Đắk Lắk khai mạc lễ hội cà phê lần thứ 8
Tối ngày 10/3, Lễ hội cà phê lần thứ 8 chính thức được khai mạc với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới”.
>>Các doanh nghiệp EU và Hoa Kỳ chờ đợi đầu tư vào Việt Nam
Với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới”, Đắk Lắk tổ chức hàng loạt sự kiện nhỏ như các hoạt động quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm cà phê. Ngoài ra cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, đặc sắc của dân tộc vùng Tây Nguyên...
Đặc biệt là sự tiếp nối thành công, chú trọng phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản Việt Nam, với quyết tâm đưa Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk trở thành “điểm đến của cà phê thế giới”.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban tổ chức lễ hội lần thứ 8, ông Phạm Ngọc Nghị cho hay với diện tích hơn 200.000 ha, sản lượng trên 500.000 tấn/năm, Đắk Lắk được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột là ngày hội vinh danh ngành cà phê Việt Nam, là nơi để hội tụ và tôn vinh những người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 đem tới nhiều kỳ vọng mới, là niềm tin, cũng là khát vọng và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, để xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Tạo động lực phát triển vùng Tây Nguyên theo tinh thần Kết luận số 67-KL/TW ngày 16-12-2019 và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị.
Tham dự lễ khai mạc, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang biểu dương những thành tích đã đạt được của tỉnh Đắk Lắk về phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua. Đồng thời, ghi nhận những nỗ lực của tỉnh và các bộ, ban, ngành Trung ương trong công tác phối hợp tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột tạo nên một diện mạo mới cho ngành cà phê Việt Nam.
Để cây cà phê tiếp tục phát huy sức mạnh của mình và đóng góp cho nền kinh tế nước nhà, Phó Thủ tướng cũng đề nghị thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp và ngành cà phê. Thực hiện tái canh cây cà phê, hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại gắn với bảo quản, chế biến sâu và thị trường tiêu thụ.
Cùng với đó là làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng vùng trồng, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất cà phê bền vững, gắn với phát triển văn hóa, du lịch, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Chỉ dẫn cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng đã có mặt ở 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc này góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước với giá trị hơn 1,9 tỷ USD.
Cà phê là một trong 6 mặt hàng xuất khẩu, đạt trên 4 tỷ USD/năm. Các thị trường xuất khẩu cà phê chính của Việt Nam bao gồm: châu Âu, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh. Tại thị trường châu Âu, Việt Nam là nhà cung ứng cà phê lớn thứ hai sau Brazil (22,2%), chiếm 16,1% thị phần về lượng.
Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu cà phê nào nằm trong Top 10 cà phê đắt nhất thế giới. Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác xây dựng thương hiệu phải được chú trọng và quan tâm hơn nữa. Phải xây dựng kế hoạch quảng bá chiến lược, chú trọng xúc tiến, hình thành mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng cà phê.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, sát cánh, đồng hành hỗ trợ, định hướng giúp các địa phương trong phát triển ngành nông nghiệp nói chung và ngành hàng cà phê nói riêng. Tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương để nâng tầm giá trị và đặc trưng của nông sản Việt Nam.
Lễ hội cà phê lần thứ 8, dự kiến có 18 hoạt động chính thức với hơn 150 doanh nghiệp tham gia, 14 đoàn khách Quốc tế và gần 50.000 du khách tham gia. Sự kiện diễn ra trong 4 ngày từ ngày 10/3 đến 14/3, cũng là hoạt động chính thức chào mừng 120 thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904-22/11/2024).
Có thể bạn quan tâm