Quảng Nam cơ cấu ngành du lịch theo hướng bền vững
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch Quảng Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững.
>>Hình thành con đường du lịch xanh miền Trung
Tỉnh Quảng Nam ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Cụ thể, địa phương sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch Quảng Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững.
Tại kế hoạch lần này, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với địa phương, tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu, điểm du lịch. Ngoài ra, ngành du lịch cũng chú trọng phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch,...
Đối với các hoạt động du lịch cụ thể, Quảng Nam sẽ xây dựng kịch bản nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch. Song song với đó là đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.
Với du lịch xanh, ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam cho hay trong quá trình triển khai vận động doanh nghiệp tham gia chuyển đổi định hướng, sản phẩm, dịch vụ theo hướng du lịch xanh hiện vẫn còn một số vấn đề. Thứ nhất, việc chuyển đổi từ mô hình hiện tại sang du lịch xanh là một quá trình khá thâm dụng tâm sức và thời gian, cần sự thay đổi trong tư duy của các lãnh đạo doanh nghiệp, thay đổi cách thức quản trị và các quy trình trong doanh nghiệp, truyền thông nội bộ và huấn luyện lại nhân sự, thay đổi cả sản phẩm dịch vụ và marketing.
Tuy nhiên, do tác động nặng nề của Covid-19, phần lớn các doanh nghiệp du lịch địa phương đang trong giai đoạn khắc phục hậu quả, vì vậy việc chuyển đổi mô hình sang hướng phát triển du lịch xanh chưa nằm trong mối quan tâm ưu tiên của doanh nghiệp. Đây là rào cản lớn ảnh hưởng đến việc vận động doanh nghiệp tham gia thực hiện Bộ tiêu chí du lịch xanh trong thời gian qua.
Thứ hai, để thuyết phục doanh nghiệp chuyển đổi theo hướng du lịch xanh, cần xác định rõ những lợi ích mà họ nhận được. Thực tế là chỉ cần doanh nghiệp quyết định và thông tin đến khách hàng, đối tác, nội bộ về việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ mang tính bền vững; doanh nghiệp đó đã được tạo được ấn tượng tốt hơn về thương hiệu của mình – đây là những giá trị khó đo đếm được.
“Tuy nhiên, do quy mô và tầm nhìn khác nhau, không phải tất cả các doanh nghiệp đều ghi nhận được giá trị vô hình đó. Vì vậy, cần có thêm sự động viên, hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương, Hiệp hội Du lịch để doanh nghiệp có thêm động lực áp dụng các bộ tiêu chí du lịch xanh. Thiết thực và hiệu quả nhất là những chiến dịch truyền thông đúng mức độ, trúng mục tiêu về điểm đến xanh, kết hợp giới thiệu những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo hướng bền vững. Trong dài hạn, Quảng Nam cần xây dựng một chiến lược bài bản để phát triển du lịch bền vững, chiến lược này liên quan đến cả vấn đề quy hoạch, chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm, truyền thông và marketing; tất cả đều phải đảm bảo tính bền vững về kinh tế-xã hội-môi trường”, ông Phan Xuân Thanh nói.
Thứ ba, bên cạnh cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam luôn hướng đến hỗ trợ các huyện, thành phố phát triển điểm du lịch dựa vào cộng đồng trên cơ sở xem xét tài nguyên du lịch của địa phương, khả năng tiếp cận đến nhóm thị trường mục tiêu cụ thể. Đây là một nhiệm vụ quan trọng bởi phát triển du lịch bền vững đồng nghĩa với việc chia sẻ lợi ích kinh tế từ ngành du lịch với các cộng đồng yếu thế hơn, xem du lịch là công cụ giúp tăng động lực bảo vệ môi trường tự nhiên, gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa bản địa.
