Chỉ mười năm trong nghề nhưng đã trải qua hàng chục loại cây, loại con. Câu chuyện về sự thành công của ông chủ trang trại Dương Quang Mạnh ở Giao linh, Quảng Trị là một ví dụ về thái độ trước các khủng hoảng khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp.
Bắt đầu bằng gà công nghiệp, được một vài năm hưng thịnh rồi cũng tan tành theo dịch cúm H5N1; chuyển sang nuôi vịt, cũng vài lứa rồi bán chuồng; chán “nuôi” nhảy sang “trồng”. Làm lại từ đầu bằng trồng keo tai tượng, cũng được vài vụ đầu, cứ càng về sau hễ sắp sửa vào guồng là mắc “rớt giá”. Bật bãi mấy năm ròng rã chạy theo thị trường cũng chỉ loanh quanh mấy thứ đó.
Không nản lỏng trước thị trường, cách đây 3 năm ông Mạnh quay trở lại nuôi gà, nhưng không phải gà công nghiệp, ăn nhiều chóng lớn, nhưng dễ bệnh. Phải mất nhiều tháng sưu tầm lại giống gà kiến ở quê, nuôi theo kiểu thả rông, ăn rau cỏ và thóc. Gà kiến tuy chậm lớn nhưng chịu bệnh tốt và đặc biệt là thịt thơm ngon, nói không với các loại cám công nghiệp.
Bài học thành công lớn nhất của ông chủ trang trại Dương Quang Mạnh là thái độ với khủng hoảng, biết cách chủ động xoay chuyển tình thế một khi thị trường tỏ vẻ “không ưa”
Có thể bạn quan tâm |
Giữa cơn bão thực phẩm bẩn, sản phẩm gà “sạch” thả vườn được ưa chuộng, cung không đủ cầu. Số lãi tăng nhanh hàng năm, cho đến hiện tại trang trại gà kiến thả vườn vẫn ổn định, tăng đàn đều đều, bất chấp thị trường phập phù của các loại gà công nghiệp.
Có lẽ, bài học thành công lớn nhất ở đây là thái độ với khủng hoảng, biết cách chủ động xoay chuyển tình thế một khi thị trường tỏ vẻ “không ưa”. Nhiều năm qua, chúng ta chứng kiến nông dân Tây Nguyên chặt phá cà phê, trồng tiêu, rồi phá tiêu quay lại cà phê. Họ không còn cách nào khác phải bám theo thị trường để tồn tại.
Chiến lược, con đường, giải pháp cứu nông sản ở tầm vĩ mô đã nói rất nhiều nhưng dường như vẫn chưa có cách để giải quyết. Ngay cả việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuỗi giá trị nông nghiệp. Chuỗi giá trị nông nghiệp, bản thân nó là một phát minh ở lĩnh vực kinh tế (Agricultural value chain). Để thực hiện nó cần đồng bộ một loạt giải pháp từ nhiều ngành. Soi chiếu vào “hoàn cảnh” nông dân nhiều vùng miền hiện tại, chuỗi giá trị nông nghiệp chẳng khác nào bắc thang lên hỏi ông trời!
Xét ở khía cạnh nào đó, những cuộc khủng hoảng rải rác ở các mặt hàng nông sản là tín hiệu tốt. Nó như những khóa huấn luyện trước khi nền kinh tế hội nhập một cách toàn diện. Làm ăn lớn phải chấp nhận rủi ro, chỉ có nền kinh tế tự nhiên sơ khai mới không có bóng dáng những cuộc khủng hoảng mang tính chu kỳ.
Tìm cách tránh khủng hoảng không khác nào “lấy trứng chọi đá”, cái quan trọng là thái độ ứng xử với khủng hoảng, chung sống với khủng hoảng để “tương kế tựu kế” một cách ít bất lợi nhất.