Tàu du lịch khó khăn vì vắng khách quốc tế
Tàu tham quan vịnh Hạ Long đối mặt với nhiều khó khăn khi vắng khách quốc tế, đặc biệt là từ thị trường lớn nhất - Trung Quốc.
>>Giải pháp thay thế khách du lịch Trung Quốc
Trước đại dịch, khách Trung Quốc đến Quảng Ninh luôn chiếm phần lớn vào dịp trong và sau tết Nguyên đán, nhưng năm nay, mặc dù du lịch đã mở của hơn 1 năm, khách Trung Quốc vẫn vắng vẻ.
Doanh nghiệp lo phá sản
Chi hội Tàu du lịch Hạ Long cho biết hơn 357 tàu theo tiếng đăng ký hoạt động dịp Tết, nhưng chỉ có khoảng hơn 10% tàu đón khách. Ngày thường chạy ngày 2-3 chuyến, dịp Tết chỉ đón 1 chuyến hoặc tàudừng hoạt động. Nhìn chung trong tháng 1, khách tham quan vịnh Hạ Long trên các tàu theo tiếng chỉ ở mức 20 – 30% công suất.
Ông Đoàn Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty du thuyền Đông Dương cho biết, lượng khách đặt quá ít nên chúng tôi tạm dừng hoạt động dịp Tết đến nay.
"Vắng khách Trung Quốc, chúng tôi mất tới 60-70% nguồn thu, lo rằng không thể cầm cự được thêm", ông Ngô Vân Nam, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Quảng Nam chia sẻ.
Ông Nam cho biết trước COVID-19, khách Trung Quốc chiếm 60% lượng người đi tàu. Đặc biệt họ luôn lấp đầy tàu vào thời gian từ tháng 8 đến tháng 4 khi khách nội địa ít đến Hạ Long. Một ngày hơn chục đoàn giờ chỉ còn là ký ức của ông Nam. Đối mặt với thực tại, mỗi tháng ông chi trả hơn 70 triệu đồng cho một con tàu để duy tu, bảo dưỡng, trả lương nhân viên, bến bãi, lãi ngân hàng... Trong khi khách nội địa chỉ đến vào những dịp nghỉ lễ, hoặc lượng nhỏ vào thứ 7, chủ nhật nên chưa biết khi nào đủ lấp đầy những con tàu 72-99 chỗ.
Một chủ tàu ở Hạ Long chia sẻ: “Khách Trung Quốc chiếm tới 80-90% tổng số khách đi tàu của ông. Trước đây mỗi chiếc tàu phục vụ hai đoàn mỗi ngày, công suất đạt tới 200%, đông đúc nhất là vào dịp Quốc khánh Trung Quốc 1/10 và nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng hiện nay gần như không đón, các khoản thu để chi trả cho duy tuy, bảo dưỡng, lương nhân viên… rất khó khăn. “Không phải không có, nhưng nguồn thu từ khác nội địa ít hơn nhiều so với khách quốc tế nói chung và Trung Quốc nói riêng”, vị này cho biết thêm.
Ông Đinh Trung Vũ, Giám đốc Maketing, Công ty Du thuyền Hải Đăng chia sẻ: “Ngoài những dịch vụ lưu trú, chi trả cao thì người Trung Quốc có đặc điểm là đoàn đông, giải quyết tốt cả việc lấp phòng ở khách sạn 2-3 sao và sử dụng dịch vụ tầm trung. Vì vậy nếu năm nay khi họ chưa thể trở lại như trước, doanh nghiệp tàu du lịch, nhà hàng, khách sạn ở phân khúc tầm trung này sẽ có những ảnh hưởng lớn”.
Đánh giá về nguyên nhân vắng khách, ông Đinh Vũ cho rằng,: “Ngoài ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài hơn 2 năm, áp lực của lạm phát đè nặng lên nền kinh tế thế giới; ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine; chính sách chống dịch bệnh “Không COVID” của Trung Quốc… Thì các sản phẩm du lịch của Quảng Ninh vẫn còn khá nghèo nàn, thiếu hấp dẫn”.
“Nếu lượng khách thấp thực sự hoặc khách đông mà chất thấp, tức là không chi tiêu, thì các doanh nghiệp lấy gì mà thu mà nuôi cả bộ máy hoạt động? Cần một sự đánh giá thực chất để cùng nhau cố gắng và tìm ra hướng giải quyết, nếu chúng ta chỉ nhìn vào những con số thống kê đẹp đẽ từ khách nội địa thì những doanh nghiệp du lịch nói chung và tàu du lịch nói riêng sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản”, ông Vũ nhấn mạnh.
Giải pháp của Quảng Ninh
Được biết, đầu tháng 2 này, Quảng Ninh đã đón đoàn khách Trung Quốc đầu tiên trở lại sau đại dịch. Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, cho biết: “Đoàn khách nói trên gồm 19 người là những doanh nhân đi tìm hiểu, kết nối thị trường và kết hợp tham quan du lịch các địa danh tại Việt Nam. Để chào đón những du khách Trung Quốc trở lại sau đại dịch Sở Du lịch Quảng Ninh đã giao Ban quản lý Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long tổ chức đón tiếp.
Nói về giải pháp thu hút lại khách quốc tế đặc biệt là thị trường khổng lồ Trung Quốc, ông Thủy cho biết: “Thời gian tới, sẽ xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu và tính chất đặc thù riêng của du khách Trung Quốc; đầu tư chỉnh trang, hoàn thiện và nâng cấp cơ sở vật chất như cầu cảng, cửa khẩu, sân bay, khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan du lịch...”.
“Đặc biệt, vấn đề phòng chống dịch. Phía Trung Quốc rất khắt khe trong việc này, đây là nguyên nhân mà Trung Quốc kéo dài chính sách “ZERO COVID”. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho cả khách du lịch và người dân, doanh nghiệp trong tỉnh, Quảng Ninh sẽ xây dựng các phương án, điều kiện vật chất, đảm bảo an toàn, chất lượng cao nhất”.
“Theo đó, các địa phương đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19, không chủ quan, lơ là, xây dựng các phương án đón khách phù hợp. Các đơn vị cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn; thông báo đến du khách nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở cần thông báo ngay cho doanh nghiệp và các đơn vị y tế để có phương án kiểm tra, xử lý kịp thời”, ông Thủy cho biết.
Có thể bạn quan tâm