“So với doanh nghiệp, đưa hướng tiếp cận du lịch bền vững đến với các cộng đồng còn khó khăn hơn vì ở đó là tập hợp của nhiều thành phần, nhiều đối tác với mức độ hiểu biết về ngành du lịch khá khác nhau. Sự nhẫn nại, bền bỉ, tôn trọng cộng đồng của nhóm dự án là những yếu tố then chốt giúp bà con tự tin, tự hào, sáng tạo phát triển những sản phẩm du lịch hấp dẫn dựa trên văn hóa của dân tộc mình, nhờ du lịch bền vững mà những giá trị văn hóa bản địa được bảo tồn nguyên vẹn”, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam nói thêm.
Để ngành du lịch Quảng Nam tiếp tục phát triển bền vững, địa phương sẽ lên kế hoạch định kỳ 2 năm 1 lần, ngành du lịch sẽ thực hiện công tác điều tra thông tin về khách du lịch theo chương trình điều tra thống kê quốc gia và triển khai áp dụng tài khoản vệ tinh du lịch theo khuyến nghị của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO).
Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng giao Sở GTVT đề xuất giải pháp thúc đẩy đầu tư, nâng cấp mở các đường bay quốc tế đến Quảng Nam, hỗ trợ các hãng hàng không mở thêm các chặng bay nội địa mới từ Cảng hàng không Chu Lai đến một số tỉnh thành trọng điểm về du lịch nhằm tăng cường thu hút khách đến Quảng Nam.
Quảng Nam sẽ tập trung xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch Quảng Nam giai đoạn 2025 - 2030, xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Nam thành điểm đến xanh - sạch - độc đáo - an toàn - hấp dẫn và thân thiện với du khách để “làm hài lòng du khách, ấm lòng chủ nhà”. Đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp; hình thành các điểm đến vệ tinh với các trung tâm du lịch lớn nhằm lan tỏa, đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, văn hóa cộng đồng.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho hay cơ sở hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay đã được đầu tư và nâng cấp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Tính đến hiện nay, Quảng Nam có 845 cơ sở lưu trú với 17.195 phòng. Trong đó, có 54 cơ sở đạt tiêu chuẩn khách sạn 03 sao trở lên với 7.873 phòng, nhiều dịch vụ vui chơi giải trí mới, đa dạng.
Hiện nay, Quảng Nam đang tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường du lịch trọng điểm trong và ngoài nước. Đa dạng hóa các thị trường khách đến Quảng Nam, tránh tình trạng phụ thuộc vào một số thị trường dẫn đến bị động trong trường hợp bị bão hòa hoặc thiên tai, dịch bệnh...
“Trong đó, phát triển mạnh thị trường khách du lịch nội địa và đa dạng thị trường khách quốc tế, tiếp tục thu hút khách đến từ thị trường truyền thống như Châu Âu, Châu Đại Dương và thị trường ASEAN, duy trì lượng khách đến từ khu vực Đông Bắc Á, mở rộng các thị trường mới và thị trường tiềm năng như: Ấn Độ, Trung Đông,...”, ông Hồng thông tin.
Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay ước tính có hơn 165 nghìn lượt khách tham quan, lưu trú tại các điểm đến trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trong đó, có hơn 116 nghìn lượt khách tham quan và hơn 49 nghìn lượt khách lưu trú, hơn 46,5 nghìn lượt khách quốc tế. Kỳ nghỉ lễ năm nay lượng khách đến Quảng Nam giảm nhẹ, đạt khoảng 87% so với cùng kỳ. Dù vậy, một tín hiệu tích cực là lượng khách quốc tế đã tăng 146% so với cùng kỳ. Lượng khách đến Quảng Nam ở kỳ nghỉ Quốc khánh năm nay tập trung chủ yếu vào 2 ngày đầu tiên (tức ngày 1 - 2/9) với tổng lượng khách tham quan, lưu trú đạt hơn 120 nghìn, ước đạt đến 75% tổng lượng khách toàn dịp lễ đến Quảng Nam. |
Có thể bạn quan tâm