Hiện tại, đã có khá nhiều doanh nghiệp tại Quảng Nam chuyển đổi sang mô hình du lịch xanh và xác định đây là hướng đi bền vững trong tương lai.
Theo thông tin công bố trên Trip.com, qua khảo sát 9.867 mẫu trên 109 quốc gia vào cuối năm 2024 thì có đến 92% số người đi du lịch cân nhắc lựa chọn sản phẩm du lịch xanh. Đồng thời, có khoảng 75% mong muốn có sản phẩm nhãn dán du lịch bền vững khi tìm kiếm sản phẩm online, khoảng 21% chấp nhận chi trả hơn 5% cho các hoạt động du lịch bền vững,...
Doanh nghiệp kiên trì thực hiện tiêu chí xanh
Con số thống kê cho thấy rõ nhu cầu du lịch hiện nay đã thay đổi rõ rệt, gia tăng trải nghiệm, hướng về thiên nhiên so với du lịch thành thị như trước đây. Và đây được xem là cơ hội lớn cho du lịch Quảng Nam khi là địa phương đang chú trọng vạo du lịch xanh và là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh cấp tỉnh.
Trước những lợi thế, nhiều doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch mới dựa vào nền tảng tài nguyên văn hóa bản địa và nhu cầu của khách. Qua đây tạo thêm điểm nhấn hấp dẫn khách du lịch cũng như giúp đa dạng điểm đến, thu hút khách tham quan.
Theo các doanh nghiệp, Quảng Nam sở hữu nhiều tài nguyên du lịch, nhất là các giá trị văn hóa, sinh thái, cảnh quan, làng quê, làng nghề. Đây có thể xem như “mỏ vàng” để các doanh nghiệp tận dụng phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có trong giai đoạn hiện nay.
Dù rằng vẫn còn nhiều hạn chế về hạ tầng, dịch vụ khiến việc khai thác du lịch có khó khăn, song các đơn vị vẫn kiên định triển khai. Dần dần du khách trong nước lẫn quốc tế ưu tiên lựa chọn Quảng Nam là điểm đến trải nghiệm, nghỉ dưỡng,...
Đại diện cho khu nghỉ dưỡng 5 sao, bà Hà Thị Diệu Viên - Tổng quản lý Silk Sense Hội An River Resort cho biết sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc thì nguồn khách của đơn vị bị sụt giảm rất lớn trong khi tài chính lại khó khăn. Lúc bấy giờ, phía Silk Sense đã tính đến việc dừng thực hiện các hành động trong “tiêu chí xanh”, tuy nhiên sau nhiều cuộc thảo luận thì đã tiếp tục duy trì.
“Chúng tôi duy trì việc “vận hành xanh” để cố gắng giữ giá trị cốt lõi là phát triển bền vững. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã tìm hiểu, học hỏi thêm nhiều giải pháp để tối ưu hóa việc vận hành”, bà Viên nói.
Theo ông Vương Đình Mạnh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Du lịch xanh (Hiệp hội Du lịch Quảng Nam) thì vấn đề khó xử nhất của cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam để theo đuổi du lịch xanh là cân bằng được doanh thu về kinh tế lẫn chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững, có trách nhiệm. Theo vị này, tác động của dịch là rất lớn, đã khiến tiến trình phát triển du lịch xanh của Quảng Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Tuy nhiên, việc tiếp cận du lịch xanh từ chỗ tự phát đã chuyển sang tự giác; nhiều đơn vị chủ động xây dựng sản phẩm giảm phát thải, đăng ký tham gia chứng nhận xanh của Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam”, ông Mạnh cho biết.
Tận dụng giá trị của du lịch xanh
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, thương hiệu du lịch xanh mà ngành du lịch Quảng Nam xây dựng thời gian qua đã có những kết quả cụ thể. Từ đây, các doanh nghiệp mong mỏi có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ để tạo động lực cho các cơ sở dịch vụ du lịch và cộng đồng.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam từng có ý rằng nói bộ chứng nhận xanh Quảng Nam dù tạo được tiếng vang nhưng vẫn ở mức độ thí điểm, từ đây Quảng Nam cần đánh giá lại và có đề án tạo nguồn lực để lan tỏa thương hiệu. Theo ông Thanh, ngành du lịch Quảng Nam đã phát triển đủ lâu và thiết lập được nền tảng ở một mức độ nhất định nên cần có định hướng phát triển cụ thể về chiều sâu chứ không nên chỉ định hướng chung chung.
“Du lịch xanh cần sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các ngành. Nếu các ngành khác không xanh thì du lịch sẽ không thể xanh được. Du lịch chỉ nương tựa vào các giá trị của ngành khác như nông nghiệp, văn hóa… để phát triển”, ông Thanh nói.
Một vấn đề khiến doanh nghiệp du lịch lăn tăn chính là chuyển đổi theo xu hướng xanh nhưng lợi ích còn chưa tương xứng. Trong đó, có nhiều đơn vị đã chi khá nhiều kinh phí để chuyển đổi, vì vậy việc hỗ trợ cần được triển khai trong thời gian sớm.
Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam thông tin ngành du lịch địa phương thời gian qua cũng có nhiều động thái mạnh mẽ để phát triển thương hiệu du lịch địa phương theo hướng du lịch xanh. Đặc biệt, gần đây nhất địa phương đã chú trong xúc tiến, quảng bá theo slogan “Quảng Nam - Miền xanh di sản”.
“Tuy nhiên, sức lan tỏa của Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam chưa ra khỏi “biên giới” quốc gia mặc dù được xây dựng công phu, tham khảo các bộ tiêu chí của quốc tế”, ông Sơn nhìn nhận.
Từ đây, các doanh nghiệp cho rằng giá trị của du lịch xanh cần được quảng bá sâu rộng hơn nữa. Qua công tác quảng bá, các doanh nghiệp sẽ tận dụng được sự quan tâm của thị trương, xây dựng sản phẩm, chuyển đổi phù hợp để gia tăng lượng khách trong thời gian tới.
Theo số liệu của UBND tỉnh Quảng Nam, trong 2 tháng đầu năm 2025, lượng khách tham quan, lưu trú du lịch trên địa bàn ước đạt 1,395 triệu lượt, trong đó có hơn 1 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch 2 tháng đầu năm 2025 của Quảng Nam ước đạt 1.880 tỷ đồng trong khi thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 4.418 tỷ đồng.