Du lịch Việt Nam cần chiến lược tiếp thị phù hợp
Du lịch Việt Nam hầu như tự phát, không có định hướng rõ ràng, do đó cần có quy hoạch cụ thể hơn về dịch vụ nào, giải trí nào hay khu nào làm cái gì.
>>5 câu hỏi "chìa khoá" của ngành du lịch
Giảm sự phụ thuộc du lịch vào thị trường trọng điểm
UNWTO vẫn cảnh báo, tình hình kinh tế có thể khiến khách du lịch có thái độ thận trọng hơn vào năm 2023, với xu hướng giảm chi tiêu, ưu tiên cho các chuyến đi ngắn hơn và du lịch gần nhà hơn. Như vậy, đối với ngành du lịch Việt Nam, thị trường khách nội khối ASEAN sẽ là thị trường mục tiêu rất quan trọng trong năm 2023, bên cạnh các rộng là các thị trường châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ,…
Tổng cục Du lịch cũng đánh giá “ASEAN là một trong những thị trường, đối tác quan trọng nhất của du lịch Việt Nam”.
Tuy nhiên, thực tế đặt ra với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ du lịch Việt Nam hiện nay chính là trông chờ vào khách du lịch Trung Quốc. Khách Trung Quốc được xem là nguồn khách đông nhất, quan trọng và không thể thay thế nhưng nếu cứ trông chờ vào nguồn khách này không phải là bài toán lâu dài cho nhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch tại Việt Nam. Chúng ta cần thay đổi nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu hoặc mở rộng đối tượng khách hàng mục tiêu. Đây sẽ là một bài toán mang tính chiến lược về lâu dài.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours, cho rằng: “Đây là dịp tốt để du lịch Việt Nam nhìn lại mình, có chiến lược phát triển và định hướng thị phần phù hợp. Trung Quốc luôn là thị trường đông nhất nhưng chưa bao giờ là thị phần ổn định, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác”.
Việt Nam vẫn mong sớm đón khách Trung Quốc nhộn nhịp trở lại nhưng không vì thế mà thụ động, bi quan. Vì vậy, Việt Nam phải chủ động, cơ cấu thị phần phù hợp; ưu tiên các thị phần ổn định, chi tiêu cao; không nên tập trung vào vài thị phần nhất định. “Đồng thời, chúng ta nên khẩn trương nâng cấp cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, cải tiến thủ tục, đơn giản thủ tục visa; mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian thị thực...” - ông Mỹ nói.
Thực trạng này đã đặt ra bài toán giảm sự phụ thuộc du lịch vào thị trường trọng điểm, tránh cú sốc do những diễn biến thiếu tích cực từ những “con át chủ bài”.
>>Hiện thực hoá mục tiêu 8 triệu khách quốc tế
Giám đốc Tiếp thị Hội đồng Du lịch Nam Úc Brent Hill cho rằng, rất nhiều địa điểm hiện nay cũng gặp phải vấn đề phụ thuộc tương tự. Ngày càng nhiều du khách Úc yêu thích Việt Nam bởi không ít người đã tới Thái Lan, tới Bali và dần tìm kiếm địa điểm mới. Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với Phillippines và nhiều quốc gia khác để trở thành một địa điểm mới cho châu Á và tôi nghĩ rằng Việt Nam đang làm rất tốt. Việc tập trung hơn vào các thị trường như châu Âu, Mỹ hay Úc rất quan trọng.
Khi chúng ta định hướng lại thị phần khách du lịch một cách hiệu quả, việc tiếp theo cần được giải quyết chính là tháo gỡ điểm nghẽn về thủ tục visa. Nhiều chuyên gia du lịch cũng như rất nhiều khách du lịch khác có ấn tượng và trải nghiệm không mấy thoải mái tại Việt Nam. Bởi nhiều lý do, trong đó là thủ tục xuất nhập cảnh lâu vì phải chờ và nộp tiền trực tiếp thay vì trực tuyến.
Ông Brent Hill cho biết, người Úc có thể đi vòng quanh thế giới rất dễ dàng. Nhiều khách khác từng chia sẻ rằng họ mong muốn được ở Việt Nam khoảng 5 – 6 ngày nhưng do thị thực của Việt Nam chỉ cho 30 ngày nên thời gian còn lại họ buộc phải chuyển sang các nước xung quanh như Lào, Campuchia hay Thái Lan.
Chính sách và thủ tục thị thực là một điểm nghẽn khiến khách Âu, Mỹ đến Việt Nam không nhiều bởi sự chặt chẽ hơn, xin lần đầu khó và không thông thoáng so với khách Trung và Hàn. Họ đến Việt Nam nhiều do sự thuận tiện về chuyến bay và chính sách visa thông thoáng hơn.
Bớt "rối" trong quảng bá điểm đến
Không chỉ cần thay đổi khách hàng mục tiêu và nới lỏng hơn các hành lang pháp lý cho visa du lịch thì việc quan trọng không kém chính là cần sử dụng quảng bá cũng như chiến dịch tiếp thị rõ ràng về những gì Việt Nam sở hữu sẽ giúp du khách bớt “rối” thông qua đại sứ quán.
Việt Nam sở hữu rất nhiều điểm ấn tượng nhưng chưa có trụ cột nào thật sự rõ ràng và được đầu tư lớn. Thái Lan rõ ràng đã dành rất nhiều tiền cho một số khu vực trọng điểm. Do đó Úc, Mỹ và châu Âu hiểu được Thái Lan là gì.
Chuyên gia của Hội đồng Du lịch Nam Australia cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần tập trung vào việc khẳng định hình ảnh của mình trên toàn cầu, xác định đâu là sản phẩm đặc thù muốn truyền tải, từ đó nâng cao sự hiện diện hữu hình với thế giới.
Chia sẻ cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng nhận định: “Ở Việt Nam mọi thứ na ná nhau, ví dụ như Đà Nẵng thì cũng giống giống Nha Trang, Phú Quốc và không có điểm gì độc đáo hẳn. Du lịch Việt Nam hầu như tự phát, không có định hướng rõ ràng, do đó cần có quy hoạch cụ thể hơn về dịch vụ nào, giải trí nào hay khu nào làm cái gì”. Bên cạnh đó, việc chi thêm tiền cho quảng cáo từ bài học của Thái Lan cũng là một giải pháp giúp du lịch Việt “cất cánh” hơn nữa.
Theo ông Quỳnh, không ít người vẫn nghĩ Việt Nam là một đất nước chưa phát triển và do đó, việc quảng cáo nhiều hơn sẽ giúp định hình cái nhìn tốt hơn. Thái Lan có sự đa dạng và họ chi trả cho quảng bá du lịch rất lớn. Trong khi Việt Nam chỉ chi khoảng 2 triệu USD thì con số này của Thái Lan lên tới 80 triệu USD. Đất nước này có dịch vụ đa dạng, ẩm thực tốt, chương trình biểu diễn hoành tráng và mỗi thành phố lại phát triển những đặc trưng khác nhau.
Cách đây hơn một thập kỷ, hầu như không ai nghĩ đến việc tới Việt Nam du lịch. So sánh với Thái Lan sẽ là điều rất khó cho Việt Nam khi đầu tư của Việt Nam mới dừng lại ở mức 2 triệu USD. Thế nhưng điều này không có nghĩa là không thể và Việt Nam sẽ cần nỗ lực hơn nữa. Khi mọi người đều muốn làm du lịch, nói về du lịch, sự khác biệt sẽ tạo ra thành công. Điểm mấu chốt là chiến lược, đầu tư.
Có thể bạn quan tâm