“Gỡ vướng” du lịch xanh Quảng Nam

TUẤN VỸ 11/06/2023 03:00

Là địa phương tiên phong về phát triển du lịch xanh, song doanh nghiệp và chính quyền Quảng Nam vẫn còn nhiều lúng túng trong công tác đẩy mạnh sản phẩm, điểm đến xanh theo định hướng.

>>Cải thiện môi trường du lịch Quảng Nam

Sau hơn 2 năm phát triển du lịch xanh theo Kế hoạch 5177, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh và cấp chứng nhận cho 11 đơn vị.

p/Để định hướng du lịch xanh tại Quảng Nam tiếp tục phát triển đúng định hướng, cần có thêm nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp bên cạnh việc thay đổi tiêu chí đánh giá. (Du khách nước ngoài thích thú tham quan làng rau Trà Quế. Ảnh: LĐ)

Để định hướng du lịch xanh tại Quảng Nam tiếp tục phát triển đúng định hướng, cần có thêm nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp bên cạnh việc thay đổi tiêu chí đánh giá. (Du khách nước ngoài thích thú tham quan làng rau Trà Quế. Ảnh: LĐ)

Vướng mắc tiêu chí

Đến nay, đã có thêm 20 đơn vị nộp hồ sơ để xét duyệt chứng nhận đạt tiêu chí du lịch xanh. Tuy nhiên, con số này vẫn khá khiêm tốn so với những lợi thế về mặt số lượng doanh nghiệp và hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú trên địa bàn.

Nguyên nhân được các doanh nghiệp đưa ra là vẫn còn thiếu cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị chuyển đổi mô hình du lịch xanh. Hiện tại, doanh nghiệp đang tham gia trên tinh thần tự nguyện thông qua sự vận động của cơ quan chức năng. Cùng với đó là một số tiêu chí cần được chính sửa để phù hợp hơn trong hoạt động của doanh nghiệp.

Theo ông Trần Thái Do, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Á Đông Villas (chủ đầu tư Silk Sense Hội An River Resort), một số tiêu chí du lịch xanh chưa phù hợp, vì nó có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng. “Các tiêu chí tiết giảm liên quan đến sinh hoạt của khách (ví dụ tiết kiệm nước) nếu thực hiện sẽ giúp đơn vị tiết kiệm nhưng lại ảnh hưởng đến sự thoải mái của du khách. Nên chăng điều chỉnh các tiêu chí này cho phù hợp. Cùng với đó là cần đảm bảo giá trị của đội ngũ đánh giá, thẩm định bộ tiêu chí”, ông Do đề xuất.

Ở góc độ địa phương, bà Phạm Thị Ngọc Dung, Phó Trưởng phòng Văn hóa – thông tin TP. Hội An cho hay công tác vận động doanh nghiệp nhỏ tham gia chuyển đổi mô hình du lịch gặp nhiều khó khăn. Lý giải về việc này, bà Dung cho biết chi phí chuyển đổi đối với doanh nghiệp là khá cao trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp có quy mô, diện tích, không gian nhỏ nên khó có chỗ xử lý rác hữu cơ,...

Cùng với đó là vấn đề thiếu nguồn nhân lực trước và sau dịch nên hiện nay doanh nghiệp vẫn dùng nhựa sử dụng một lần. Đồng thời, nhận thức của khách du lịch không tương đồng giữa các thị trường chính đến với địa phương.

Đại diện Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết Quảng Nam là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành bộ tiêu chí đánh giá du lịch xanh cấp tỉnh nên không thể tránh khỏi những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Theo đó, thời gian thực hiện kế hoạch này sẽ còn kéo dài hơn 2 năm, đơn vị sẽ tiếp thu, rà soát để cập nhật, chỉnh sửa phù hợp.

Hỗ trợ thế nào?

Theo bà Phạm Thị Ngọc Dung, Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch Quảng Nam cần sớm tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp và điểm đến làm du lịch xanh như miễn, giảm thuế,... Ngoài ra, Sở cũng cần thành lập các nhóm tư vấn chuyên môn hỗ trợ doanh nghiệp theo từng nhóm lĩnh vực. Đối với bộ tiêu chí du lịch xanh, công tác truyền thông về du lịch xanh của Quảng Nam và các cơ sở đã thực hành du lịch xanh còn chưa tốt, cần có biện pháp tăng cường tuyên truyền, cần làm việc với các trang mạng lớn (booking, agoda...) để thay đổi truyền thông, ưu tiên vị thế trong “top” đặt phòng.

Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất phương án vận động thành lập quỹ phát triển nông nghiệp và du lịch xanh, trong đó nông nghiệp thuận tự nhiên là chất liệu làm sản phẩm du lịch sáng tạo. Cùng với đó, địa phương cần có chương trình hành động hậu chứng nhận du lịch xanh, như hội chợ quốc tế du lịch xanh, phát triển kênh truyền thông đến thị trường quốc tế và có cơ chế giảm phí tổn cho doanh nghiệp chuyển đổi cơ chế vận hành. Ngoài ra, cần có Hội đồng kiểm toán du lịch xanh như một tổ chức đánh giá chuyên môn độc lập, trực tiếp đệ trình UBND tỉnh. Đồng thời, cần có cơ chế tín dụng xanh cho doanh nghiệp chuyển đổi du lịch xanh, hỗ trợ phí tổn thay đổi cơ chế vận hành và xây dựng hệ thống giải pháp giảm thiểu “dấu chân carbon” thông qua sản phẩm quà tặng du lịch.

Trong khi đó, ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Santa Sea Villa đề cập đến phương án phát triển tài nguyên du lịch cộng đồng tại Quảng Nam với trung tâm là TP. Hội An. Theo đó, cần hoàn thiện bản đồ tour tuyến số kết nối Hội An đến các điểm đến du lịch xanh trên toàn địa bàn tỉnh để hỗ trợ khách du lịch trong quá trình di chuyển. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng cần có cơ chế hỗ trợ kết nối giao thông, ví dụ như tuyến bus từ Hội An đi các địa phương; tăng cường công tác hỗ trợ du khách; Đồng thời có thể dùng đội ngũ nhân sự của ngành du lịch để làm “đại sứ” tuyên truyền về du lịch xanh.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết mục tiêu trong phát triển du lịch xanh cũng như định vị bộ tiêu chí là hướng đến tầm quốc tế, chứ không chỉ trong phạm vi hạn hẹp. Do đó, rất cần tiếp thu những kinh nghiệm, cách làm hay để lan tỏa cho được bộ tiêu chí này. Từ nay đến 2025, địa phương sẽ trình một Nghị quyết HĐND để có cơ chế hỗ trợ thực hiện du lịch xanh, nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung các quy định về du lịch xanh.

Có thể bạn quan tâm

  • Vẫn thiếu cơ chế cho du lịch xanh Quảng Nam

    Vẫn thiếu cơ chế cho du lịch xanh Quảng Nam

    07:00, 30/05/2023

  • Gia Lai: Du lịch xanh có lên ngôi?

    Gia Lai: Du lịch xanh có lên ngôi?

    02:30, 30/03/2023

  • Khu du lịch Hồ Hòa Bình: Điểm hẹn du lịch xanh

    Khu du lịch Hồ Hòa Bình: Điểm hẹn du lịch xanh

    01:30, 23/04/2023

TUẤN VỸ