Quảng Ninh: Gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực du lịch
Ngành Du lịch Quảng Ninh đang phục hồi mạnh mẽ, nhưng để du lịch đóng góp nhiều hơn cho sự tăng trưởng kinh tế thì vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phải được đặt lên hàng đầu.
>>>Quảng Ninh: Tăng cường phát triển mô hình du lịch sinh thái
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện nay ngành du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người. Đến năm 2025, nhu cầu lao động tại các cơ sở lưu trú du lịch dự kiến sẽ đạt trên 800.000 người, và đến năm 2030 sẽ lên tới hơn 1 triệu.
Tại Quảng Ninh, theo Sở Du lịch Quảng Ninh, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, ngành du lịch có khoảng 63.000 lao động, trong đó có 26.000 lao động trực tiếp. Tuy nhiên, tổng kết năm 2022 con số đó chỉ còn khoảng hơn 16.000 người.
Trong khi đó, theo dự báo, đến năm 2025, nhu cầu nhân lực ngành du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ lên tới 84.787 người. Đây là con số đáng báo động về tình trạng “lệch pha” nguồn nhân lực cho ngành du lịch địa phương này khi số lượng tour du lịch cùng nhu cầu lưu trú của khách đang tăng vọt sau đại dịch COVID-19.
>>>Quảng Ninh: Ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch
Như vậy, Quảng Ninh đang đứng trước một thách thức rất lớn đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực cho ngành du lịch, nhất là nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu, chuyên nghiệp.
Để giải cơn “khát” nhân lực cho ngành du lịch, thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang tập trung tăng quy mô tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo nhóm ngành nghề này. Bên cạnh đó, để tăng quy mô đào tạo nhân lực cho nhóm ngành “công nghiệp không khói” này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đã liên kết với doanh nghiệp, tạo cơ hội cho sinh viên được thực tập tại các cơ sở kinh doanh du lịch, tiếp cận môi trường làm việc thực tế; qua đó hoàn thiện kỹ năng nghiệp vụ. Đồng thời, liên tục tuyển sinh hệ sơ cấp và trung cấp ngành Kỹ thuật chế biến món ăn cùng các lớp bồi dưỡng ngắn hạn; mở lớp đào tạo các ngành hướng dẫn du lịch, quản trị khách sạn.
Theo đại diện Trường Đại học Hạ Long, để đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhà trường thường xuyên mời các chuyên gia là giám đốc, quản lý, điều hành, đầu bếp, trưởng các bộ phận trong doanh nghiệp du lịch giảng dạy cho sinh viên và tham gia vào các khâu khác trong quy trình đào tạo. Hiện có khoảng 40 doanh nghiệp du lịch lớn, nhỏ trên địa bàn đang ký kết hợp tác đào tạo với nhà trường. Vì vậy, sinh viên có môi trường thực hành rất sớm, ngay từ năm thứ hai đã được tiếp cận với các doanh nghiệp du lịch.
Cũng theo đại diện Trường Đại học Hạ Long, phía nhà trường cũng đã kiểm định thành công 2 chương trình đào tạo ngành du lịch gồm: ngành Quản trị khách sạn, Quản trị dịch nhà hàng và dịch vụ ăn uống.Ngoài ra, khoa Du lịch của trường cũng đã thiết kế, trình Bộ Giáo dục và Đào tạo chương trình đào tạo Thạc sĩ ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Ngành này đã được kiểm định và Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua cho phép tuyển sinh năm 2023.
Còn theo bà Mạc Thị Mận - Phụ trách Khoa Du lịch, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, việc định hướng ngành học cho học sinh là rất quan trọng. Cùng với việc đến tận các trường để giới thiệu, nhà trường chủ động đăng tải thông tin lên các trang mạng xã hội, giới thiệu đến các phụ huynh để tăng tỷ lệ tuyển sinh.
Thực tế hiện nay, ngành du lịch cả nước nói chung và du lịch Quảng Ninh nói riêng đang phục hồi mạnh mẽ. Hiện nhóm ngành du lịch, dịch vụ Quảng Ninh trở thành động lực tăng trưởng chính, chiếm tỷ trọng trên 30% trong GRDP của tỉnh.
Tuy nhiên, để du lịch đóng góp nhiều hơn cho sự tăng trưởng kinh tế, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch; nghiên cứu cơ chế hỗ trợ học phí, chỗ ở, ưu tiên việc làm sau tốt nghiệp đối với người lao động; tăng cường năng lực của hệ thống các cơ sở đào tạo du lịch, điều chỉnh, mở rộng quy mô đào tạo, linh hoạt trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh... Đồng thời, trên cơ sở chiến lược phát triển du lịch quốc gia và của doanh nghiệp cần đào tạo đáp ứng nhu cầu về số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Được biết, những năm gần đây, du lịch là một trong những ngành nghề được tỉnh Quảng Ninh khuyến khích đào tạo. Giai đoạn 2021-2025, học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú Quảng Ninh học hệ chính quy trình độ trung cấp hoặc cao đẳng du lịch tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn sẽ được tỉnh hỗ trợ từ 40-50% mức lương cơ sở/người/tháng.
Theo ông Đinh Trung Vũ - Giám đốc Marketing công ty Du thuyền Hải Đăng, việc hỗ trợ doanh nghiệp thu hút, đào tạo nguồn nhân lực đang được tỉnh Quảng Ninh triển khai mạnh mẽ. Về phía doanh nghiệp cũng sẽ phối hợp với tỉnh một cách tốt nhất có thể để thu hút nguồn nhân lực mới cũng như nguồn nhân lực cũ quay trở lại với những chế độ cao nhất có thể.
Còn theo đại diện Khoa du lịch, Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh, để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, trước tiên cần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giảng viên và hoàn thiện khung chương trình đào tạo. Hiện phía nhà trường đã và đang tập trung nâng cao trình độ chuyên môn đối với đội ngũ giảng viên thông qua đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng, trau dồi kinh nghiệm dạy nghề, kinh nghiệm thực tiễn tại doanh nghiệp. Các khung chương trình đào tạo được giảng viên của khoa tiến hành sửa chữa, hoàn thiện phù hợp với chuẩn đầu ra để học sinh, sinh viên sau khi ra trường đáp ứng tốt nhu cầu doanh nghiệp…
Có thể bạn quan tâm