Kon Tum hướng đến mục tiêu đón 1 triệu khách du lịch
Với điểm du lịch hấp dẫn cùng sự dịnh hướng rõ ràng, du lịch Kon Tum đang từng ngày phát triển mạnh mẽ. Năm 2023, ngành du lịch toàn tỉnh phấn đấu đạt 1 triệu du khách.
>>Nhiều lợi thế trong phát triển du lịch canh nông tại Lâm Đồng
Đây là mục tiêu có thể đạt được của tỉnh Kon Tum. Đại diện của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, nhiều chương trình kích cầu đã thu hút du khách, các sản phẩm du lịch mới trên vùng đất phía bắc Tây Nguyên đang hấp dẫn du khách gần xa ghé thăm.
Điều này thấy rõ khi trong dịp nghỉ lễ lớn vừa qua, tỉnh Kon Tum đã đón vị khách thứ 500.000 tại thị trấn Măng Đen huyện Kon Plông. Đây là địa phương đang có sức hút lớn trong du lịch.
Đại diện Công ty TNHH du lịch Ngọc Linh Kon Tum, ông Nguyễn Ngọc Long cho hay: “Mục tiêu của tỉnh Kon Tum đặt ra có thể được hoàn thành sớm. Du khách chọn Kon Tum làm điểm đến ngày càng nhiều, nhất là khách nội địa. Du lịch đang mang đến sự đổi thay ở nông thôn lẫn thành thị của tỉnh.”
Hiện nay, Kon Tum đã xây dựng được các sản phẩm như du lịch sinh thái, du lịch tham quan, dã ngoại các Vườn quốc gia Chư Mom Ray, điểm du lịch thác Pa Sỹ - Măng Đen, điểm du lịch Hồ Đăk Ke - Măng Đen… Các sản phẩm du lịch cộng đồng đưa du khách khám phá đời sống, văn hóa cư dân bản địa với cồng chiêng mang hơi thở đại ngàn, ẩm thực truyền thống, không gian thiên nhiên thoáng đãng cũng được tận dụng tối đa.
Du khách đến Kon Tum cũng được trải nghiệm 12 điểm du lịch cộng đồng như Làng du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), Làng du lịch cộng đồng Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum), Điểm du lịch A Biu (xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum),...
Theo nhận định của Vietravel năm 2023, các chuyến đi “ngoài vùng phủ sóng” sẽ được tìm kiếm nhiều hơn. Theo khảo sát của đơn vị, có 61% khách du lịch muốn chuyến du lịch quay về với những gì cơ bản nhất, theo phong cách “ngoài vùng phủ sóng” để tạm ngắt kết nối và trải nghiệm cuộc sống tối giản.
Đón bắt xu hướng, tại ngôi làng cổ đẹp nhất Tây Nguyên, với tuổi đời trên 300 năm đang bắt tay vào làm du lịch. Anh A Kâm, Tổ trưởng tổ hợp tác du lịch làng du lịch cộng đồng Kon K’tu xã Đăk Rơ Wa, TP. Kon Tum cho biết làng hiện có 150 hộ dân, trong đó có 6 hộ làm homestay, những hộ dân còn lại cũng rất tích cực, cùng nhau phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa của dân tộc.
Kon Tum cũng đã xây dựng cho mình những lợi thế nhất định, ông Đỗ Văn Minh- Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Tỉnh Kon Tum xác định, khai thác các yếu tố văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, cảnh quan thiên nhiên phục vụ phát triển du lịch ở khu vực nông thôn. Trong đó phải đảm bảo tính hợp lý, nhằm bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị văn hóa truyền thống. Tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các điểm du lịch, đảm bảo hài hòa với không gian, đặc trưng văn hóa của địa phương. Ưu tiên các mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương và có hiệu quả kinh tế. Nâng cao ý thức và trách nhiệm của các thành phần trong chuỗi giá trị du lịch để nâng cao hiệu quả”.
Có thể bạn quan tâm