Năm 2025, ngành du lịch Quảng Nam đặt mục tiêu đón 8.400.000 lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong không khí Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch Quảng Nam cho hay, năm qua ngành du lịch địa phương đạt nhiều kết quả ấn tượng nhờ vào sự đồng lòng của chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp.
-Thưa ông, năm 2024 được xem là ông năm khá thành công đối với ngành du lịch Quảng Nam với những con số cụ thể. Xin ông cho biết thêm về những kết quả tích cực mà ngành du lịch đã “gặt hái” được trong năm qua?
Về số liệu cụ thể, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch tại Quảng Nam trong năm qua đạt 8.020.000 lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt 6% so với kế hoạch. Trong đó khách quốc tế đạt 5.500.000 lượt khách, khách nội địa ước đạt 2.520.000 lượt. Cùng với đó, doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch đạt 9.200 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 21.620 tỷ đồng.
Tại Quảng Nam, top 10 thị trường khách quốc tế lưu trú cao nhất năm 2024 gồm Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Malaysia, Trung Quốc, Tây Ban Nha. Đây cũng là năm đầu tiên du lịch Quảng Nam vượt mốc 8 triệu lượt khách, trước đó, mốc kỷ lục của Quảng Nam là năm 2019 (thời điểm chưa có dịch Covid-19) với khoảng 7,8 triệu lượt, kết quả này cho thấy du lịch Quảng Nam đã phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng và bắt đầu vào kỳ tăng trưởng mới.
Song song, du lịch Quảng Nam cũng đã vinh dự nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng hàng đầu thế giới và hàng đầu châu Á do các tổ chức, chuyên trang du lịch nổi tiếng trao tặng. Ngoài ra, việc đăng cai Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất của Tổ chức du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) tại Quảng Nam vào ngày 10/12 đã vào tốp 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024 của Việt Nam.
Đây sẽ là những nền tảng vững chắc để du lịch Quảng Nam phát triển trong thời gian tới và thu hút nhiều hơn khách du lịch nội địa và quốc tế.
-Để đạt được các kết quả đã kể trên, trong năm 2024 ngành du lịch đã có những chương trình, hành động thế nào, thưa ông?
Bên cạnh hiệu quả từ chủ trương, chính sách thuận lợi từ Chính phủ, thì kết quả tích cực đạt được của du lịch Quảng Nam trong năm 2024 đã cho thấy hiệu quả trong công tác chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự tham mưu kịp thời trong việc xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch của ngành, sự quan tâm phối hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đặc biệt là sự nỗ lực, vượt khó của doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh trong việc xây dựng, phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, quảng bá xúc tiến kích cầu thu hút khách.
Quảng Nam cũng đã tập trung xây dựng mới và nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch theo hướng xanh bền vững; nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn được đưa vào khai thác phục vụ khách. Ngoài ra, hiện nay tỉnh Quảng Nam đã và đang hình thành được một số mô hình du lịch xanh thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế, nhiều sản phẩm du lịch xanh - kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp tại Quảng Nam đang hứa hẹn gặt hái thành công, góp phần phát triển du lịch bền vững. Đây cũng chính là hướng đi nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch hướng đến phục vụ sức khoẻ của khách du lịch.
Đặc biệt là triển khai các chiến dịch xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài. Song song với đó là thường xuyên phối hợp với các tỉnh, thành trong cụm liên kết 05 địa phương gồm Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế - Quảng Trị - Quảng Bình tham gia các hội chợ du lịch trong khu vực và tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch, đón các đoàn famtrip, presstrip..
-Theo góc nhìn của ông, đâu là “trở lực” của ngành du lịch trong tiến đà phục hồi, phát triển?
Bên cạnh những kết quả đạt được, thì hoạt động du lịch vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn cần tháo gỡ trước những biến động của tình hình trong nước và thế giới như: suy thoái kinh tế, chiến tranh Nga - Ucraina vẫn còn đang diễn ra, biến đổi khí hậu, những khó khăn trong tổ chức hoạt động kinh doanh và phát triển sản phẩm do các qui định về lãi suất vay, bảo hiểm, thuế, các qui định về thuê đất, thủ tục đầu tư...
Ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Quảng Nam nói riêng lại đang phải đối mặt với thách thức lớn đó là sự cạnh tranh giữa các điểm đến của các nước trong khu vực về chính sách thu hút khách và các điểm đến ở các tỉnh trong cả nước và các tỉnh Duyên hải miền Trung về giá cả, sản phẩm du lịch tương đồng.
