“Cứu” không “thoát”, cần lắm cuộc cách mạng nông sản!

Trương Khắc Trà 07/04/2018 05:29

Từng có chuyện một cái lạp xưởng cần 8 bộ quản lý, nhưng rồi vẫn không thể “sạch”, giờ đang có chuyện nông sản được mùa, nhưng rồi lại phải “giải cứu”, “cứu” triền miên nhưng vẫn không thể “thoát”.

Hết loại này đến thứ khác thay nhau kêu cứu khiến người ta thấy rằng, được mùa… đem đổ không còn là hiện tượng mang tính nhất thời.

Được mùa đem đổ dường như trở thành bản chất của nền nông nghiệp Việt Nam. Chuyện này không mới, nhưng cái mới là người ta áp cho nền nông nghiệp một suy nghĩ mới, càng ngẫm càng thấy nguy nan, hệ quả là: Người nông dân nguy cơ trở thành ăn mày chính trên mảnh ruộng của mình!

Mọi quy kết đều đúng, mọi nguyên nhân chỉ ra đều hợp lý, mọi giải pháp đều có vẻ khoa học, duy chỉ có khoảng lặng mang tên “trách nhiệm” mãi chưa thấy ai lên tiếng.

Có thể bạn quan tâm

  • Chuỗi giá trị cần hơn sự “giải cứu”

    Chuỗi giá trị cần hơn sự “giải cứu”

    04:00, 25/03/2018

  • Vì sao nông sản luôn trong tình trạng cần giải cứu?

    05:35, 20/03/2018

  • Ngẫm chuyện “giải cứu” 30.000 tấn đường

    06:00, 26/02/2018

  • Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sẽ không phải “giải cứu”

    00:39, 30/01/2018

Tôi gặp anh Minh, chủ vườn Sầu Riêng lớn nhất nhì tỉnh Đồng Nai, sau cơn mưa rào bất ngờ lướt qua giữa cái nắng oi ả, anh tất bật “phun”, “xịt” để cứu những chùm bông chưa hé may mắn sót lại, hy vọng vớt vát chút đỉnh.

Mấy héc ta Sầu Riêng đang độ tuổi “con gái” của anh Minh đều là giống ngoại nhập, đó là loại giống Monthong, R6 của Thái Lan chất lừ với ưu điểm “cơm vàng, hạt lép, vỏ mỏng, đề kháng tốt” và đương nhiên được thị trường ưa chuộng.

Tôi hỏi anh: Sao không dùng giống Sầu Riêng của Việt Nam? Anh có vẻ ngạc nhiên rồi bảo: “Loại ấy (Sầu Riêng Việt) trồng sao nổi, năng suất thấp, vỏ dày, cơm mỏng, hạt to…”. Anh xổ ra một loạt các “mặt đối lập” để chứng minh cây giống Việt Nam thua đứt giống ngoại nhập.

Bao nhiêu năm làm Sầu Riêng cũng đồng nghĩa với chừng ấy năm anh Minh “kiêm nhiệm” đủ các chức vụ trong kinh tế, nào là “kỹ sư nông học”, “nhân viên Marketting” cho đến “quan hệ khách hàng”… Tuyệt nhiên, vắng bóng cơ quan chức năng, trực tiếp ở đây là ngành nông nghiệp địa phương. Anh Minh chỉ là một trong vô vàn người làm nông nghiệp theo kiểu “tự làm tự chịu”.

Câu chuyện với người làm vườn càng củng cố thêm phán đoán rằng, người nông dân Việt Nam thiếu hẳn một “bệ đỡ”, mặc dù hệ thống có trách nhiệm đỡ đần người nông dân không phải nhỏ nếu không muốn nói là hùng hậu.

Phụ thuộc cây giống và thừa mứa nông sản là hai câu chuyện khác nhau nhưng cùng đi chung nhau trên con đường mang tên “bất ổn”. Để giải quyết vấn đề này còn qua nhiều tầng nấc, nằm sâu xa trong chiến lược, tầm nhìn của các cơ quan hữu quan. Nhưng trước hết phải tìm cho ra: Ai là người phải chịu trách nhiệm? Cơ quan nào đã “buông tay” với người nông dân?

Giờ hãy thôi nói về những thứ lý thuyết mang “màu xám” mà hãy hỏi ngành nông nghiệp, hội đoàn thể từ trung ương tới địa phương phải làm gì để cắt “cơn khát” thị trường nông sản. Đương nhiên không thể “giải cứu” năm này qua tháng nọ, không thể “gắp muối bỏ biển”!

Có ai còn nhớ tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã chính thức tuyên bố mục tiêu trở thành nước công nghiệp đến năm 2020 của Việt Nam đã lỗi hẹn.

Khi một mục tiêu đặt ra đã không thể đạt được, thì cách tốt nhất là hãy thừa nhận càng sớm càng tốt để có thời gian tìm ra một lối đi mới, còn hơn là cố gắng níu kéo để rồi rơi vào lạc lối. Vậy, lối đi mới là gì? Một chuyên gia lão luyện, người từng cố vấn kinh tế cho nhiều đời Thủ tướng, Ts Lê Xuân Nghĩa chỉ ra là nông nghiệp.

Nông nghiệp trước hết phải bắt nguồn từ nông dân, nông thôn, và đến khi nào những người như anh Minh thôi không phải ôm đồm quá nhiều việc, an tâm canh tác thì lúc đó nông nghiệp mới đủ sức thay thế mục tiêu công nghiệp hóa.

Chiếc lạp xưởng 8 bộ quản lý, người ta có thể đá “trận bóng” trách nhiệm hơn 90 phút, nhưng với “cánh cửa” người nông dân loay hoay trồng cây gì, nuôi con gì, giải cứu đến bao giờ… có quá khó tìm “chìa khóa”?

Trương Khắc Trà