Đắk Lắk phát triển sản phẩm du lịch sinh thái
Du lịch sinh thái được nhiều du khách lựa chọn khi đến Đắk Lắk trong kỳ nghĩ lễ dài vừa qua, đây là một tín hiệu phát triển tích cực cho địa phương.
>>Tín hiệu mừng của du lịch quốc tế
Đắk Lắk là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch gắn với nông nghiệp. Với lợi thế sẵn có, nhiều địa điểm vui chơi, khu du lịch đã tận dụng không gian xanh, thoáng đãng, mát mẻ để xây dựng sản phẩm phù hợp nhu cầu, được người dân ưu tiên lựa chọn.
Ghi nhận thực tế, phần lớn khách du lịch khi đến với địa phương đều có xu hướng tìm về những điểm du lịch sinh thái, tự nhiên, gắn với cây xanh, sông suối. Điều này vừa giúp người dân có thể vừa vui chơi, vừa tránh nóng.
Đến từ Nam Định, du khách Nguyễn Văn Dũng cho hay khí hậu và thiên nhiên của Đắk Lắk có nhiều thiều thú vị thu hút du khách. Ông Dũng cho hay, nhiều điểm đến đã tận dụng tốt ưu thế của mình tạo nên sản phẩm hấp dẫn khiến khách du lịch muốn ở lại lâu hơn.
"Đắk Lắk có nhiều điểm đến xanh, phù hợp cho nhu cầu du lịch gia đình và trải nghiệm, nghỉ dưỡng. Vì vậy, cần có thêm nhiều sản phẩm mang dấu ấn đặc trưng của vùng hơn nữa, gia tăng sự kết nối của du khách đối với cộng đồng địa phương hơn", ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.
Trong dịp nghỉ lễ vừa qua, các điểm du lịch sinh thái cộng đồng khác như Khu du lịch sinh thái Bản Đôn, Khu Du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng KoTam, buôn bích họa Tơng Jú cũng ghi nhận lượng khách nhất định, đông hơn năm 2022 tới 30%. Ngoài ra, để níu chân du khách Khu du lịch sinh thái văn hoá cộng đồng KoTam năm nay xây dựng thêm công trình kiến trúc nhà dài, hồ sen, bảo tàng và dịch vụ giải trí trên sông.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Cộng đồng Kotam cũng thông tin năm nay đơn vị đã xác định lượng khách du lịch sẽ gia tăng, chủ yếu muốn về với thiên nhiên. Do đó, bà Anh cho biết doanh nghiệp đã đầu tư thêm một số hạng mục mới phù hợp nhu cầu của du khách.
"Ngoài ra còn có các hoạt động trải nghiệm văn hoá người dân tộc thiểu số cũng được đưa vào phục vụ du khách như tạc tượng, biểu diễn cồng chiêng, ẩm thực…. Chúng tôi đang giúp khu du lịch sinh thái văn hoá KoTam nâng cao hạ tầng dịch vụ và cạnh tranh sòng phẳng trong thị trường", bà Nguyễn Thị Ngọc Anh cho biết.
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa – Chủ đầu tư Green House Garden tại thành phố Buôn Ma Thuột cũng cho hay trong dịp nghỉ lễ này lượng khách đến với đơn vị tăng hơn 30% so với dịp Tết âm lịch. Theo anh Nghĩa, hiện tại nhu cầu của du khách thích được trải nghiệm các hoạt động gần gũi thiên nhiên như tắm suối, chèo thuyền,...
"Vé vào cổng, các dịch vụ, trò chơi với nước được miễn phí nên khách du lịch và người dân rất thích", anh Nghĩa nói.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu thông tin lượng du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, lưu trú trên địa bàn tỉnh trong kỳ nghỉ lễ trên địa bàn tỉnh tăng cao thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch. Điều này đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển sau đại dịch Covid-19.
Thống kê của ngành chức năng, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, ngành du lịch địa phương địa phương đón khoảng 115.300 lượt người. Trong đó, khách lưu trú du lịch ước đạt 51.885 lượt khách, tăng 271,94% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu ngành du lịch qua kỳ nghỉ lễ ước đạt 57,3 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm