“Năm bản lề” của đổi mới

Đại Dương 24/02/2018 07:00

Theo đúng tính chất nhiệm kỳ, 2018 được coi là “năm bản lề” của giai đoạn 2016 - 2020. Đây là lộ trình mà những nước đang phát triển, chuyển đổi như Việt Nam bước đi với nhiều thể nghiệm về vận hành thể chế.

Thông lệ từ trước tới nay, mỗi nhiệm kỳ đều mang một nội dung phát triển mới. Trong đó, năm đầu tiên được coi là năm “làm quen”, năm thứ hai tập trung vào xây dựng và hoàn thiện thể chế. Năm thứ ba là bắt đầu giai đoạn mà thể chế ấy, với những điều chỉnh nhằm kiện toàn đi vào vận hành.

br class=

Vấn đề môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch ngày càng được chú ý hơn với một Chính phủ mà phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, hiệu quả, sáng tạo” đã chính thức trở thành tuyên ngôn chính trị. (Ảnh: Cơ sở sản xuất, lắp ráp xe giường nằm cao cấp thương hiệu THACO tại Khu phức hợp sản xuất Chu Lai-Trường Hải).

Khẳng định quyền tự do kinh doanh

Hai năm qua, mà chủ yếu là năm 2017, việc hoàn thiện thể chế ráo riết được tiến hành theo đúng nguyên tắc “người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm” và “cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”.

Trong bối cảnh chuyển đổi, con đường lập pháp rất gian nan, gập ghềnh. Điều này được thể hiện qua mức độ “gay cấn” khi chuẩn bị các dự luật cũng như sự cọ sát các quan điểm tại nghị trường Quốc hội.

Ngân hàng Thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Có thể bạn quan tâm

  • Đổi mới mô hình tăng trưởng: Cần

    Đổi mới mô hình tăng trưởng: Cần "gỡ vướng" về cơ chế!

    04:46, 22/01/2018

  • Đổi mới mô hình tăng trưởng: Phải phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân

    11:17, 21/01/2018

  • Thủ tướng: Phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo

    16:14, 15/01/2018

  • Doanh nghiệp tự thân đổi mới, lấy năng động thắng quy mô!

    16:52, 30/12/2017

Đơn giản như Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua cuối năm 2017. Luật này “ôm” một tham vọng điều chỉnh gần 20.000 quy hoạch hiện hữu trên cả nước theo hướng tích hợp để giảm chi phí và thúc đẩy tự do sản xuất, kinh doanh. Điều đó cũng có nghĩa là, quyền và lợi ích lâu nay của các bộ, ngành sẽ bị ảnh hưởng. Bởi tình trạng “nhà nhà, ngành ngành làm quy hoạch” thực tế đang gây ra lãng phí mà cụ thể nhất là chi phí lập gần 20.000 quy hoạch ấy lên tới 8.000 tỷ đồng.

Nhưng có một lãng phí lớn hơn là cơ hội kinh doanh của người dân, doanh nghiệp bị mất đi hoặc hạn chế. Mặt khác, khi cơ hội kinh doanh của người dân, doanh nghiệp bị mất đi thì cũng chính là lúc công ăn việc làm của người dân cũng tan theo mây khói và ngân sách sẽ thất thu.

Không biết có phải vì sự tiếc nuối mà tại các cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có những bộ chỉ cử… Thứ trưởng đi họp để Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phải nhắc nhở.

Nhưng dù sao, Luật Quy hoạch cuối cùng cũng được thông qua dù nó không giữ được tinh thần ban đầu là bỏ triệt để những quan điểm về các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm. Đây chính là tiền đề để trong tương lai, những luật khác “dính dáng” đến quy hoạch được điều chỉnh theo nguyên tắc tích hợp và tuân thủ quy luật thị trường.

