Định hình mới cho ngành công nghiệp không khói ở Tây Nguyên
Tây Nguyên đang dần trở lại mạnh mẽ với ngành công nghiệp không khói sau hơn ba năm bị tổn thương do Covid-19, mỗi địa phương trong khu vực tận dụng lợi thế để kéo khách đến trải nghiệm.
>>Kiến tạo giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Tu Mơ Rông là huyện điển hình của tỉnh Kon Tum khi khai thác cây dược liệu, thắng cảnh thác suối tự nhiên để đẩy mạnh du lịch. Trong phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 2 diễn ra đầu năm 2023, đã thu hút 7.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.
Tổng doanh thu từ bán sản phẩm, hàng hóa tại Phiên chợ đạt khoảng gần 14 tỷ đồng. Phiên chợ này cũng thu hút 50 gian hàng với 271 các sản phẩm khác. Lượng khách được huyện đánh giá tăng gấp 3 lần so với phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 1.
Trả lời về định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho hay :“Giữ rừng, phát triển cây dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng là định hướng phát triển của huyện.”
Một địa phương khác của tỉnh Kon Tum là huyện Sa Thầy lại phát triển du lịch gắn với các hoạt động thể thao dã ngoại về các di tích lịch sử. Ngoài 1000 vận động viên tham gia thì giải cũng thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan, cổ vũ giúp du lịch của huyện Sa Thầy cùng hoà với ngành du lịch ở Tây Nguyên.
Và quan trọng hơn nữa, lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 ở Đắk Lắk đã giúp định hình nên những tiêu chuẩn chung cho du lịch Tây Nguyên. Không chỉ khai thác văn hoá độc đáo của người dân bản địa buôn Akŏ Dhông, mà Ban Tổ chức lễ hội còn khai thác địa chỉ đỏ đồn điền CADA. Đồng thời 18 chương trình chính thức của Lễ hội đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với công chúng.
Với Chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến cà phê thế giới” lễ hội cà phê lần thứ 8 đã thu hút hơn 160 đơn vị doanh nghiệp tham gia với hơn 400 gian hàng, trong đó có 32 gian hàng của 6 doanh nghiệp nước ngoài.
Lễ hội là bước tiến thành công về du lịch và định hình lại du lịch Tây Nguyên khi thu hút với hơn 90.000 lượt khách tham quan.
Tại buổi bế mạc, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban tổ chức lễ hội đánh giá Lễ hội lần này thành công ngoài mong đợi, tiếp tục khẳng định và quảng bá mạnh mẽ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Qua đó, góp phần thúc đẩy du lịch của địa phương lên một tầm cao mới.
Mỗi địa phương đã không chỉ khai thác tối đa thế mạnh của mình trong phát triển du lịch mà còn tạo động lực cho nhiều ngành nghề khác phát triển.
Mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho hay vừa xây dựng dự thảo về Kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc tại Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng năm 2023. Dự kiến Tuần lễ vàng Du lịch sẽ diễn ra từ ngày 27/4 - 3/5, với chủ đề: “Lâm Đồng - Cao nguyên hùng vĩ”.
Địa điểm tổ chức diễn ra trong tất cả 12 huyện, thành phố của tỉnh. Các hoạt động điển hình được diễn ra như Liên hoan Cồng chiêng Tây Nguyên “Tiếng gọi Đại ngàn”, Giải đua ngựa không yên huyện Lạc Dương lần thứ 2 - năm 2023, Tái hiện “Lễ cưới của người Cơ Ho”, Tái hiện “Lễ hội mừng lúa chín”, Giải đua Xe đạp địa hình “Bảo Lộc Championship 2023”, Liên hoan Dân vũ các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng...
Như vậy, du khách đến Lâm Đồng vào dịp này có thể hoà mình với không khí của các lễ hội văn hoá, sự kiện thể thao. Đây cũng là điều kiện giúp du khách nhớ về nơi đây cho những lần du lịch tiếp theo.
Các địa phương ở Tây Nguyên đang trở mình tỉnh giấc du lịch sau giấc ngủ vùi. Tuy nhiên các địa phương rất cần có chiến lược dài hơi, phải tận dụng tốt mọi nỗ lực, khả năng của các thành phần đầu tư kinh tế. Càng có được những sự kiện, lễ hội tập trung, hiệu quả thì du lịch càng phát triển như mong đợi.
Có thể bạn quan tâm