Đổi mới mô hình tăng trưởng: Cần "gỡ vướng" về cơ chế!

Nguyễn Việt 22/01/2018 04:46

Theo PGS,. TS. Bùi Văn Huyền –Viện Kinh tế, Chính phủ cần mở rộng cơ sở thu thuế thu nhập doanh nghiệp và rà soát các hình thức ưu đãi thuế để điều chỉnh hợp lý các quy định ưu đãi thuế, tránh ưu đãi không phù hợp, dàn trải, gây lãng phí nguồn lực…

để đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu, cần giải pháp căn bản và có tính mục đích rõ ràng.

Để đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu, cần giải pháp căn bản và có tính mục đích rõ ràng.

Cụ thể, duy trì và mở rộng cơ sở cho nguồn thu của NSNN thông qua thực hiện các giải pháp gia tăng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Ở Việt Nam, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt còn tương đối thấp đối với một số mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng như thuốc lá, rượu, bia... Việc từng bước mở rộng phạm vi áp dụng và tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng lựa chọn sẽ đem lại tác động tích cực đối với ngân sách, thay đổi thói quen của người tiêu dùng theo hướng giảm tiêu dùng các mặt hàng không có lợi cho sức khỏe và môi trường.

Cần xây dựng chính sách thuế tài sản thống nhất, từng bước đưa thuế tài sản trở thành một trong những nguồn thu quan trọng và ổn định cho NSNN và nâng cao động lực sử dụng đất đai và tài sản hiệu quả hơn.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai các hoạt động quản lý thuế dựa trên thông tin minh bạch và áp dụng kiểm tra dựa trên rủi ro. Các biện pháp này không chỉ giúp tăng cường hiệu suất và hiệu quả quản lý thuế để tối đa hóa số thu mà còn giảm được chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và cải thiện môi trường kinh doanh một cách căn bản.

Báo cáo “Chẩn đoán tăng trưởng kinh tế Việt Nam” của Ban Kinh tế Trung ương và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng khuyến nghị, cần tiếp tục cải cách các quy định chính sách, pháp luật thuế theo hướng ổn định, có tính dự đoán cao, minh bạch, rõ ràng và dễ thực hiện.      

Tái cơ cấu nền kinh tế là một nội dung lớn, quan trọng và cấp bách hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh, bền vững. Đây cũng là vấn đề khó, phức tạp, phạm vi rộng và liên quan đến nhiều khía cạnh...

Do đó, giai đoạn 2017 - 2020, theo quan điểm của ông Đinh Trọng Thắng (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương), tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam cần có những thay đổi mạnh mẽ và cần chú trọng các điểm như: phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài. Xây dựng môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, thuận lợi, giảm rào cản kinh doanh, giảm chi phí và rủi ro thể chế đối với khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Tái cơ cấu các thị trường nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm: thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ. Hình thành đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường, làm cơ sở phân bổ nguồn lực hiệu quả, phù hợp với các mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng...

Tăng trưởng kinh tế dựa trên các động lực cũ như tài nguyên, khoáng sản, chi phí lao động thấp, đầu tư và mở rộng tín dụng đã không còn phù hợp. Mô hình tăng trưởng cũ đã thành công trong giai đoạn đầu của đổi mới nhưng dần trở nên không còn phù hợp, thậm chí đem lại nhiều rủi ro cho nền kinh tế trong giai đoạn mới khi nền kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu, cần giải pháp căn bản và có tính mục đích rõ ràng. Chúng ta cần đưa ra một hệ thống thể chế, cơ chế khuyến khích trên nền tảng tự do cạnh tranh. Mấu chốt vấn đề là làm sao thoát khỏi những trói buộc, những điều kiện kinh doanh đừng ràng buộc doanh nghiệp, buộc người ta phải xin cho, doanh nghiệp được quyền tự do cạnh tranh, lựa chọn, nhưng trên nền tảng tạo ra được những điều kiện cho doanh nghiệp có cơ sở hoạt động. Chính phủ cũng phải có tác động can thiệp vào phát triển nguồn nhân lực, hướng tới nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ cao.

TS Vũ Thành Tự Anh (Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright) đánh giá, các cân đối vĩ mô của nền kinh tế như tiết kiệm - đầu tư và cán cân thanh toán; cân đối ngân sách; cân đối tiền tệ đều đã tiệm cận giới hạn. Và cũng giống như như một cỗ máy, để có sự bứt phá thì cần “thay máy, thay động cơ”, chính là việc tái cơ cấu kinh tế. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là năng suất mà ông đặt vấn đề tăng “năng suất đô thị”. Tức là các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM... cần có năng suất cao hơn để kéo cả cỗ máy.

Còn TS. Trần Du Lịch cho rằng, liều thuốc nhanh cho tăng trưởng mà ít tác dụng phụ là tăng tổng cầu còn về lâu dài thì cần gỡ vướng về thể chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đổi mới mô hình tăng trưởng: Cần "gỡ vướng" về cơ chế!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO