Tạo tăng trưởng xanh cho du lịch Nghệ An
Để đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, Nghệ An đã vẽ sẵn “phác đồ” để đạt mục tiêu này.
Nghệ An vừa phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung ký tại Quyết định số 1439 QĐ.UBND. Chiến lược được chia thành 2 giai đoạn; 4 hướng phát triển về không gian và 7 loại hình sản phẩm chính.
Tiềm năng gợi mở
Theo đó, Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, là điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa Nghệ An. Đến năm 2035 Nghệ An sẽ trở thành một điểm đến của du lịch Châu Á và thế giới, một điểm sáng, đi đầu về phát triển kinh tế di sản và du lịch của Việt Nam, phát triển mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng cao để nâng tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 10 - 12%...
Những mục tiêu này được tỉnh Nghệ An xác định làm tiền đề, tạo thế và lực để đến năm 2030 đưa ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác.
Những điều kiện “thiên thời, địa lợi” nói trên đã góp phần cho Nghệ An có thể định hướng phát triển ngành du lịch trong tương lai theo 03 hướng chủ đạo gồm: Du lịch văn hóa-lịch sử, tâm linh: Khu du lịch quốc gia Kim Liên, đền ông Hoàng Mười, chùa Đại Tuệ và đặc biệt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và thể thao biển: chú trọng phát triển các dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao bãi biển; xây dựng tổ hợp vui chơi giải trí và cáp treo Vinpearl Cửa Hội; Khu du lịch sinh thái Bãi Lữ; khu du lịch Biển Quỳnh. Du lịch sinh thái, mạo hiểm gắn với cộng đồng, trong đó, điểm nhấn mang tính đặc trưng của Nghệ An là tour du lịch săn mây, khám phá chốn bồng lai tiên cảnh trên đỉnh Puxailaileng - ngọn núi cao 2720m trên dãy Trường Sơn Bắc…
Phát triển du lịch bền vững
Cũng theo quy hoạch, địa phương sẽ phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái cộng đồng, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, để tạo được xu thế phát triển tăng trưởng xanh cho ngành du lịch, nhiều vấn đề liên quan đến quy hoạch, hạ tầng cơ sở, chuyển đổi số… cũng phải hình thành mở lối đi trước. Mục tiêu làm sao để giữ chân du khách thập phương khi đến với Nghệ An.
Ngay vấn đề phát triển mô hình du lịch nông nghiệp – lĩnh vực mới, nhiều tiềm năng cũng chưa được tỉnh Nghệ An quan tâm, định hướng cụ thể để phát triển bởi địa phương chưa có đề án, chương trình nào về phát triển loại hình này. Chưa kể, vấn đề tạo “vốn mồi” cho các mô hình du lịch mới, có tiềm năng vẫn còn hạn chế…
Theo ông Dư Thái Hùng – Giám đốc Trung tâm CNTN Mobifone, thực tiễn khi triển khai chuyển đổi số trong du lịch tại các địa phương và Nghệ An cũng không nằm ngoại lệ còn nhiều vấn đề đáng quan tâm.
“Những thách thức lớn hiện nay chủ yếu đến từ nguồn lực (bao gồm nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực); rào cản trong văn hoá doanh nghiệp; thiếu hụt dữ liệu (bao gồm các báo cáo, phân tích thông tin); tầm nhìn người lãnh đạo và tâm lý trong việc tiếp cận ứng dụng…” – ông Dư Thái Hùng nêu vấn đề về thực tiễn triển khai hạ tầng chuyển đổi số trong du lịch cho địa phương.
Ông Nguyễn Đức Hiển - Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Nghệ An cho rằng, lâu nay, chúng ta mới chỉ thu hút khách bình dân theo mùa vụ chứ chưa níu được chân khách du lịch lưu trú dài ngày. Do đó, để phát triển du lịch được bài bản, chuyên nghiệp thì khâu quy hoạch cần có cái nhìn ở tầm vĩ mô hơn nữa.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Nghệ An cần phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ mới, làm mới các dòng sản phẩm chủ đạo nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch phù hợp với từng phân khúc thị trường.
Có thể bạn quan tâm