Từ số lượng khách du lịch đến với địa phương trong dịp nghỉ lễ và thời gian qua, ngành du lịch Quảng Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực về sự phục hồi.
Thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Quảng Nam, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh từ ngày 29/4 đến ngày 01/5 đạt hơn 245.000 lượt, tăng 19 % so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 119.700 lượt, khách nội địa đạt 125.300 lượt.
Đối với số lượng khách tham quan đạt 175.000 lượt, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 85.000 lượt, khách nội địa đạt 90.000 lượt.
Ngoài ra, khách lưu trú đạt 70.000 lượt, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022 (khách quốc tế ước đạt 34.700 lượt, khách nội địa đạt 35.300 lượt). Công suất sử dụng phòng trên địa bàn toàn tỉnh đạt từ 85 – 95%, trong đó, nhóm khách sạn từ 3 – 5 sao đạt từ 95 – 100%. Riêng 03 ngày từ 30/4 đến ngày 02/5, công suất sử dụng phòng của nhóm khách sạn từ 3 – 5 gần đạt 100%.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Nam cho hay kỳ nghỉ lễ diễn ra trong bối cảnh thời tiết thuận lợi, nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ sôi nổi được tổ chức trên khắp địa bàn tỉnh. Đặc biệt tại thành phố Hội An đã diễn ra nhiều sự kiện đặc sắc, hấp dẫn như các hoạt động trình diễn nghệ thuật, Hát Bội, giao lưu âm nhạc, trải nghiệm không gian làng nghề, ẩm thực đường phố...
“Do đó, lượng khách tham quan và lưu trú du lịch đến Quảng Nam tăng cao so với cùng kỳ năm 2022, đặc biệt là thị trường khách quốc tế đã dần phục hồi so với thời điểm trước dịch. Một phần là do Chính phủ mở visa thông thoáng hơn cũng tạo điều kiện tốt cho khách quốc tế vào Việt Nam, Quảng Nam nhiều”, ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết.
Đối với ngành du lịch Quảng Nam, thời gian qua lượng khách du lịch đến địa phương tăng mạnh đã tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp xây dựng sản phẩm mới, tổ chức hoạt động đón tiếp và sẵn sàng cho mù cao điểm. Hiện tại, các đơn vị đã lên kế hoạch cho thời gian sắp tới, cùng với các chương trình ưu đãi, các đơn vị cũng đã tích cực xúc tiến, quảng bá tại các thị trường tiềm năng để "kéo" khách đến địa phương.
Ông Steve Wolstenholme, CEO Khu nghỉ dưỡng Hoiana cho hay tại 4 khối khách sạn của đơn vị đã có 1 khối kín phòng trong 3 ngày lễ chính. Đối với 3 khối còn lại, công suất phòng đạt từ 60-80% tuỳ ngày.
“Du lịch Quảng Nam đã phục hồi tương đối tốt nhờ vào thị trường nội địa, thị trường Quốc tế chưa sôi động như kỳ vọng nhưng đã từng bước trở lại. Trong đợt khảo sát vào cuối tháng 4 vừa qua tại Hoiana, một số đại lý du lịch Trung Quốc khẳng định đã có yêu cầu đặt tour và có thể tổ chức đưa khách đoàn tới Quảng Nam ngay khi đường bay thẳng Trung Quốc - miền Trung Việt Nam được kết nối trở lại. Chúng tôi hy vọng lượng khách Quốc tế tới Quảng Nam sẽ cao hơn trong nửa cuối năm nay”, ông Steve Wolstenholme nói.
Theo bà Phạm Quế Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Hội An Express cho hay các thị trường quốc tế đến Việt Nam hiện tại dù không có nhiều đột biến nhưng đã từng bước được phục hồi. Vị này cho hay so với thời điểm trước dịch, đã có từ 40-50% thị trường kết nối trở lại, đưa khách đến Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng.
“Hiện tại vẫn có một số thị trường vẫn chưa khôi phục hoàn toàn. Tuy nhiên với tín hiệu như hiện nay thì ngành du lịch địa phương đang có thêm động lực để tiếp tục hoạt động. Ngoài ra, với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ sắp tới, doanh nghiệp đang trong quá trình chờ đợi triển khai. Doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ được công bố sớm để đối tác liên kết trở lại, đặt tour du lịch cho đầu năm 2024”, bà Anh cho hay.
Nhằm khôi phục ngành du lịch, thời gian tới tỉnh Quảng Nam đã lên kế hoạch khôi phục mạng lưới các đường bay thường lệ hoặc charter, tăng cường xúc tiến các đường bay nội địa đến địa phương. Đồng thời, phát triển các sản phẩm mới đạt chất lượng cao, có sức cạnh tranh tốt nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế, thay đổi lại phân khúc thị trường khách hướng tới, chất lượng hơn, hiệu quả hơn.
Quảng Nam cũng sẽ hình thành các sản phẩm đa dạng, hấp dẫn từ giá rẻ đến cao cấp, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh. Nghiên cứu tổ chức các hoạt động thu hút khách du lịch quốc tế như festival biển, festival ẩm thực, các lễ hội, hoạt động đường phố, phối hợp xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đêm. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho du khách phù hợp với nhu cầu các thị trường khách quốc tế và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Quảng Nam.
Đặc biệt, thu hút các nguồn lực xã hội để chỉnh trang, hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, ổn định lại nguồn nhân lực để sẵn sàng phục vụ khách quốc tế. Các địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, kết nối lại thị trường, đối tác tại các thị trường truyền thống và các thị trường tiềm năng.
Nhiều điểm đến tại Quảng Nam hút khách du lịch Theo thông tin từ Trung tâm – Văn hóa & Truyền thanh – Truyền hình TP Hội An, ước tính mỗi ngày có hơn 5.500 vé tham quan di tích tại khu phố cổ được bán ra. Trong đó, phần lớn là khách quốc tế sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, đã có gần 11.000 lượt khách du lịch đến với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An) trong dịp nghỉ lễ. Trong thời gian này, địa phương cũng đã ghi nhận sự trở lại của các thị trường quốc tế truyền thống. Ngoài ra, nhiều thị trường mới, tiềm năng như Ấn Độ cũng đã bắt đầu có tín hiệu tốt. Tại Khu đền tháp Mỹ Sơn cũng đã ghi nhận hơn 5.564 lượt khách du lịch đến tham quan. Trong đó khách nước ngoài đạt 4.718 lượt, chiếm 84,79% tổng lượt khách. Để thu hút khách tham quan trong dịp nghỉ lễ, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động dịch vụ như đưa quầy hàng đặc sản địa phương vào phục vụ khách, khuyến mãi giảm giá 10% tại các quầy hàng lưu niệm, khai thác sản phẩm trải nghiệm tham quan thực tế ảo 360, tăng cường xe điện trung chuyển khách, huy động lực lượng phục vụ, hướng dẫn du khách thực hiện nhanh các thủ tục như mua vé thanh toán qua thẻ visa, quét mã QR Code... Ngoài ra, còn có hoạt động trải nghiệm tại không gian di tích với chương trình biểu diễn nghệ thuật “Mùa hạ về bên tháp cổ” đã thu hút đông đảo khách tham quan, tạo sự tương tác giữa du khách với diễn viên. Các chương trình được xem là cơ cội để du khách được tìm hiểu kỹ hơn những giá trị về nền văn hóa phi vật thể Chăm. |
Có thể bạn quan tâm