Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết: Phú Quốc là nơi thu hút phần lớn vốn đầu tư phát triển du lịch của cả tỉnh.
>>Kiên Giang: Ba trụ cột tăng điểm, tăng hạng PCI
Nhằm tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch của tỉnh đảm bảo tính bền vững, ngành du lịch tỉnh Kiên Giang đã tham mưu tỉnh nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức về nguồn lực, quy hoạch, kết cấu hạ tầng, quảng bá xúc tiến du lịch…
Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, tỉnh Kiên Giang xác định có 04 vùng du lịch trọng điểm gồm: vùng du lịch Phú Quốc, Hà Tiên - Kiên Lương; Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất; và vùng U Minh Thượng. Tính đến tháng 8, tỉnh đã thu hút 326 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng diện tích 9.902 ha và tổng vốn đầu tư là 377.392 tỷ đồng; trong đó có 76 dự án đã đi vào hoạt động; 82 dự án đang triển khai xây dựng; 168 dự án đang hoàn thiện các thủ tục…
Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết: Phú Quốc là nơi thu hút phần lớn vốn đầu tư phát triển du lịch của cả tỉnh, chiếm 87% dự án đầu tư trong toàn tỉnh. Tốc độ phát triển nhanh về thu hút đầu tư của Phú Quốc đã tạo nên sự phát triển chưa đồng đều cho các vùng du lịch. Điều này thể hiện ở lượng khách du lịch đến Kiên Giang trong những năm qua, đặt biệt là trong 8 tháng đầu năm, du lịch Kiên Giang đón trên 6 triệu 832 ngàn lượt khách. Riêng Phú Quốc đón trên 4 triệu 546 ngàn lượt khách, chiếm 66,53% tổng lượt khách du lịch đến Kiên Giang.
Đối với các vùng du lịch còn lại, mặc dù có nhiều lợi thế về tài nguyên và tiềm năng phát triển du lịch, nhưng công tác thu hút đầu tư du lịch còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, cụ thể: Việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch còn chậm; chưa có chính sách cụ thể để thu hút đầu tư nâng cấp và phát triển hạ tầng kết nối; nhiều địa phương trong vùng chưa xác định được quỹ đất phát triển du lịch...
Sản phẩm du lịch tuy có bước phát triển nhưng chưa phong phú, đa dạng; phần lớn sản phẩm du lịch dựa vào tài nguyên thiên nhiên sẵn có; nhiều nơi tài nguyên du lịch vẫn còn ở dạng tiềm năng. Kết cấu hạ tầng phát triển du lịch như giao thông, cấp điện, cấp nước sạch, khu xử lý rác thải,... ở khu vực đất liền và các đảo còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu cho đầu tư xây dựng, hình thành các cơ sở kinh doanh du lịch.
Công tác quảng bá xúc tiến du lịch còn nhiều hạn chế; chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và lực lượng lao động trong các vùng còn thấp; sự phối hợp trong quản lý hoạt động du lịch giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ; vấn đề ô nhiễm môi trường tuy có đầu tư cải thiện nhưng vẫn còn chậm...
Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang:
Ngành du lịch Kiên Giang phải có sự quản lý khoa học, phối hợp với các Sở, ban ngành UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh trong việc khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên du lịch; mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng, thế mạnh đầu tư vào các dự án phát triển du lịch của tỉnh một cách đồng bộ tại các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh, góp phần đưa du lịch phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Để có những giải pháp “hút” các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh, ông Bùi Quốc Thái cho rằng: Ngành du lịch phải có sự quản lý khoa học, phối hợp với các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh trong việc khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên du lịch; mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng, thế mạnh đầu tư vào các dự án phát triển du lịch của tỉnh một cách đồng bộ tại các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh, góp phần đưa du lịch phát triển bền vững.
Theo đó, người đứng đầu ngành Du lịch Kiên Giang đưa ra 4 giải pháp: Thứ nhất hoàn thành nội dung quy hoạch phát triển du lịch tỉnh tích hợp vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Luật Quy hoạch 2017; Chú trọng quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch ở các vùng du lịch trọng điểm; dành quỹ đất cho phát triển du lịch, để làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu và kêu gọi các dự án đầu tư phát triển du lịch tại các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh.
Thứ hai, triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án về phát triển du lịch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với trọng tậm là khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế để nâng cao chất lượng, đa dạng các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, và xem đây là yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư các dự án phát triển du lịch của tỉnh.
Thứ ba, tập trung huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại các vùng du lịch trong tỉnh. Trong đó, chú trọng đầu tư hệ thống giao thông, cầu tàu, bến cảng, cấp điện, cấp nước sạch, khu xử lý rác thải…. tại các khu vực trọng điểm du lịch của tỉnh.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực du lịch; cập nhật kiến thức và kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ công chức và nhân lực làm du lịch để đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển thông qua các chương trình đào tạo trong và ngoài nước; phối hợp với các cấp, các ngành trong việc kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch; tăng cường bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, xử lý tốt ô nhiễm từ rác thải và nước thải, xây dựng điểm đến du lịch văn minh, sạch đẹp, an toàn, thân thiện nhằm thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch đến với Kiên Giang.
Có thể bạn quan tâm