Du lịch

Nhiều trăn trở với du lịch Quảng Nam

Tuấn Vỹ 21/12/2024 01:30

Dù lượt khách trong năm 2024 tăng nhưng chất lượng khách, thời gian lưu trú vẫn chưa như kỳ vọng, doanh nghiệp vẫn khó tìm được khách.

Thông tin từ Sở VH-TT&DL Quảng Nam, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch trên địa bàn ước đạt 8.020.000 lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 5.500.000 lượt, khách nội địa ước đạt 2.520.000 lượt.

Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch năm 2024 ước đạt 9.200 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 21.620 tỷ đồng. Cũng tại số liệu tổng hợp của sở này, tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Quảng Nam có 966 cơ sở lưu trú du lịch với 18.497 phòng, 105 đơn vị, doanh nghiệp lữ hành, 528 hướng dẫn viên, khoảng 100 khu điểm du lịch, 04 khu vui chơi giải trí, sân golf; 32 đơn vị, doanh nghiệp du lịch đạt chứng nhận du lịch xanh Quảng Nam.

dulichquangnam.jpg
Dù số lượng khách du lịch đến Quảng Nam tăng nhưng chi tiêu và lưu trú vẫn chưa được như kỳ vọng.

Đây được xem như tín hiệu lạc quan cho thấy hoạt động du lịch đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ trở lại sau đại dịch Covid-19, là điểm sáng góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam. Thời gian qua, ngành du lịch đã tập trung phát triển các điểm đến, xây dựng các tour, nhóm sản phẩm du lịch mới, tổ chức đa dạng các hoạt động du lịch sôi nổi, thu hút được sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật đạt được hiện nay ngành du lịch vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, “sức khỏe” của cồng động doanh nghiệp vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.

Nói về các nguyên nhân, ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho rằng xuất phát từ tình kinh tế còn nhiều khó khăn, bất ổn chính trị diễn ra nhiều nơi, sự thay đổi thói quen đi du lịch của khách du lịch... đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành du lịch. Đồng thời, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng còn nhiều khó khăn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh của ngành du lịch Quảng Nam; các dịch vụ bổ sung còn yếu nên chưa kéo dài ngày lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch.

“Thiếu các điểm tham quan mang tính nổi trội, đặc biệt là các khu vui chơi giải trí, các sản phẩm dịch vụ du lịch về đêm. Một số điểm du lịch được xác định có tiềm năng của tỉnh vẫn chưa được đầu tư đúng mức, chưa tương xứng với tiềm năng, hạ tầng giao thông đến các khu, điểm du lịch khu vực miền núi còn khó khăn,... cùng với đó là thiếu nguồn lực đầu tư một số dự án quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch, chưa khuyến khích và thu hút đầu tư được các dịch vụ vui chơi giải trí trên biên, dịch vụ du lịch mạo hiểm, dịch vụ kinh tế đêm”, ông Hồng cho hay.

TTDulichQuangNam (2)
Quảng Nam đang có nhiều lợi thế về sản phẩm mang tính trải nghiệm cao, bán giá cao mà các địa phương khác không có.

Ngoài ra, các khó khăn còn xuất phát từ nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế về số lượng và chất lượng, thiếu chuyên môn, nghiệp vụ nên chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là lao động cấp quản lý trong các doanh nghiệp lớn. Thị trường khách du lịch quốc tế chưa phục hồi mạnh mẽ, mức chi tiêu của khách nội địa còn thấp và đa số các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ; hoạt động lữ hành tuy đã có bước chuyển biến nhưng phần lớn các doanh nghiệp lữ hành vẫn chưa chủ động được nguồn khách, chưa vươn ra được thị trường các nước,...

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong ngành, ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam nhìn nhận cơ cấu nguồn thu du lịch hiện nay vẫn chưa rõ ràng và doanh nghiệp du lịch vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Thanh, nếu có số lượng khách tăng nhưng không đánh giá được cơ cấu nguồn thu, chất lượng khách, chi tiêu,... thì rất khó để nói đến chuyện phục hồi.

“Đặc biệt là du lịch xanh, tỉnh đã phát động và doanh nghiệp cũng đã chuyển đổi, tuy nhiên du lịch nương tựa vào các ngành khách để phát triển, vì vậy, cần xanh hết các ngành kinh tế chứ không phải chỉ xanh mỗi ngành du lịch. Còn lại, để phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn cần tập trung vào địa phương tiêu biểu để phát triển, không dàn trải”, ông Thanh nói về định hướng.

Đối với hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể là chứng nhận xanh, ông Phan Xuân Thanh cho rằng cần đánh giá lại, nên tạo nguồn lực để lan tỏa. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam chỉ mới có chính sách, còn lại cơ chế, nguồn lực không có thì các doanh nghiệp rất khó để chuyển đổi.

Ông Nguyễn Sơn Thủy – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương cho rằng hiện nay tại Quảng Nam đang có nhiều lợi thế về sản phẩm mang tính trải nghiệm cao, bán giá cao mà các địa phương khác không có. Tuy nhiên, ông Thủy cũng bày tỏ sự lo ngại khu sản phảm du lịch xanh đã có nhưng không có cách để bán ra nước ngoài.

“Nên có hội chợ du lịch xanh tại Quảng Nam, để doanh nghiệp lữ hành các nơi tìm kiếm, mua bán sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, du lịch xanh vẫn còn khá mơ hồ, chưa có nhiều sự liên kết giữa lợi ích doanh nghiệp với chuyển đổi sản phẩm phẩn du lịch xanh. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong tìm kiếm lượng du khách sử dụng sản phẩm du lịch xanh. Chỉ có khách yêu môi trường,thị trường Âu Mỹ, học thức cao, thì mới thích du lịch xanh, Châu Á thì rất ít”, ông Thủy đề cập.

Về kế hoạch trong năm tới, Quảng Nam sẽ tập trung xây dựng và triển khai một số chính sách về hỗ trợ du lịch và các hoạt động thu hút du khách đến địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch, tăng cường công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các trung tâm du lịch lớn trong cả nước như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, mở rộng và đẩy mạnh quan hệ hợp tác, liên kết các ngành, các lĩnh vực như: hàng không, thương mại, nông nghiệp, truyền thông để xúc tiến quảng bá,...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhiều trăn trở với du lịch Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO