về xả rác thải nhựa ra biển. Với những du khách nước ngoài vốn đã hình thành thói quen và ý thức về môi trường thì việc vứt rác bừa bãi đơn giản là điều không thể chấp nhận được.
Để rác thải không phải điểm yếu của Du lịch Việt Nam
Tại Việt Nam, ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Để khắc phục vấn đề rác thải nhựa tại Việt nam, cần có lộ trình, giải pháp thu hút đầu tư và công nghệ các lĩnh vực: Giảm thiểu, phân loại tại nguồn, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế các thành phần rác thải nhựa: Sử dụng vật liệu thay thế túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần; công nghệ tái chế rác thải túi nilon, rác thải nhựa.
>>Quảng Ninh: Bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững
Theo đó, nhiều sáng kiến được đưa ra nhằm kêu gọi hành động toàn xã hội về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải nhựa và xem xét lại các yếu tố có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Việt Nam cần tìm hiểu rõ hơn về các hạn chế đối với phát triển bền vững tại địa phương; tăng cường nhận thức về mối liên hệ giữa các hoạt động thượng nguồn - hạ nguồn và tác động của các hoạt động này; xây dựng năng lực của địa phương để áp dụng cách tiếp cận toàn diện đối với quản lý tài nguyên thiên nhiên và phát triển kinh tế; làm nổi bật các cơ hội, thách thức liên quan đến việc thực hiện phương pháp quản lý.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu cho biết, những năm gần đây, ngành du lịch tăng trưởng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cũng nêu rõ: Phát triển du lịch luôn gắn với bảo vệ môi trường, coi chất lượng môi trường là yếu tố hấp dẫn của du lịch. Phó Tổng cục trưởng kỳ vọng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa được triển khai tại Ninh Bình và Quảng Nam sẽ hiệu quả, trở thành điểm nhấn để nhân rộng trên phạm vi cả nước...
Theo đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chủ động huy động các nguồn lực, sự tham gia của các doanh nghiệp trong hành động giảm thiểu rác thải nhựa. Trong đó, đã phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) đã khởi động Dự án giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam.
Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ, dự án là hướng tới những người sản sinh nguồn rác thải nhựa như người kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực du lịch, du khách... Các chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi hướng tới giảm rác thải nhựa trong du lịch sẽ được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, khách du lịch.
Dự án kéo dài từ ngày 1/1/2023 đến ngày 30/6/2024, được thực hiện với sự phối hợp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Ninh Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình, Quảng Nam, chính quyền các xã triển khai dự án. Dự án hướng đến việc thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch cũng như kinh tế bền vững.
Dự án gồm 3 hợp phần. Đó là truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khu, điểm du lịch ở 2 tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam; xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và ứng dụng (app) quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch.
Có thể bạn quan tâm
Cơ hội nào cho phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam?
03:40, 14/01/2023
Quảng Ninh: Bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững
03:00, 18/01/2023
Chiến lược “đại dương xanh” trong phát triển du lịch
04:09, 21/12/2022
Chiến lược đại dương xanh: (Kỳ 3) Một chiến lược rất khó
04:00, 14/09/2022
Chiến lược đại dương xanh: (Kỳ 2) Những doanh nghiệp kinh điển
05:05, 13/09/2022