Du lịch tỉnh Quảng Nam thiếu nguồn lực đầu tư một số dự án quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch; đa số các doanh nghiệp du lịch có quy mô nhỏ.
-Ngành du lịch đã lên phương án, giải pháp nào để khắc phục những tồn tại, trở lực, thưa ông?
Dĩ nhiên, ngành sẽ tiếp tục tham mưu đề xuất các kiến nghị giải pháp liên quan đến các chính sách thu hút khách du lịch đến Việt Nam, Quảng Nam và có cơ chế hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch. Song song sẽ tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch Quảng Nam: cơ chế thu hút đoàn khách du lịch MICE (khách hội nghị/hội thảo), hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng và du lịch xanh tỉnh Quảng Nam.
Với công tác xúc tiến du lịch, Quảng Nam sẽ tập trung nghiên cứu thị trường khách và thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường du lịch nội địa, thu hút khách các thị trường quốc tế. Đặc biệt là chú trọng thị trường các nước đã được miễn visa, có khả năng chi tiêu cao, nghỉ dưỡng dài ngày...
Đồng thời đề xuất các cơ chế chính sách để tạo thuận lợi thu hút khách quốc tế đến Quảng Nam như kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung thêm các quốc gia được miễn thị thực đơn phương là các thị trường trọng điểm và tiềm năng để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, Quảng Nam.
Ngành du lịch cũng sẽ phối hợp, hướng dẫn xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng xanh, an toàn, bền vững, du lịch sinh thái, nông nghiệp, nông thôn, cộng đồng, đây là những loại hình phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và xu hướng du lịch hiện nay. Quan tâm công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, xây dựng các chính sách đào tạo nguồn nhân lực du lịch cũng sẽ được quan tâm.
-Xin ông cho biết, mục tiêu năm 2025 của ngành du lịch Quảng Nam là gì? Và giải pháp nào để hoàn thiện mục tiêu của năm?
Trong năm 2025, ngành du lịch Quảng Nam phấn đấu đón được khoảng 8.400.000 lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó khách quốc tế ước đạt 5.700.000 lượt khách, khách nội địa ước đạt 2.700.000 lượt và doanh thu du lịch ước đạt 11.000 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 25.850 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành du lịch sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch đa dạng. Trong đó, nâng cấp sản phẩm du lịch hiện có, cải tiến và đa dạng hóa các dịch vụ phụ trợ, như ăn uống, mua sắm, thể thao.
Trong việc này, công tác đầu tư phát triển kinh tế đêm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để du khách có nhiều lựa chọn cho các hoạt động vui chơi giải trí về đêm, từ đó giúp giữ chân và thúc đẩy chi tiêu của du khách sẽ được quan tâm nhiều hơn. Bên cạnh đó là phát triển thêm sản phẩm du lịch mới: khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm tại các vùng chưa được khai thác ở khu vực phía Tây, phía Nam của tỉnh.
Đồng thời, sẽ phát triển thêm du lịch văn hóa và các lễ hội độc đáo. Quảng Nam cũng sẽ tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch về giao thong cơ sở lưu trú,...
Với công tác xúc tiến, quảng bá, hiện nay các doanh nghiệp đang tăng cường xây dựng, củng cố, quảng bá thương hiệu điểm đến, xây dựng chiến lược marketing bài bản. Song song là đẩy mạnh quảng bá xúc tiến điểm đến trên các nền tảng số, mạng xã hội để tăng cường sự tương tác, dễ tiếp cận thông tin đối với du khách.
Ngành du lịch cũng sẽ tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch, trong đó đẩy mạnh kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành với đơn vị cung ứng dịch vụ để chuyển hướng sản phẩm, dịch vụ. Qua đó đưa ra mức giá hợp lý nhất cho khách hàng, liên kết các phương tiện vận chuyển từ ô tô, tàu lửa tới máy bay, qua đó tạo thêm sự lựa chọn vừa giảm chi phí tour cho du khách.
Với công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, ngành đặt ra mục tiêu xây dựng, củng cố nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Trong đó, chú trọng đào tạo nghiệp vụ, tăng cường các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực làm du lịch, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên khách sạn, nhà hàng,...
Trân trọng cảm ơn ông!