Quảng Ninh nâng tầm sản phẩm OCOP bằng du lịch
Nhằm tạo dựng thương hiệu cho hàng hóa của tỉnh và phát triển du lịch bền vững, Quảng Ninh đã chọn giải pháp trọng tâm quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch.
>>>Quảng Ninh sắp mở đường bay Hạ Long ra Cô Tô
Lợi thế từ nguồn sản phẩm
Chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh từ một Đề án đã trở thành Chương trình phát trển kinh tế quan trọng của tỉnh ở khu vực nông nghiệp, nông thôn mang bản sắc riêng của mình.
Với lợi thế 569 sản phẩm thuộc 6 nhóm tham gia chương trình OCOP; trong đó có 336 sản phẩm đạt từ 3-5 sao gồm: 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp Trung ương, 87 sản phẩm đạt 4 sao và có 246 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2022 đã có 30 tổ chức mới tham gia chương trình OCOP tại 12/13 địa phương (vượt 15 đơn vị so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2022). Toàn tỉnh có 219 chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP (trong đó: có 54 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã, 78 hộ sản xuất).
Bên cạnh đó, Quảng Ninh có 14 vùng trồng cây ăn quả cho sản lượng khoảng 4.500 tấn/năm. Sản lượng khai thác thủy sản trung bình hằng năm đạt trên 145.000 tấn. Tỉnh cũng đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Hiện nay, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng các công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt... Tỉnh có 3 cơ sở đóng gói hoa quả tươi; 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh tập trung quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng và quản lý nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu mạnh, chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường.
Từ đó, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất... Với nhiều sản vật, đặc sản mang tính vùng miền độc đáo, tận dụng lợi thế này, tỉnh luôn chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm gắn với lợi thế bản địa, từ đó thúc đẩy kết nối thị trường, tạo sự phát triển bền vững cho từng sản phẩm OCOP.
Nâng tầm sản phẩm OCOP
Từ những lợi thế trên tỉnh Quảng Ninh chú trọng triển khai kết nối các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch, nhằm góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách, vừa phát triển kinh tế, quảng bá sản phẩm địa phương.
Ngay từ đầu mùa du lịch năm 2023 bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống như du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, tâm linh... nhiều điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm trên địa bàn tỉnh cũng thu hút đông du khách. Trong đó, loại hình du lịch sinh thái gắn với tham quan, tìm hiểu, mua sắm các sản phẩm OCOP đang tạo được ấn tượng với du khách trong và ngoài tỉnh.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Bùi văn Hà - Chủ tịch HĐQT Trung tâm OCOP Central Hạ Long, cho biết, để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP, chúng tôi đã ký kết với một số đơn vị lữ hành lớn trên cả nước, trong đó có Vietravel, đưa du khách đến trải nghiệm mua sắm tại trung tâm. Vào những ngày thấp điểm, chúng tôi đón khoảng 2.000-4.000 khách, còn những ngày cao điểm như cuối tuần và dịp nghỉ lễ chúng tôi đón khoảng 7.000-10.000 du khách tới mua sắm. Khi đưa các sản phẩm OCOP gắn với du lịch đều nhận được đánh giá cao của du khách và sức tiêu thụ lớn. Đồng thời, kéo theo nhiều dịch vụ khác phát triển như tàu, khách sạn, nhà hàng…
Cũng tại tour trải nghiệm vùng trồng ổi tại xã Sơn Dương (TP Hạ Long), du khách Hoàng Văn Dũng chia sẻ, đến với du lịch Hạ Long, đoàn chúng tôi được tham gia tour trải nghiệm hái ổi OCOP ở Sơn Dương. Đến đây được tham quan những vườn ổi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, cũng là sản phẩm OCOP Quảng Ninh hạng 4 sao, được hái ổi thưởng thức ngay tại vườn và mua mang về. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tham gia nhiều hoạt động khác như câu cá, cắm trại, cùng làm các loại bánh địa phương, phải ghi nhận đây là tour du lịch rất ấn tượng và hấp dẫn.
Còn tại vườn dâu tằm ở xã Tràng An, đây là điểm du lịch thu hút khá đông du khách đến chụp ảnh, hái dâu, tham quan xưởng sản xuất rượu dâu tằm - sản phẩm OCOP 4 sao nổi tiếng của TX Đông Triều.
>>>Quảng Ninh: "Bàn giải pháp" đủ điện phục vụ doanh nghiệp và người dân
>>>Quảng Ninh: Nhiều hoạt động kích cầu du lịch
Anh Nguyễn Lê Huy Hoàng, Giám đốc HTX Sản xuất và kinh doanh Huy Hoàng, chia sẻ: Là một trong những doanh nghiệp phát triển sản phẩm rượu tham gia chương trình OCOP, thời gian qua chúng tôi luôn chú trọng đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng cho các sản phẩm của mình. Việc du khách đến tận nơi, tham quan mô hình sản xuất đã giúp chúng tôi quảng bá trực tiếp sản phẩm đến người tiêu dùng, tiết kiệm được nhiều chi phí.
Được biết, để phát huy hết lợi thế, Quảng Ninh tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến thương mại gắn với không gian, sự kiện du lịch và hướng tới du khách. Điển hình là các hội chợ OCOP lớn, được tổ chức vào dịp 30/4 và nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 hằng năm, thu hút hàng trăm nghìn lượt người dân, du khách tham quan, mua sắm. Doanh thu của các hội chợ năm sau đều cao hơn năm trước. Riêng Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2023 đã thu hút được trên 55.000 lượt khách, doanh thu đạt 17,4 tỷ đồng.
Sản phẩm OCOP còn được chú trọng giới thiệu tại các lễ hội du lịch thường niên của các địa phương trong tỉnh như Lễ hội Trà hoa vàng (huyện Ba Chẽ), Hội đình Tràng Y (xã Đại Bình), Hội văn hóa các dân tộc huyện Đầm Hà, Lễ hội đền Cửa Ông, Hội Hoa sở Bình Liêu... Ngoài ra, sản phẩm OCOP cũng được quảng bá sâu rộng tại các sự kiện lớn như: Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 tại Quảng Ninh; Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17 tổ chức tại Quảng Ninh; các tuần xúc tiến sản phẩm du lịch trong và ngoài nước…
Hiện toàn tỉnh có khoảng 30 trung tâm và điểm bán hàng OCOP. Cùng với đó, tại các dự án khu dừng nghỉ du lịch đều kết hợp giới thiệu sản phẩm OCOP Quảng Ninh. Qua đó, không chỉ góp phần làm phong phú cho tour, tuyến du lịch, tăng sức hút với du khách, mà còn giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Được biết, thời gian tới, để du lịch song hành, thúc đẩy tiêu thụ hiệu quả sản phẩm OCOP, Quảng Ninh tiếp tục có nhiều cơ chế hỗ trợ để đưa sản phẩm OCOP vào các trung tâm, điểm bán và giới thiệu sản phẩm tại mỗi địa phương, đặc biệt ở các khu vực sân bay, khu du lịch. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng phối hợp chặt chẽ với Sở Du lịch và các địa phương đẩy mạnh kết nối chương trình, tuyến du lịch, nhằm đưa du khách đến tham quan, mua sắm tại các trung tâm, cửa hàng OCOP trên địa bàn; trải nghiệm ngay tại các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP.
Có thể bạn quan tâm