Với các lợi thế sẵn có từ biển, nhiều doanh nghiệp quy mô đến đầu tư du lịch,... Quảng Nam đang tìm cách để phát triển du lịch thể thao trong thời gian tới nhất.
Mô hình du lịch thể thao - kết hợp giữa hoạt động nghỉ dưỡng và rèn luyện thể chất - ngày càng chứng tỏ sức hấp dẫn mạnh mẽ, mở ra nhiều triển vọng tại Quảng Nam
Mở cơ chế cho doanh nghiệp
Với lợi thế vừa tạo cơ hội nâng cao, rèn luyện thể chất, vừa mang đến trải nghiệm khám phá, du lịch thể thao đang là xu hướng được khách du lịch lựa chọn. Đây cũng được ví như “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều quốc gia trên thế giới và đang là thị trường “ngách” giàu tiềm năng được nhiều địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, phát triển du lịch thể thao sẽ tạo thêm nhiều lí do để khách du lịch đến Quảng Nam lâu hơn và chi tiêu lâu hơn. Đặc biệt, hiện nay địa phương đang có sẵn những sân golf tiêu chuẩn quốc tế, thể thao biển còn “rộng chỗ” và hạ tầng du lịch đủ điều kiện để tổ chức các giải thể thao quy mô.
Đại diện doanh nghiệp đang đầu tư dự án Quảng Nam, ông Nguyễn Vĩnh Trân – Tổng Giám đốc Phát triển Dự án Hoiana Resort & Golf cho hay Hoiana là khu nghỉ dưỡng phức hợp hàng đầu Châu Á, đã hoàn thành giai đoạn 1 với các hạng mục khách sạn 5 sao quốc tế với hơn 1200 phòng nghỉ cao cấp, sân golf 18 hố thuộc top 100 sân gôn tốt nhất châu Á, một trong những casino lớn nhất Việt Nam và 20 nhà hàng phục vụ ẩm thực quốc tế. Về du lịch thể thao, vì này nhận định phát triển du lịch golf sẽ giúp Quảng Nam thu hút được lượng lớn du khách trong và ngoài nước, nhất là nhóm khách có chi tiêu cao, tăng thời gian lưu trú của du khách từ 2 đến 3 ngày lên từ 5 đến 7 ngày.
“Bên cạnh đó, du lịch golf còn giúp Quảng Nam phát triển du lịch trái mùa, nhất là vào những tháng cuối năm khi thời điểm này không còn là mùa cao điểm của du lịch nội địa. Cùng với đó, vùng Đông tỉnh Quảng Nam có địa hình với bờ biển dài, bãi biển đẹp, cảnh quan đa dạng và khí hậu ôn hòa nên việc đầu tư xây dựng thêm các sân gôn chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế còn rất nhiều tiềm năng và lợi thế”, ông Trân nhìn nhận.
Với sự thành công của sân golf đầu tiên, phía Hoiana đề xuất làm thêm 1 sân golf mới, nâng tổng số lên 3 sân glf, mang tầm cỡ quốc tế phù hợp với nhiều phong cách chơi. Ông Trân khẳng định Hoiana hoàn toàn đủ năng lực đăng cai các giải gôn trong hệ thống Championship và châu lục, góp phần xây dựng Quảng Nam thành điểm đến golf hấp dẫn hàng đầu Việt Nam.
Để đáp ứng nhu cầu du lịch mới mẻ và tăng cường trải nghiệm cho du khách, vị này đề xuất Quảng Nam cần tập trung vào việc đổi mới các sản phẩm du lịch, đặc biệt là phát triển các loại hình du lịch thể thao quốc tế và các hoạt động giải trí sôi động trên biển. Ngoài ra Hoiana cũng đang trong quá trình xin phép triển khai các trò chơi giải trí dưới nước đa dạng như dù lượn trên biển có thuyền kéo, lướt song, lướt song có thuyền kéo, thuyền máy, mô tô nước, phao trượt trên nước, chèo thuyền kayak, chèo ván đứng.
Đại diện 1 doanh nghiệp lữ hành cho hay du lịch thể thao là dòng tour chuyên đề cho nên đòi hỏi đơn vị tổ chức tour phải có chuyên môn. Bên cạnh yếu tố chuyên môn về lữ hành, vì này cũng đề cập đến kiến thức về thể thao và các giải đấu cụ thể... Đặc biệt, các doanh nghiệp cần phải có kinh nghiệm từ tính toán lịch trình di chuyển cho tới công tác điều hành và tổ chức dẫn đoàn tham gia các sự kiện sự thể thao.
Địa phương cam kết hỗ trợ
Theo định hướng, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là thu hút các dự án du lịch cao cấp khu vực ven biển. Đồng thời, tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, đặc biệt là tại các khu du lịch, điểm du lịch ven biển thuộc Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ, Núi Thành.
Cùng với đó, địa phương này cũng kêu gọi đầu tư nâng cấp khai thác sân bay Chu Lai, phát triển du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng, thể thao,... Lồng ghép các chương trình tôn tạo, bảo vệ và phát huy các di sản, di tích; khôi phục, phát triển các làng nghề và bảo vệ môi trường. Ðẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Tào Viết Hải – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam khẳng định tiềm năng du lịch thể thao của địa phương là rất lớn, có nhiều điều kiện thuận lợi. Vị này cũng cho hay đã có nhiều doanh nghiệp lớn để Quảng Nam để đầu tư và phát triển du lịch thể thao, đặc biệt là golf và mới đây là pickle ball.
“Tỉnh Quảng Nam có chủ trương kết nối với các tổ chức, liên đoàn thể thao trong nước và quốc tế đưa các giải về địa phương tổ chức trong điều kiện cho phép. Đặc biệt, địa phương sẽ hỗ trợ tạo điều kiện tốt nhất gắn với tổ chức hoạt động thể dục thể thao, cùng với đó là trải nghiệm du lịch, quảng bá văn hóa, con người Quảng Nam”, ông Hải khẳng định.
Bên cạnh triển vọng và tiềm năng phát triển, nhều chuyên gia cũng lưu ý rằng du lịch thể thao cũng tiềm ẩn một số thách thức cần được giải quyết nhằm hướng tới phát triển du lịch bền vững. Cụ thể, nguồn nhân lực tổ chức là vấn đề cần lưu ý đầu tiên bởi để thực hiện mô hình du lịch kết hợp hoạt động thể thao cần đòi hỏi chuyên môn cao. Đặc biệt là cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và định hướng dài hạn để xây dựng, nâng cấp hạ tầng, cải thiện hệ thống giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đủ đáp ứng đòi hỏi của nhiều hình thức du lịch thể thao.
Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch tại Quảng Nam trong năm 2024 ước đạt hơn 8 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 5,5 triệu lượt khách, khách nội địa ước đạt hơn 2,5 triệu lượt khách. Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch năm 2024 ước đạt 9,2 nghìn tỉ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt hơn 21,6 nghìn tỉ đồng.