“Đón đầu” du lịch golf

TUẤN VỸ 08/07/2023 02:30

Theo số liệu của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch đã đón gần 3,7 triệu lượt khách quốc tế, trong đó có đến 30 - 40% là khách chơi golf.

>>Việt Nam - Điểm đến du lịch golf quốc tế

Du lịch golf đang trở thành xu thế mới. Tuy nhiên để đón đầu xu thế này, nhiều chuyên gia cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm tháo gỡ khó khăn, rút ngắn thủ tục để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng sân golf một cách bài bản.

p/Du lịch golf thu hút được lượng lớn khách du lịch hạng sang trong nước và quốc tế. (Ảnh: Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng 2022)

Du lịch golf thu hút được lượng lớn khách du lịch hạng sang trong nước và quốc tế. (Ảnh: Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng 2022)

Tiềm năng lớn

Con số trên cho thấy lĩnh vực du lịch golf đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của khách du lịch. Vì vậy, các nhà đầu tư, địa phương sở hữu sân golf bài bản, quy mô sẽ có nhiều ưu thế để trở thành điểm đến thường xuyên đối với phân khúc khách du lịch hạng sang trong tương lai.

Ông Steve Wolstenholme, CEO Hoiana Resort & Golf nhìn nhận với lợi thế bờ biển dài 3.260km, địa hình đa dạng với 3/4 là đồi núi, cùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, phong cảnh tự nhiên đẹp, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch golf. Là một đơn vị hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, vị này cho rằng địa phương có nhiều ưu thế để phát triển du lịch nói chung và du lịch golf nói riêng nhờ vào địa hình phong phú, khí hậu đa dạng, tài nguyên đất đai lớn, kết nối hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh và dễ tiếp cận.

“Hiện Quảng Nam mới chỉ có 3 dự án sân golf, trong đó có Hoiana Shore Golf Club (HSGC) thuộc khu nghỉ dưỡng Hoiana, nhưng đã thu hút một lượng lớn du khách đam mê bộ môn này, đặc biệt là khách quốc tế. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, sân golf tại Hoiana đã đón 12.500 lượt khách tới để trải nghiệm du lịch golf, trong đó 95% là khách quốc tế”, ông Steve Wolstenholme thông tin.

Cũng theo ông Steve Wolstenholme, để mảng du lịch golf và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp thu hút nhiều khách du lịch hơn, các địa phương cần có một chiến dịch truyền thông riêng biệt và định vị rõ ràng. Ngoài ra, cần phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ phụ trợ hơn nữa như ăn uống, mua sắm, thể thao,...

“Việc thiếu các hoạt động vui chơi giải trí về đêm cũng là một điểm cần cải thiện trong việc giữ chân và thúc đẩy chi tiêu của du khách. Vì vậy, việc phát triển dịch vụ phụ trợ và đa dạng hóa loại hình giải trí về đêm cần phải được chú trọng hơn nữa. Đối với du lịch golf, để phát huy hết tiềm năng vốn có, chúng ta cần tăng cường liên kết giữa các sân golf trong khu vực miền Trung, tạo ra một “tour” trải nghiệm xuyên suốt cho các du khách đam mê bộ môn này”, ông Steve Wolstenholme đề xuất.

>>Phát triển du lịch golf thành sản phẩm thế mạnh của Việt Nam

Cần cở mở chính sách

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay trong những năm vừa qua, việc thu hút khách du lịch vào Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói riêng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với du khách nước ngoài. Tuy nhiên, khách du lịch chơi golf đang có xu hướng gia tăng, nhất là trong mùa du lịch của Quảng Nam.

“Thời gian qua, Quảng Nam thu hút được khá nhiều nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, việc đầu tư sân golf còn một số khó khăn bởi quy hoạch còn chưa được nhanh so với tốc độ phát triển của xã hội. Ngoài ra, các nhà đầu tư về sân golf vẫn còn nhiều khó khăn trong hoạt động, như vướng mắc pháp lý, nguồn lực đầu tư và tiếp cận đất đai…. Vì vậy, các chính sách, pháp lý cần sớm được tháo gỡ để phát triển du lịch golf theo đúng định hướng”, ông Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Phạm Thành Trí, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam (VTGA) chỉ ra một số khó khăn để phát triển du lịch golf, như hầu hết các công ty lữ hành chưa quan tâm mạnh mẽ đến du lịch golf. Cùng với đó, nguồn nhân lực du lịch chưa được đào tạo đầy đủ về golf, các sản phẩm du lịch golf nghèo nàn, đơn giản. Các thành phần của ngành du lịch miền Trung chưa kết nối với golf. Truyền thông về du lịch golf còn thiếu và yếu, chưa sử dụng công nghệ trong du lịch golf…

Đặc biệt, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần nghiên cứu trình Chính phủ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với người chơi golf là khách du lịch từ 20% xuống 10%, hay 5% hoặc thậm chí là miễn loại thuế này để góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho du lịch Việt Nam trong quá trình thu hút khách du lịch cao cấp.

Để thúc đẩy phát triển du lịch golf, ông Phạm Thành Trí đề xuất các doanh nghiệp cần chủ động đào tạo nguồn nhân lực du lịch golf để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch golf quốc tế và trong nước. Đồng thời, truyền thông ở Việt Nam để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân hiểu golf là một thể thao và là một ngành kinh tế xuất khẩu dịch vụ tại chỗ như chơi golf, ăn uống, tham quan cho khách du lịch golf quốc tế... để có chính sách khuyến khích phát triển hoạt động này.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Khai thác tối đa thị trường du lịch golf

    Quảng Ninh: Khai thác tối đa thị trường du lịch golf

    03:10, 18/04/2023

  • Hà Nội kỳ vọng bứt phá với du lịch golf

    Hà Nội kỳ vọng bứt phá với du lịch golf

    03:00, 15/04/2023

  • Đề xuất giảm mức thuế để tăng sức cạnh tranh của du lịch golf

    Đề xuất giảm mức thuế để tăng sức cạnh tranh của du lịch golf

    16:19, 02/04/2023

  • Phát triển du lịch Golf: Cần có lộ trình và kế hoạch rõ ràng

    Phát triển du lịch Golf: Cần có lộ trình và kế hoạch rõ ràng

    02:00, 01/04/2023

TUẤN VỸ