Du lịch nông nghiệp, nông thôn Quảng Nam (Kỳ 2): Thiếu liên kết doanh nghiệp – địa phương
Công động doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam vẫn đang nỗ lực tìm cách đưa khách du lịch đến các vùng nông thôn.
>>Du lịch nông nghiệp, nông thôn Quảng Nam (Kỳ I): Nhiều điểm nghẽn
Tuy nhiên, điều này đang gặp khó khi mối quan hệ giữa địa phương và doanh nghiệp vẫn chưa được liên kết chặt chẽ.
Theo nhiều doanh nghiệp tại Quảng Nam, việc xây dựng các sản phẩm du lịch, nâng cao năng lực khai thác dịch vụ du lịch và hoạt động xúc tiến quảng bá, kết nối điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn với các thị trường gửi khách,... cần được chú trọng hơn.
Doanh nghiệp đang tự túc
Để thực hiện được các hoạt động nói trên, giữa doanh nghiệp – địa phương cần có thêm sự kết nối, phối hợp để cùng bán sản phẩm. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn còn khá đơn độc trong việc đưa khách đến với các vùng nông thôn; các hoạt động trải nghiệm, hướng dẫn, đón tiếp còn đang diễn ra theo hướng tự túc.
Ông Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH V.E.I Travel & Event, cho hay đơn vị đang khai thác nhiều làng tại Quảng Nam như Trà Quế (Hội An), Trà Nhiêu (Duy Xuyên), Gò Nổi (Điện Bàn),... Tuy nhiên, số lượng khách du lịch về các vùng nông thôn Quảng Nam hiện nay vẫn còn ít.
Theo ông Lê Thiên Tư, phần lớn các doanh nghiệp đang hoàn toàn tự túc, chưa có sự liên hệ đến chính quyền và địa phương. “Nếu muốn đưa khách du lịch về vùng nông thôn, chính quyền địa phương phải thực hiện quảng bá nhiều hơn nữa, từ đó các công ty du lịch mới kết nối, đưa khách đến nhiều. Nếu doanh nghiệp tự làm thì các đơn vị chỉ truyền thông đến đối tượng khách của doanh nghiệp, đối tác. Vì vậy, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các chính quyền địa phương và doanh nghiệp”, ông Tư nhấn mạnh.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Công ty Du lịch La Palanche Voyagas (Hà Nội), cũng đề xuất khi xây dựng sản phẩm du lịch mới thì phải tính chuyện ghép vào những điểm đến thế nào, kết nối vào tour du lịch sẵn có ra sao? Chẳng hạn như có thể gắn kết Lộc Yên với phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn...
“Vấn đề là phải làm sao để sản phẩm du lịch trở nên sinh động hơn ngoài những ý tưởng đang có như dạy nấu ăn, đạp xe dạo trong làng, trải nghiệm nghề truyền thống… Một khi người dân quý trọng hơn những tài nguyên bản địa mà họ đang sở hữu thì tự khắc sẽ có những ý tưởng sáng tạo cuốn hút du khách”, ông Hải chia sẻ.
Các doanh nghiệp cũng đề xuất chính quyền địa phương hỗ trợ đầu tư và xây dựng mô hình điểm về phát triển sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu tại một số địa phương, như du lịch cộng đồng gắn với khai thác giá trị văn hóa truyền thống. Cùng với đó, liên kết phát triển du lịch nông nghiệp chất lượng cao, du lịch làng nghề; xây dựng làng du lịch thông minh,...
Thiếu chiến lược phát triển
Lũy kế 02 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch tại Quảng Nam ước đạt 930.000 lượt khách. Có thể thấy, Quảng Nam đang có tốc độ phục hồi du lịch khá nhanh. Lượng khách quốc tế trở lại nhiều sẽ giúp thúc đẩy các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, nhìn nhận phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là định hướng chiến lược của cấp quốc gia, nhất là trong những năm gần đây Chính phủ mong muốn chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp tích hợp đa giá trị. Trong đó, du lịch sẽ nằm trong chuỗi giá trị phát triển giá trị tăng thêm của kinh tế nông nghiệp.
Du lịch là ngành kinh tế quan trọng của Quảng Nam, nhất là ở một số địa phương như Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình,… Bán kính từ vùng nông nghiệp và nông thôn đến các điểm du lịch nổi tiếng như phố cổ Hội An, Mỹ Sơn, biển không xa nên vùng nông nghiệp, nông thôn có quá nhiều lợi thế để phát triển thêm hoạt động du lịch.
Tuy nhiên theo ông Phan Xuân Thanh, khó khăn không phải là hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất, kinh phí mà khó khăn của Quảng Nam là thiếu một tầm nhìn chiến lược về phát triển du lịch nông nghiệp và nông thôn. Không có tầm nhìn thì không có ưu tiên chiến lược, không có chương trình hành động bao trùm hay chỉ tiêu đo lường cụ thể, như vậy sẽ rất khó để phân bổ kinh phí trong dài hạn để thúc đẩy phát triển du lịch. Đặc biệt, thiếu tầm nhìn thì rất khó tạo ra sự khác biệt cho du lịch nông nghiệp và nông thôn của Quảng Nam trong một đất nước xuất phát từ văn hóa nông nghiệp và diện tích đất nông nghiệp và nông thôn chiếm tỷ trọng cao.
Vì vậy, ông Thanh cho rằng Nhà nước cần đánh giá đúng giá trị của kinh tế du lịch nông nghiệp và nông thôn, từ đó kiến tạo chính sách và cơ chế phù hợp để thúc đẩy hoạt động này. “Để phát triển điểm đến bền vững, cần xây dựng một lượng khách theo đoàn ổn định, phù hợp với lực tải của điểm đến cũng như tạo ra giá trị thực tế cho các chủ thể tham gia làm du lịch”, ông Phan Xuân Thanh nói thêm.
Có thể bạn quan tâm