Cơ hội vàng hấp dẫn khách du lịch Châu Âu

ĐÀO VŨ 30/03/2023 03:45

Nắm bắt được xu hướng thay đổi trong du lịch của du khách Châu Âu và có một chiến lược quốc gia về quảng bá điểm đến sẽ là cơ hội vàng để thu hút nguồn khách có khả năng chi trả cao này.

>>Đẩy mạnh xúc tiến du lịch giữa Việt Nam và Malaysia

Thay đổi chính sách thị thực

Thời hạn miễn thị thực với khách quốc tế đến Việt Nam là 15 ngày, hơi ngắn so với các nước trong khu vực và chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách quốc tế, nhất là các thị trường xa như châu Âu, thường đi 3 - 4 tuần. Các nước khác trong ASEAN thường là 30 ngày trở lên thậm chí lên tới 90 ngày để tạo cơ hội thuận lợi thu hút du khách quốc tế.

Du khách

Du khách Châu Âu có nhu cầu du lịch dài ngày hơn trong 3-4 tuần

Sách trắng 2022 – 2023 của Hội đồng Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nêu rõ: “Chính sách thị thực nhập cảnh là một trong những đòn bẩy có tác động lớn nhất đến dòng khách du lịch quốc tế. Sau đại dịch, nhiều quốc gia đang nghiên cứu phương án mở rộng phạm vi miễn thị thực. Điều này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư trực tiếp và gia tăng dòng khách du lịch quốc tế, từ đó tăng thu ngoại tệ và tạo thêm nhiều việc làm”.

Mới đây, Chính phủ đã nhất trí đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 90 ngày (3 tháng), có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đồng thời, nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.

Nếu đề xuất của Chính phủ được Quốc hội phê chuẩn sẽ giống như tạo luồng gió mới cho du lịch, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thu hút khách quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, sẽ giúp du lịch phục hồi và phát triển nhanh nhất.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Văn Thủy cho rằng: Đề xuất nới rộng các nước cấp thị thực điện tử; tăng thời gian lưu trú dài hơn hẳn so với quy định hiện hành là một đột phá, bước tiến mới để chúng ta theo kịp với khu vực và quốc tế, tạo điều kiện cho du khách đến Việt Nam đông đảo hơn.

>>Du lịch Hà Nội: Kết nối những giá trị đặc sắc gắn với di sản

Theo ông Phạm Văn Thủy: “Vấn đề visa là nhu cầu cần, điều kiện đủ cho doanh nghiệp du lịch thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến, xây dựng sản phẩm chào bán, thu hút khách từ sớm. Đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt cho ngành Du lịch, nhất là các doanh nghiệp phát triển bền vững về sau. Thay đổi chính sách thị thực theo hướng thuận lợi hơn cho du khách đó là mong muốn chung của các doanh nghiệp cũng như toàn ngành Du lịch. Đặc biệt, đề xuất nâng thời gian lưu trú, tăng số lượng các nước, vùng lãnh thổ được cấp visa điện tử là cơ hội để du lịch Việt Nam cạnh tranh lành mạnh với các nước trong khu vực.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho rằng, đây sẽ là “cơ hội vàng” cho du lịch Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

Cần chiến lược quốc gia về truyền thông

Thực tế có những thay đổi lớn trong xu hướng du lịch, đặc biệt là khách châu Âu và Mỹ trong những năm gần đây lại chuộng mô hình xê dịch tự do, không qua công ty du lịch, mà họ tự đặt vé máy bay, tự lên chương trình tour rồi đặt các dịch vụ liên quan. Những lịch trình thường trải dài qua nhiều quốc gia, điểm đến gần nhau.

Nắm bắt được xu hướng du lịch của khách Châu Âu để trong thời gian sớm nhất có thể khơi thông dòng chảy thu hút du khách quốc tế này, Việt Nam cần sớm có kế hoạch quảng bá cụ thể hàng năm cho riêng từng thị trường, với thông tin tập trung về một điểm đến Việt Nam an toàn, hấp dẫn và khác biệt.

Việt Nam cần sớm có kế hoạch truyền thông quốc gia về điểm đến

Việt Nam cần sớm có kế hoạch truyền thông quốc gia về điểm đến

Muốn thu hút lượng khách này chủ động chuyển hướng đến Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần một chiến lược marketing rõ ràng, bài bản và hấp dẫn. Tạo ra cái độc đáo riêng có để hấp dẫn thị trường khách du lịch Châu Âu.

Phó Tổng Giám đốc Saigontourist, ông Võ Anh Tài cho rằng cần sớm có kế hoạch quảng bá cụ thể hàng năm cho riêng từng thị trường, với thông tin tập trung về một điểm đến Việt Nam an toàn, hấp dẫn và khác biệt. Trong tháng 3/2023, Saigontourist đón 8 chuyến tàu biển du lịch quốc tế cao cấp với 19 lượt tàu cập cảng tại Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa - VũngTàu, Thành phố Hồ Chí Minh và đón trên 23.000 lượt khách quốc tế.

Điều đó cho thấy, du lịch Việt cần chú trọng tăng cường khai thác khách du lịch cao cấp quốc tế, du khách đến Việt Nam thông qua các sự kiện ngoại giao, thương mại, kinh tế đầu tư, hội chợ, hội nghị, các sự kiện thể thao và văn hóa quốc tế.

Đặc biệt, cần tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài trong công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu quốc gia qua công tác xúc tiến thương mại, đầu tư. Bởi du lịch quốc tế được coi là một ngành kinh tế đối ngoại, xuất khẩu tại chỗ quan trọng mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn và việc làm cho hàng triệu lao động.

Có thể bạn quan tâm

  • Mở rộng dư địa du lịch nông nghiệp - Bài 2: “Tăng trưởng xanh” cho nông nghiệp, nông thôn

    Mở rộng dư địa du lịch nông nghiệp - Bài 2: “Tăng trưởng xanh” cho nông nghiệp, nông thôn

    19:32, 29/03/2023

  • Tăng sức cạnh tranh cho hàng không và du lịch

    Tăng sức cạnh tranh cho hàng không và du lịch

    02:30, 29/03/2023

  • Xây dựng vòng du lịch vàng giữa Trung Quốc và Việt Nam

    Xây dựng vòng du lịch vàng giữa Trung Quốc và Việt Nam

    03:00, 29/03/2023

  • “Mở lối” cho du lịch dược liệu Quảng Nam

    “Mở lối” cho du lịch dược liệu Quảng Nam

    15:50, 28/03/2023

  • Liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao du lịch

    Liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao du lịch

    22:42, 28/03/2023

ĐÀO VŨ