Chuyện lát đá vỉa hè Hà Nội: Sẽ hết kiểu “làm thì láo, báo cáo thì hay”?

Sông Hàn 10/01/2018 05:36

Sau khẳng định: "Có con ông cháu cha hưởng lợi trong việc lát đá vỉa hè", của người đứng đầu thành phố Hà Nội, người dân hy vọng UBND TP Hà Nội và cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ quy được trách nhiệm, xử nghiêm những tổ chức, cá nhân "làm lợi phi pháp" trong vụ việc này.

Hình ảnh xấu xí của Hà Nội khi gạch lát đá vỉa hè mới lá đã hư hỏng, xuống cấp.

Hình ảnh xấu xí của Hà Nội khi gạch lát đá vỉa hè mới lá đã hư hỏng, xuống cấp.

Lát đá vỉa hè là một chủ trương đúng đắn của Hà Nội. Nó không chỉ tạo bộ mặt khang trang cho thành phố, phục vụ du lịch, tạo diện mạo đường phố đô thị, mà còn phục vụ đời sống văn hóa của người dân, giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, chất lượng đá kém, việc thi công và quản lý kỹ thuật khi lát lại đá vỉa hè ở một số phố còn thiếu chặt chẽ, chưa kiểm tra, kiểm soát tốt về kỹ thuật, dẫn đến công trình bị hư hỏng, xuống cấp nhanh, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Có thể bạn quan tâm

  • “Con ông cháu cha” hưởng lợi lát đá vỉa hè Hà Nội: Xử lý cách nào?

    “Con ông cháu cha” hưởng lợi lát đá vỉa hè Hà Nội: Xử lý cách nào?

    12:50, 06/01/2018

  • Vụ đá vỉa hè "bền 70 năm” vừa lát đã vỡ: Bí thư Hà Nội yêu cầu truy trách nhiệm!

    09:31, 14/12/2017

  • Vỉa hè lát đá tự nhiên tại Hà Nội: Vì sao vừa lát đã nứt?

    09:00, 23/11/2017

  • Lát đá vỉa hè Hà Nội: “Lãng mạn” trong cảnh nghèo?

    05:15, 19/09/2017

“Nóng” đến mức, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải nói: “Việc lát đá vỉa hè vừa qua, tại sao Ban quản lý dự án các quận huyện làm không tốt? Quá trình duyệt dự toán thế nào? Có việc “con ông cháu cha” cung cấp vật liệu để hưởng lợi không? Tôi biết là có việc đó và chúng ta cần phải kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm và công khai”.

Cần phải biết, vỉa hè của các nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Nga… được làm rất đa dạng, nhưng người ta không chọn đá tự nhiên để làm. Bởi, ngoài yếu tố phản khoa học thì loại đá này còn rất đắt tiền.

Và để được thay mới đá lát vỉa hè, chắc chắn phải qua rất nhiều khâu, nhiều cơ quan chức năng của thành phố thẩm định, kiểm tra, giám sát thì mới có thể được giải ngân. Thật khó tin khi một số người có trách nhiệm đã cùng nhau “hiểu sai” chỉ đạo của cấp trên?

Có thể nói, ngoài vấn đề chất lượng, thì sự thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất trong quản lí khiến chỉ sau một hai năm, nhiều tuyến phố lại bị cày xới theo kiểu mạnh ai nấy làm. Hết ngành viễn thông, ngành cấp nước, thoát nước lại đến ngành điện đua nhau thực hiện các dự án của mình.

Người này lấp, người kia lại đào… cứ thế luẩn quẩn một điệp khúc đào lấp. Hậu quả là đường phố xuống cấp, mất trật tự và mỹ quan đô thị và lãng phí những nguồn lực khổng lồ để đầu tư cho phát triển và an sinh xã hội.

Trong khi Chính phủ chỉ đạo và đã thực hiện quyết liệt việc siết chặt chi tiêu công thì vỉa hè nhiều tuyến phố Hà Nội dù còn tốt vẫn bị bật tung lên để thay mới bằng đá lát tự nhiên. Thông qua việc này, người dân thấy tham nhũng hay không chưa biết, nhưng trước mắt là một sự lãng phí ngân sách quá kinh khủng. Lãng phí là một thứ rất đáng trừng trị như tham nhũng.

Nhiều người “bịt miệng” nói người lao động thì đóng thuế được mấy mà cứ lo chuyện ngân sách! Nhưng họ đâu biết là những doanh nghiệp đóng thuế nhiều thì họ cũng dùng những lao động này để tạo nên lợi nhuận. Do đó, ngân sách là mồ hôi, là máu thậm chí là mạng sống của hàng triệu lao động Việt Nam đấy chứ.

Khẳng định mạnh mẽ “có chuyện ‘con ông cháu cha’ trong chuyện lát đá vỉa hè” mới đây làm cho người ta nhớ đến những phát biểu góp phần làm nên “thương hiệu Nguyễn Đức Chung”. Còn nhớ đầu năm 2017, ông Chung từng quả quyết: “Hơn 180 quán bia trên vỉa hè thì có 150 quán có công an đứng đằng sau”. Hay, khi làm việc với ngành thuế thành phố, ông khẳng định: “Có tình trạng lợi dụng để trục lợi, làm thất thoát nguồn thu của thành phố. Bởi Hà Nội hiện có 600.000 ôtô, 5,5 triệu xe máy đang lưu thông, nhưng mỗi năm chỉ thu chưa được 100 tỉ đồng phí giữ xe”.

Hà Nội là Thủ đô của cả nước, nơi pháp luật phải được thượng tôn, nơi chính quyền hành động phải mang tính biểu trưng cao hơn hết, phải là tấm gương để các địa phương khác nhìn vào, noi theo.  

Giờ đây, những người đứng đầu thành phố Hà Nội đã “điểm mặt, chỉ tên” những “cái ghế” liên quan đến vụ việc ‘lát đá vỉa hè’. Và người dân hy vọng cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ quy được trách nhiệm, xử nghiêm. Từ đó, sẽ chấm dứt được cung cách làm ăn không cần đến chất lượng, không còn chỗ cho thói “làm thì láo, báo cáo thì hay” ẩn nấp nữa.

Sông Hàn