Doanh nghiệp thoát khỏi kiểm soát hành chính

Dĩ nhiên, Luật Quy hoạch chỉ là một trường hợp tiêu biểu. Trong quá trình hoàn thiện thể chế, chúng ta được chứng kiến những chuyển động mạnh mẽ hơn. Đơn cử như việc thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Dù mô hình này còn gây ra nhiều tranh cãi, nhưng tác dụng chủ yếu nhất của nó chính là đưa các doanh nghiệp nhà nước “thoát” khỏi chế độ “bộ chủ quản” để hoạt động theo nguyên tắc thị trường đầy đủ, toàn diện hơn. Điều này cũng có nghĩa là, các bộ sẽ quay về với chức năng chính của mình là thiết lập thể chế, tạo sân chơi một cách bình đẳng, minh bạch, công khai bởi vai trò chủ quản sẽ không tạo ra những quy định thiên vị, bất minh.

Cũng chính vì vậy, vấn đề môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch ngày càng được chú ý hơn với một Chính phủ mà phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, hiệu quả, sáng tạo” đã chính thức trở thành tuyên ngôn chính trị. Hành động cụ thể nhất có lẽ là việc các bộ, ngành đang sẵn sàng cắt bỏ những điều kiện kinh doanh vi hiến, trái luật, trái nguyên tắc thị trường. Ngay cả Nghị định 38 của Bộ Y tế, vốn là một “thành trì” dường như bất khả xâm phạm, cũng được sửa đổi theo hướng… “không thể tốt hơn”. Trong tình hình ấy, gốc rễ vấn đề nằm ở những chủ trương, định hướng được Đại hội XII vạch ra có được thực hiện triệt để hay không. Rõ ràng, từ Hội nghị Trung ương 4 đến Hội nghị Trung ương 6, những Nghị quyết về chống tham nhũng, kinh tế tư nhân, sắp xếp bộ máy… đang trở thành nền tảng cho những cải cách mạnh mẽ hơn.

Bởi đơn giản, khi chống được tham nhũng thì nguồn lực quốc gia mới không bị lãng phí, chảy vào túi riêng và chi phối bởi lợi ích nhóm tiêu cực. Nguồn lực ấy nếu được sử dụng và phân bổ theo nguyên tắc thị trường thì chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả cho cả nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân vì vậy càng ngày càng trở thành “động lực quan trọng”. Bộ máy nếu được sắp xếp lại theo hướng “tinh gọn” mà Nghị quyết hội nghị Trung ương 6 đã vạch ra sẽ càng làm cho quốc gia có hy vọng tiến tới hưng thịnh.

Dĩ nhiên, khó có thể kể hết được nửa nhiệm kỳ vừa qua, quá trình hoàn thiện thể chế đã được thực hiện như thế nào. Nhưng chắc chắn rằng, kinh tế thị trường, con đường tinh hoa của nhân loại đang đi, sẽ ngày càng trở thành động lực của cải cách để phát triển.

Năm bản lề 2018 vì vậy có thể được coi là năm bắt đầu cho những kỳ vọng và thách thức mới.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Năm “bước ngoặt” của kinh tế Việt Nam

Năm 2018 là một năm bản lề, đặc biệt các hiệp định thương mại tự do sẽ được thực hiện nghiêm túc và hệ quả là thuế suất hàng nhập khẩu vào Việt Nam sẽ xuống đến mức 0%, gây sức ép rất lớn cho nguồn thu ngân sách. Ngoài ra, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư đạt 3,4% GDP đã giúp Ngân hàng Nhà nước bổ sung lượng dự trữ ngoại hối lớn.

Dự trữ ngoại hối cao giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm không gian để tiếp tục duy trì nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất, hỗ trợ thúc đấy trăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, điều này đặt ra thách thức cho Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát và trung hòa lượng ngoại tệ này nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo đó, để đạt được mức tăng trưởng cao và bền vững hơn trong năm 2018, Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí không chính thức cho khu vực doanh nghiệp. Cùng với đó, cần thúc đẩy nền kinh tế thị trường và khuyến khích khu vực doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đại Dương