Kích cầu mùa du lịch thấp điểm

MINH CHÂU thực hiện 09/10/2023 03:00

Mùa thu - đông (bắt đầu từ tháng 9, 10 đến hết tháng 3, 4 năm sau) vẫn thường được xem là mùa thấp điểm đối với du lịch nội địa nhưng lại được nhận định là mùa cao điểm đón khách quốc tế.

>>Nâng mục tiêu đón khách quốc tế, du lịch có kịp về đích?

Chia sẻ với DOANH NHÂN, ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho biết, bên cạnh việc áp dụng các chính sách ưu đãi cho khách, giải pháp tốt nhất để khắc phục tính thời vụ của du lịch là phát huy các giá trị tài nguyên địa phương, đặc biệt là các giá trị về văn hoá, lịch sử.

- Ngành du lịch bắt đầu bước vào thời kỳ thấp điểm trong năm sau một kỳ nghỉ hè và nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Ông có nhận định ra sao về tình hình chung của du lịch Việt Nam trong thời gian này, thưa ông?

Đối với doanh nghiệp chỉ phục vụ du khách trong nước, đây sẽ là thời điểm khá trầm lắng và đòi hỏi doanh nghiệp cần có chiến lược thích ứng và xoay chuyển linh hoạt, xây dựng những tour đặc sắc, hấp dẫn du khách.

Mặt khác, với tình hình bất ổn của kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng hiện nay, du lịch Việt vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, điều đó sẽ tiếp tục có sự ảnh hưởng không nhỏ đến du lịch quốc tế. Theo đó, không chỉ khách nội địa bị giảm sút mà lượng khách quốc tế đặt phòng cũng thấp do một số thị trường tiềm năng chưa phục hồi như kỳ vọng.

Nhìn chung, mùa thấp điểm năm nay, toàn bộ ngành du lịch Việt, các địa phương và doanh nghiệp sẽ phải rất tập trung để dồn lực vượt qua những thách thức trong mùa thấp điểm, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn.

- Bên cạnh những thách thức đặt ra, theo ông, du lịch mùa thấp điểm mở ra những cơ hội ra sao cho du lịch Việt Nam?

Những năm gần đây đã xuất hiện xu hướng một bộ phận người dân thích du lịch mùa "thấp điểm" để được hưởng khí hậu trong lành, không chen chúc đông đúc, ưu đãi giảm giá và chất lượng dịch vụ tốt. Đây là cơ hội để những người làm du lịch tạo ra các sản phẩm du lịch mới, tung chiêu khuyến mãi để hấp dẫn du khách, thu hút và mở rộng tệp khách hàng mới.

 Chương trình

Chương trình "Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội" nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 do Sở Du lịch phối hợp Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội và Câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức. Ảnh: Tuấn Anh

Bên cạnh đó, với ngành du lịch, thu đông đúng là mùa thấp điểm nhưng với các cơ quan, doanh nghiệp thì đây là thời điểm thích hợp để tổ chức du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo). Du lịch MICE được xem là giải pháp kích cầu cho mùa du lịch trầm lắng.

Thị trường nội địa cũng xuất hiện nhiều cơ hội với những nhu cầu du lịch mới. Các hình thức du lịch kết hợp với giáo dục truyền thống, tìm hiểu văn hóa, lịch sử và sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần gắn với chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội,... ngày càng được ưa chuộng nhiều hơn. Với sự phát triển đa dạng các hình thức, ngành du lịch có thể khắc phục những hạn chế về tính thời vụ trong du lịch trước đây, mở ra nhiều tiềm năng mới.

Mặt khác, đối với du khách quốc tế, chính sách nới lỏng thị thực mới ban hành được kỳ vọng sẽ mở đường cho rất nhiều luồng khách mới. Mới đây, trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam, quan hệ Việt - Mỹ đã được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện. Theo đó, "mỏ vàng" từ thị trường Mỹ sẽ tăng trưởng rất nhanh và cần tìm cách khai thác triệt để.

Ngoài ra, những thị trường trọng điểm như: Trung Đông, Nam Âu, Nam Mỹ, Nam Á (Ấn Độ), Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Châu Úc,... cũng được kỳ vọng sẽ khai thác tốt hơn trong thời gian tới.

- Để “làm nóng” du lịch mùa thấp điểm, nắm bắt những cơ hội đang có, du lịch Việt cần áp dụng những giải pháp thích ứng và phục hồi ra sao, thưa ông?

Việc chúng ta cần làm là tận dụng tốt cơ hội này để quảng bá, thu hút du khách đến Việt Nam. Bên cạnh việc áp dụng các chính sách ưu đãi cho khách, giải pháp tốt nhất để khắc phục tính thời vụ của du lịch là phát huy các giá trị tài nguyên địa phương, đặc biệt là các giá trị về văn hoá, lịch sử.

Các doanh nghiệp du lịch cần tập trung vào các tour văn hóa lịch sử, vừa phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, vừa phù hợp với mùa du lịch thấp điểm mưa bão nhiều trong những tháng cuối năm, du lịch biển đảo bị hạn chế.

Việt Nam cũng cần xem lại việc bảo tồn di sản, thiên nhiên, có đội ngũ nhân viên chuyên môn cao, tạo được những chương trình khám phá đa dạng cho du khách, có như vậy mới hy vọng trở thành thị trường du lịch sang trọng, đón được những vị khách chi trả cao và ở dài ngày.

Khi đa dạng thị trường khách ở nhiều quốc gia khác nhau, mỗi chương trình kích cầu, quảng bá đều phải được xây dựng dựa vào những hiểu biết sâu sắc về hành vi, nhu cầu sở thích của từng nhóm khách hàng mục tiêu.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần có cơ chế hợp tác, thống nhất mức giảm giá, thời gian giảm giá chung, công khai, minh bạch, bảo đảm chất lượng và ổn định tài chính của mỗi doanh nghiệp. Với tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực vươn lên của toàn ngành, chắc chắn rằng, du lịch Việt Nam sẽ bước qua khó khăn, “cán đích” mọi mục tiêu đã đề ra và hướng tới kết quả cao hơn nữa trong năm 2023.

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Đất đai: Cần có quy định cụ thể về đất phát triển hạ tầng du lịch

    Sửa Luật Đất đai: Cần có quy định cụ thể về đất phát triển hạ tầng du lịch

    04:00, 06/10/2023

  • Định hình tương lai bền vững của ngành du lịch và khách sạn

    Định hình tương lai bền vững của ngành du lịch và khách sạn

    14:11, 05/10/2023

  • Tạo bước đột pháp/phát triển toàn diện du lịch

    Tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch

    14:49, 03/10/2023

MINH CHÂU thực hiện