Chất lượng “chuyến tàu mang số hiệu 174”?

Sông Hàn 07/02/2018 05:56

Theo cách gọi của GS.TSKH Trần Văn Nhung - Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) thì năm 2018 sẽ có sự thay đổi về quy định phong Giáo sư, Phó giáo sư (GS, PGS) nên tâm lý chung của các ứng viên mong muốn mình đi về “chuyến tàu cuối”. Và “chuyến tàu cuối này” mang số hiệu 174 - (Quyết định 174).

Số lượng giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn qua các năm gần đây. Đồ họa: Lê Huyền

Số lượng giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn qua các năm gần đây. Đồ họa: Lê Huyền

Theo đó, HĐCDGSNN vừa công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017. Năm nay có 85 người đạt tiêu chuẩn GS, 1.141 người đạt tiêu chuẩn PGS. Trong năm 2016 số người đạt chuẩn GS, PGS là 702 người.

Có thể bạn quan tâm

  • 34% giáo sư xét duyệt năm 2017 không có... bài báo quốc tế

    34% giáo sư xét duyệt năm 2017 không có... bài báo quốc tế

    05:00, 06/02/2018

Như vậy, số lượng đạt chuẩn GS, PGS năm 2017 cao hơn năm trước là 534 người, tăng khoảng 60% so với năm trước. Sự tăng đột biến đã khiến cho dư luận có nhiều khúc mắc, nhất là chất lượng của “chuyến tàu vét” này.

Đáng chú ý, GS được phong lần này thuộc khối khoa học, xã hội nhân văn hiếm có/thậm chí là không có có bài báo ISI/Scopus nào như: Tâm lý, Ngôn ngữ, Giáo dục học, Luật học. Hay ngành Khoa học an ninh, Khoa học quân sự,  Triết học – Xã hội – Chính trị học. Trong đó, ngành Luật học và ngành Ngôn ngữ học là hai ngành “trắng” bài báo khoa học trên ISI/Scopus.

Dẫu vậy, có những cá nhân ở ngành khác lại rất xuất sắc. Ví dụ như PGS Nguyễn Quảng Trường, ngành Sinh học có 160 bài; PGS Nguyễn Thị Hồng Vân, ngành Vật lý: 153 bài; PGS Trần Đăng Thành, ngành Vật lý: 110 bài.

Sự tăng đột biến GS, PGS và ít người có bài báo quốc tế, theo lý giải của các nhà khoa học thì có nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung lại là:

Thứ nhất, ngành khoa học tự nhiên có thuận lợi hơn ngành khoa học xã hội trong công bố quốc tế. Một phần cũng do quy định hiện hành là khoa học xã hội không cần bài báo quốc tế, chỉ cần bài báo trong nước là đủ điều kiện.

Hơn nữa, rất nhiều lĩnh vực khoa học của Việt Nam không thể/khó đăng bài trên các tạp chí ISI/Scopus. Ví như ngành Lịch sử Đảng hay Nguyên lý chủ nghĩa Mác Lênin, hay như những lĩnh vực cần giữ bí mât như Quốc phòng, an ninh chẳng hạn. 

Thứ hai, sự tăng đột biến GS, PGS năm 2017 còn là vì tâm lý muốn né tránh quy chế mới một cách khắt khe, cao hơn có thể bắt đầu áp dụng từ năm 2018 là phải có số lượng nhất định các công trình được công bố quốc tế.

Nên nhiều người đã tận dụng “chuyến tàu vét 174” vì chỉ “sau một đêm ngủ”, hệ số lương của người đạt chức danh PGS, GS tăng vọt lên trên 6,0 bằng 25 − 30 năm công tác, cống hiến của giảng/giáo viên bình thường.

Liên quan đến những băn khoăn, khúc mắc về chất lượng của “chuyến tàu cuối” từ dư luận, vị Tổng Thư ký HĐCDGSNN lý giải:  “Năm nay ngày hết hạn nộp hồ sơ lùi lại nửa năm (là ngày 5/11/2017), theo đó, các bài báo, sách xuất bản, đề tài nghiệm thu của các ứng viên... cũng được lùi lại nửa năm. Sở dĩ có việc chậm lại này là do Hội đồng dự định chờ thực hiện theo quy định mới nhưng chưa xong, nên quay lại thực hiện theo quy định hiện hành… Đó chỉ là do các yếu tố khách quan thôi. Còn chất lượng tân GS, PGS vẫn được đảm bảo”.

Tuy nhiên, dưới ánh nhìn của dư luận: Làm sao lại có nguyên nhân khách quan trùng hợp ở thời điểm này quá vậy? Họ thấy một đội ngũ GS, PGS đa số không biết ngoại ngữ, nhưng có đủ chứng chỉ ngoại ngữ theo tiêu chuẩn “nội” mà thấy ngao ngán!

Thực tế, Việt Nam đang có số lượng PGS, GS được bổ nhiệm vào loại nhiều ở các nước châu Á (đặc biệt so với các nước Đông Nam Á) nhưng vẫn không có đại học nào được xếp hạng top 300 của châu Á (Theo Higher Education, 2017). Trong khi đó, hầu hết các nước Đông Nam Á khác như Singapore, Malaysia, Thailan, Indonesia, thậm chí Philippines, đều có đại học xếp hạng top 300 Châu Á.

Bên cạnh đó, các nước trên thế giới, chức danh PGS, GS chỉ là vị trí giảng dạy, nghiên cứu, khi về hưu hoặc chuyển sang việc khác thì thôi chức danh. Còn ở Việt Nam được mang danh cả đời, đến nỗi nhiều người không dạy, cũng chẳng nghiên cứu vẫn mang hàm PGS, GS.

Vậy, phải làm sao để nhân dân tin tưởng những người được phong hàm GS, PGS là những người thực sự xứng đáng, chứ không phải những người cố chạy vì cái hư danh! Thế nên, chất lượng của “chuyến tàu mang số hiệu 174” thật sự khiến cho dư luận hoài nghi.

Sông Hàn