Gia Lai: Du lịch xanh có lên ngôi?
Xu hướng du lịch xanh, thể thao và nghỉ dưỡng đã dần hình thành và đang trở thành một hướng du lịch phát triển nhanh và nóng, tỉnh Gia Lai đang vận động theo hướng đó.
>>Bắc Trung Bộ nỗ lực thu hút đầu tư
Chuyện về du lịch xanh đã được ông Nguyễn Tấn Thành - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai nhận định: “Đây là xu hướng du lịch xanh được hiểu là du lịch bền vững, có trách nhiệm với tự nhiên, bảo tồn môi trường sinh thái, gìn giữ văn hóa và cuộc sống của người dân bản địa. Đồng thời, cung cấp những trải nghiệm tích cực cho du khách. Xét dưới góc độ này, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai đang xây dựng mình là một thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” điều này, cho phép Pleiku hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển theo hướng du lịch xanh.”
Thành phố Pleiku của tỉnh Gia Lai đang sở hữu những con suối chảy qua lòng thành phố. Một trong số đó là suối Hội Phú đã được quy hoạch xây dựng thành một điểm nhấn của thành phố. Tại đây, tỉnh Gia Lai cũng quyết định cho lập chợ đêm để phục vụ nhu cầu cảu xã hội và du lịch. Ngoài các địa điểm lịch sử, bảo tàng, di tích lịch sử, chùa chiền thì thành phố Pleiku cũng đang tích cực xây dựng các làng du lịch cộng đồng.
Mới đây, ông Nguyễn Xuân Hà – Trường phòng Văn Hoá, Thông tin thành phố Pleiku cũng cho hay: “Địa phương đã trình dự thảo xây dựng làng Ớp phường Hoa Lư và làng Ia Nueng xã Biển Hồ thành hai địa điểm du lịch cộng đồng. Tại đây cũng thành lập tổ quản lý du lịch cộng đồng là người am hiểu về văn hoá của người địa phương qua đó giúp khai thác tốt văn hoá của người bản địa.”
Trong ba năm qua, thành phố Pleiku đã có những đối thay rõ rệt về hạ tầng du lịch, nhất là các farmstay và homestay được người dân đầu tư bài bản. Những mô hình đã hình thành và phát triển, kích thích du lịch nội tại khi thu hút sự quan tâm của người dân. Bên cạnh đó, phong trào du lịch thể thao, nghĩ dưỡng và sức khoẻ cũng đã bắt đầu hình thành.
Ngày 31 tháng 1, UBND tỉnh Gia Lai cũng ban hành kế hoạch số 211/KH-UBND về phát triển du lịch trong năm 2023 với mục tiêu đạt 1.100.000 lượt khách, tăng 16% so với năm 2022. Trong đó, thu hút khách quốc tế khoảng 4.000 lượt, còn lại là khách nội địa l 1.096.000 lượt. Phấn đấu đến hết năm doanh thu du lịch dự kiến đạt 700 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2022.
Để làm được điều này, Gia Lai đã lên quyết tâm hoàn thiện hệ thống sản phẩm du lịch có chất lượng, giá trị trải nghiệm cao. Tiếp tục xây dựng, hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, phù hợp với nhu cầu thị trường và khả năng cạnh tranh du lịch của tỉnh. Xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng. Khai thác tiềm năng lợi thế về văn hoá bản địa, ngành nghề thủ công truyền thống kết hợp các chương trình về sản xuất rau, hoa và cây ăn quả, chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.
Cùng với đó, duy trì nâng cấp quy mô các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao thường xuyên nhằm thu hút khách đến tham quan. Đăng cai các sự kiện, hội nghị do bộ, ngành trung ương, cấp khu vực tổ chức, các giải thể thao có quy mô lớn tại tỉnh để thu hút, quảng bá tỉnh.
Theo ông Phạm Hoàng Trực - Giám đốc Công ty TNHH du lịch Quốc tế Gotour thì Gia Lai phải gắn liền với Kon Tum chứ không thể tách rời bởi hai địa phương phân bổ các điểm du lịch tham quan. Ông Trực cho rằng nếu không liên kết thì chuỗi sản phẩm du lịch sẽ không đáp ứng cho hành trình kéo dài từ 3 đến 4 ngày.
“Tuy nhiên Gia Lai lại đang sở hữu tự nhiên đẹp, hoang sơ, không có sự can thiệp của con người. Các cấu thành chi phí giá rẻ và phải chăng. Ngoài ra Gia Lai cũng sở hữu giờ bay đẹp, nên chắc chắn sẽ thu hút khách nội địa lớn. Du lịch của Gia Lai đang hướng đến những giá trị bền vững và phát triển xanh.” - ông Trực nói.
Có thể bạn quan tâm