Quản trị điểm đến bền vững
Nằm trong mối quan hệ phát triển bền vững toàn cầu, du lịch Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu ứng dụng quản trị điểm đến bền vững hiệu quả.
>>Chiến lược “đại dương xanh” trong phát triển du lịch
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc phát triển kinh tế địa phương cần đáp ứng các quy chuẩn và thông lệ quốc tế. Trong đó, du lịch tăng trưởng nhanh và mang lại giá trị kinh tế cao theo nhu cầu phát triển của con người.
Việt Nam trong mối quan hệ bền vững toàn cầu
Nhiều quốc gia trên thế giới đang coi du lịch là một trong những cách thức nhằm thực hiện hóa 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong Chương trình nghị sự 2030 và Chiến dịch hành động vì các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Chương trình.
Xu hướng đi du lịch tại các nơi có môi trường tự nhiên càng trong lành và bảo đảm an toàn ngày càng nhiều hơn. Thậm chí du khách sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm du lịch đó. Mặc dù nhiều nước đang trong hoàn cảnh khó khăn vì đại dịch Covid-19, nhưng phát triển du lịch bền vững sẽ vẫn là hướng chủ đạo mà các quốc gia đang hướng đến trong đó du lịch nội địa được xem là trụ cột cho tăng trưởng của các quốc gia.
Việc phát triển mối quan hệ bền vững toàn cầu là mục tiêu bao quát để mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và Chính phủ Việt Nam cùng thực hiện để hướng về một xã hội toàn cầu bền vững mà trong đó du lịch là động lực thúc đẩy các mối tương quan này. Để thực hiện các cam kết của 17 mục tiêu phát triển bền vững cùng với tham vọng đạt được các chỉ tiêu này đến năm 2030 – “Không một ai bị bỏ lại phía sau”, chính sách phát triển của du lịch Việt Nam cũng được dựa trên nền tảng chung về phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.
Các mục tiêu SDG toàn cầu đã được chuyển thành 115 mục tiêu SDG của Việt Nam (VSDG) trong “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” của Việt Nam, dựa trên bối cảnh và ưu tiên phát triển. Lộ trình đạt được các mục tiêu cụ thể của các mục tiêu VSDG đã được phê duyệt trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030, Quyết định 681/QĐ-TTg (ngày 4 tháng 6 năm 2019).
Ông Katsuhisa Ishizaki - Phó Giám đốc Bộ phận Quốc tế UNWTO RSOAP cho rằng, “du lịch bền vững” là cụm từ thông dụng và trở thành một chủ đề thịnh hành. Nhưng theo ông Katsuhisa Ishizaki, không phải tất cả các bên liên quan trong ngành du lịch đều thực hiện đúng cách tiếp cận cần thiết và đi theo con đường đúng đắn để đạt được “du lịch bền vững”. Thay vào đó, nhiều điểm đến dường như gặp khó khăn trong việc quản lý và phát triển du lịch.
>>Cơ hội nào cho phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam?
Theo ông, để tìm sự cân bằng giữa kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương và môi trường, UNWTO RSOAP đã phát triển Sổ tay “Hướng dẫn thực hành về quản lý bền vững thông qua phát triển du lịch” vào năm 2022 với Viện Nghiên cứu Du lịch và Giao thông Nhật Bản và bắt đầu áp dụng các phương pháp trong sổ tay cho một số địa phương, các thành phố ở Nhật Bản. Dự kiến trong năm nay, UNWTO RSOAP sẽ tiếp tục xây dựng và chỉnh sửa Sổ tay để phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.
Ứng dụng quản trị điểm đến bền vững
Quản lý điểm đến nên được tiến hành như mô hình một hình tam giác bền vững, hài hòa giữa 3 yếu tố: môi trường sinh thái, kinh tế và các chỉ tiêu xã hội. Cần được thực hiện ở các cấp độ phân cấp khác nhau: Từ cấp độ địa phương/cộng đồng trực tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ đến cấp độ vùng/tỉnh hoặc cấp độ quốc gia.
Tại Việt Nam, một số địa phương tiêu biểu đã và đang ứng dụng chiến lược “Đại Dương xanh” trong du lịch hướng đến phát triển vững hiệu quả điểm đến như: Phát triển du lịch cộng đồng tại Sin Suối Hồ (Lai Châu); quản lý du lịch di sản bền vững tại Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình); khai thác du lịch sinh thái bền vững tại Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình)…
Quản lý khu vực bền vững thông qua phát triển du lịch có những lợi ích kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường, cũng như những lợi ích trong việc gắn kết và quản trị của một khu vực.
Xét về tính ứng dụng thực tế của Sổ tay “Hướng dẫn thực hành về quản lý bền vững thông qua phát triển du lịch” do UNWTO RSOAP phát triển mà ông Katsuhisa Ishizaki đưa ra, Sổ tay đã chỉ ra các bước cần thiết để hiện thực hóa quản lý khu vực bền vững, kèm theo những câu chuyện của các trường hợp điển hình tiên phong; đồng thời giới thiệu một phương thức tiếp cận thực tế đển quản lý khu vực bền vững tận dụng tiềm năng du lịch dựa trên các điều kiện thực tế và khách quan, hướng tới duy trì và thúc đẩy chất lượng cuộc sống của người dân.
Sổ tay này được thiết kế cho các điểm đến ở cấp tỉnh, quận/huyện và xã/phường có mong muốn thúc đẩy phương thức phát triển du lịch bền vững hơn thông qua sự tham gia của các bên liên quan tại địa phương với các đối tượng sử dụng: chính quyền địa phương, dân cư địa phương, hiệp hội du lịch và các đơn vị tư nhân.
Năm 2023, Bình Thuận được vinh dự đăng cai tổ chức năm Du lịch quốc gia chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” với trên 200 hoạt động, sự kiện quy mô quốc gia và quốc tế. Đây là điều kiện thuận lợi để Bình Thuận phát triển đa dạng các loại hình du lịch nhất là du lịch sinh thái biển.
Nằm trong chuỗi hoạt động của Đề án tổ chức Năm Du lịch quốc gia, ngày 23/2/2023, Hội thảo Quản trị điểm đến bền vững tại Bình Thuận được tổ chức gắn với đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cũng như chương trình quản lý điểm đến bền vững phục vụ phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, ông Katsuhisa Ishizaki hy vọng thông qua các nội dung của thực hành và quản trị điểm đến sẽ mang đến những kiến thức về quản lý hiệu quả và sử dụng phương pháp này để phát triển Mũi Né như một điểm đến du lịch bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh: Bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững
03:00, 18/01/2023
Cơ hội nào cho phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam?
03:40, 14/01/2023
Phát triển du lịch bền vững: Việt Nam đã sẵn sàng trở lại đường đua?
00:00, 17/11/2022
Phát triển du lịch bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long
05:00, 04/10/2022
Lâm Đồng phát triển du lịch bền vững
16:23, 09/09/2022