Hạ tầng khớp nối, đồng bộ tạo điều kiện thu hút nhiều nhà đầu tư đến với khu vực với các dự án nghìn tỉ đồng, hoặc hàng tỉ USD tạo động lực cho ngành du lịch.
Những năm qua, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Thuận lợi hạ tầng thu hút dự án lớn
Trước đại dịch Covid-19, có thể thấy du lịch Quảng Nam đang trên đà phát triển bứt phá với tốc độ tăng trưởng mỗi năm khoảng 20% trong giai đoạn 2015 - 2019, tăng từ 3,8 triệu lượt khách vào năm 2015 lên 7,8 triệu lượt vào năm 2019. Nhiều năm qua, Quảng Nam vẫn đang nỗ lực đưa ngành du lịch địa phương phát triển theo định hướng du lịch xanh, nhờ đó, các điểm đến tại Quảng Nam đã và đang ngày càng thu hút du khách và để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế; đồng thời góp phần thực hiện Du lịch Net zero theo lộ trình cam kết của Chính phủ Việt Nam.
Không chỉ hành động về du lịch xanh, thời gian qua Quảng Nam đã không ngừng nỗ lực trong đầu tư hạ tầng cho du lịch. Từ việc khớp nối, đồng bộ hạ tầng, nhiều dự án với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng, hoặc hàng tỉ USD đã đến với vùng Đông của địa phương này, tạo ra nguồn động lực lớn cho ngành du lịch.
Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc sở VH-T&DL Quảng Nam nhìn nhận quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định các mục tiêu rằng đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển làm nền tảng phát triển du lịch. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 36 - 37% trong cơ cấu kinh tế; thu hút trên 15 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 08 triệu lượt khách quốc tế và 07 triệu khách nội địa,...
“Phát triển không gian du lịch dựa trên giá trị và sự phân bố của các nguồn tài nguyên du lịch, kết cấu hạ tầng và nhu cầu của khách du lịch trên 04 không gian chính gồm Không gian phát triển du lịch di sản văn hóa - lịch sử, gồm Khu di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn, Khu di sản văn hóa thế giới Hội An gắn với Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm-Hội An. Hình thành không gian phát triển du lịch ven biển Duy Xuyên - Thăng Bình kết nối không gian du lịch Hội An trên cơ sở phát huy các giá trị tự nhiên sông - biển. Xây dựng các trung tâm hội thảo, hội nghị, trung tâm thương mại, các khu vui chơi giải trí và các khu nghỉ dưỡng, sân gôn cao cấp, các công trình thể thao tiêu chuẩn Olympic”, ông Hồng thông tin.
Ngoài ra, Quảng Nam còn đầu tư, phát triển du lịch theo mô hình cấu trúc không gian “hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển”, phát huy tiềm năng và lợi thế về du lịch của tỉnh. Cùng với đó, dải bờ biển vùng Đông của Quảng Nam sở hữu tiềm năng lớn để thúc đẩy du lịch biển, nhưng “hệ sinh thái” điểm đến khu vực này còn rời rạc, chủ yếu tập trung ở điểm đến tư nhân.
Khu vực này đã trở thành điểm đến của hàng loạt dự án du lịch quy mô đạt chuẩn 5 sao như Hoiana Resort & Golf (Duy Xuyên), Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An (Thăng Bình), Bliss Hội An Beach Resort & Wellness (Thăng Bình), Robinson Nam Hội An (Núi Thành). Đặc biệt, khu vực này hiện có 2 sân golf, có tổ hợp giải trí Vinwonders Nam Hội An hay casino tại Hoiana, đây là nền tảng thuận lợi để thúc đẩy du lịch cao cấp, thu hút các dòng khách có chi tiêu cao, nâng tầm du lịch địa phương.
Tiếp động lực cho doanh nghiệp
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Vĩnh Trân - Tổng Giám đốc Phát triển dự án của Hoiana Resort & Golf cho biết trong năm 2024 sân golf của điểm đến này gần như vận hành hết công suất, một số thời điểm không còn lịch trống để phục vụ khách. Từ đây, doanh nghiệp đang xúc tiến sớm phát triển thêm một sân golf nữa trong khu vực dự án (phía tây đường Võ Chí Công) đồng thời xây dựng một trung tâm hội nghị để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của du khách.
Ngoài các dự án trên, thời gian qua, một số dự án du lịch xúc tiến đầu tư vào đô thị mới Duy Hải - Duy Nghĩa cũng nêu bật việc bảo tồn lại không gian làng biển, hài hòa trong khu du lịch để thúc đẩy du lịch cộng đồng như dự án Khu du lịch sinh thái kết nối cộng đồng tại xã Duy Hải; Khu nghỉ dưỡng Trung Phường,... Hay mới đây nhất là nghiên cứu dự án Khu thương mại - du lịch phía Đông xã Duy Thành (huyện Duy Xuyên) với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng của Công ty Cổ phần Du lịch sinh thái Hoàng Hà Bexco.
Cụ thể, phía nhà đầu tư đã đề nghị chấp thuận nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp với diện tích 451.453m2. Mục đích sử dụng đất sau khi nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp nhằm triển khai Khu thương mại – du lịch phía Đông xã Duy Thành với thời hạn 50 năm.
Tại đây sẽ có các sản phẩm như biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạng nghỉ dưỡng, sinh thái ven sông,... với tiến độ thực hiện dự án trong 6 năm. Công ty CP Du lịch sinh thái Hoàng Hà Bexco cũng cam kết với địa phương sẽ không thực hiện dự án nếu không thỏa thuận được với người sử dụng đất nông nghiệp để nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Với dự án này, ông Phan Thái Bình – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam cho hay địa phương đánh giá cao sự quyết tâm nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư Dự án của nhà đầu tư trong thời gian qua. Dự án hình thành sẽ tạo ra sản phẩm du lịch mới, có quy mô, tầm vóc, góp phần đáng kể thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Duy Xuyên nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.
“Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án trong thời gian đến, UBND tỉnh yêu cầu nhà đầu tư có văn bản khẳng định có tiếp tục nghiên cứu thực hiện dự án hay dừng thực hiện gửi Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh”, ông Bình yêu cầu.
Vị này cũng đề nghị huyện Duy Xuyên rà soát toàn bộ Quy hoạch xây dựng, Quy hoạch và Kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch đầu tư công (đã, đang và sẽ trình) liên quan đến khu vực nghiên cứu Dự án để điều chỉnh, bổ sung, có văn bản báo cáo đề xuất gửi Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Tài chính thẩm định. Để thực hiện được Dự án này thì UBND huyện Duy Xuyên có trách nhiệm lập Phương án bồi thường, GPMB và thu hồi đất để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án theo đúng quy định.
Với những lợi thế đang hiện rõ, ngành chức năng Quảng Nam cần sớm có thêm phương án hỗ trợ quyết liệt nhà đầu tư trong việc triển khai dự án. Từ đây hình thành một vùng động lực cho tỉnh, là “miền đất hứa” cho các nhà đầu tư, đưa ngành du lịch phát triển bứt phá.