Giải pháp thúc đẩy thị trường hàng không cạnh tranh lành mạnh
Theo VABA, thị trường hàng không Việt Nam đang trên đà phục hồi nhưng có sự không đồng đều giữa các phân khúc.
>>Nghịch cảnh "càng bay càng lỗ", hàng không kiến nghị giải pháp ra sao?
Bỏ giá trần hay nâng giá trần không những không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn giúp đa dạng chính sách giá, giúp các hãng hàng không có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ đến khách hàng.
Đây là chia sẻ của TS. Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) với DĐDN, về những kiến nghị của VABA nhằm thúc đẩy thị trường hàng không cạnh tranh lành mạnh.
- Việt Nam đã mở cửa du lịch quốc tế từ tháng 3/2022 nhưng các chỉ số phục hồi chưa như kỳ vọng, các hãng hàng không liên tục báo lỗ. Ông có ý kiến ra sao để cải thiện tình hình sức khỏe tài chính các hãng hàng không?
Theo VABA, thị trường hàng không Việt Nam đang trên đà phục hồi nhưng có sự không đồng đều giữa các phân khúc. Vận chuyển hàng hóa phục hồi nhanh và đã có sự tăng trưởng so với năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19, trong khi vận chuyển hành khách phục hồi chậm hơn. Bên cạnh đó, bay quốc tế dù chỉ chiếm 40% doanh thu nhưng lại đóng góp đến 60% lợi nhuận cho các hãng.
Đáng lưu ý, lượng khách Trung Quốc tới Việt Nam bằng đường hàng không thường chiếm tỷ lệ cao, khoảng 30% trong tổng số khách du lịch. Đường bay tới Trung quốc đã mở lại, song chưa được khai thác hiệu quả bởi còn hạn chế cho khách du lịch tới Việt Nam. Do vậy, thị trường du lịch hàng không quốc tế phục hồi chậm đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khỏe tài chính các hãng hàng không.
Cùng với đó, sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng nhất định, đặc biệt là ở thị trường trong nước nhưng doanh thu không tăng tương ứng, thậm chí còn giảm do giảm giá để kích cầu và giá nhiên liệu cùng một số chi phí đầu vào tăng. Do vậy, các hãng hàng không vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện.
Bên cạnh đó, do hậu quả của thời kỳ đại dịch kéo dài trong nhiều năm, những biến động về mặt tỷ giá, cũng như xung đột ở châu Âu khiến xăng dầu chi phí cao tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của các hãng.
>>Hàng không Việt "ráo riết" chuẩn bị đón khách Trung Quốc
Những bất lợi trên khiến cho ngành hàng không nội địa đang tồn tại một nghịch lý là mặc dù ngay trong mùa cao điểm với doanh thu tăng mạnh, nhiều hãng bay vẫn báo lợi nhuận âm.
- Theo ông, trong tình thế đó các doanh nghiệp trong nước cần được “trợ lực” ra sao để “cất cánh” trong giai đoạn sắp tới?
Trước hết, từ những khó khăn đã nêu ra, chúng tôi mong muốn Chính phủ sẽ tiếp tục áp dụng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như hai năm dịch bệnh để ngành hàng không Việt Nam có thể khôi phục lại như trước giai đoạn dịch Covid-19.
Thứ hai, cần hoàn thiện các thủ tục cấp, điều kiện và đối tượng miễn visa, các quy định về cư trú, kiểm soát dịch bệnh để thu hút khách du lịch quốc tế (đặc biệt là với những thị trường tiềm năng cho ngành du lịch Việt Nam) mạnh mẽ hơn, giúp các chuyến bay quốc tế của hàng không Việt Nam nhanh chóng phục hồi. Các cơ quan quản lý cần xúc tiến các vấn đề liên quan để Trung Quốc sớm cho khách du lịch theo đoàn sang Việt Nam. Thị trường này trước dịch quan trọng hàng đầu với các hãng khi chiếm 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Thứ ba, đại diện các hãng hàng không, chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý sớm xem xét điều chỉnh và tiến tới bỏ khung giá trần vé máy bay nội địa - cơ chế quản lý được đánh giá đã không còn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cuối cùng, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp ngành hàng không, du lịch và trực tiếp tổ chức các hoạt động quảng bá về Việt Nam để giúp các ngành này thu hút thêm khách quốc tế, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư quốc tế́ đầu tư phát triển kinh tế nói chung, phát triển ngành hàng không Việt Nam nói riêng.
- Từ các kiến nghị VABA, ông có thể nói rõ hơn việc đặt ra khung giá trần, giá sàn gây bất cập cho sự cạnh tranh của các hãng hàng không?
Như chúng ta đã biết, với 6 hãng hàng không trong nước, thị trường của chúng ta phủ sóng mỗi chặng ít nhất từ 2 hãng khai thác. Do đó, thị trường hàng không hiện nay có sức cạnh tranh khá cao, không còn độc quyền nữa.
Theo đánh giá của doanh nghiệp, trần giá vé vẫn đóng khung 8 năm là một sự bất hợp lý bởi mọi chi phí đầu vào hiện nay đã thay đổi, trong đó giá nhiên liệu bay, tỷ giá, lãi suất gần đây đều tăng mạnh.
Thị trường lành mạnh khi thị trường có sự cạnh tranh. Chính phủ nên sớm bỏ giá trần hoặc nâng giá trần để giúp các hãng hàng không có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và phục hồi.
- Ông có thể đưa ra một số dự báo về sự phục hồi của hàng không Việt Nam, thời gian tới?
Như Cục Hàng không đưa ra dự báo, chúng tôi cũng kỳ vọng thị trường hàng không Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2023. Với kịch bản lạc quan, thị trường hàng không được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và sự nỗ lực từ sức mạnh nội tại các doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể chinh phục mục tiêu tổng thị trường năm nay xấp xỉ chở 80 triệu khách, tương đương với kết quả năm 2019.
Chúng tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, thị trường hàng không Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phục hồi và tiếp tục giữ vai trò, đóng góp cho ngành du lịch cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm