Trò chơi “tiền ảo, tiền thật” và cái giá của sự tham lam!
Chiêu trò của giới kinh doanh đa cấp, tiền ảo rất đơn giản là “trả lãi cao, các bạn không phải làm gì mà vẫn có thu nhập cao…” đã “xưa như trăng rằm, cũ như trái đất”, sao thiên hạ vẫn cứ “dính đòn”?
Những ngày qua, có rất đông người dân đã kéo đến trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech để biểu tình kèm theo băng rôn, khẩu ngữ và hình ảnh nhằm tố cáo bị công ty chiếm đoạt lừa đảo “hơn 15 nghìn tỷ đồng” từ tiền ảo. Nhóm biểu tình khẩn cầu các cơ quan chức năng vào cuộc chỉ đạo điều tra vụ việc mà theo họ là “vụ lừa đảo đa cấp lớn nhất lịch sử Việt Nam”.
Hiểu gì về Modern Tech, Ifan, Pincoin?
Liên danh ma quỷ giữa Modern Tech, Ifan và Pincoin là dự án huy động vốn được 7 người Việt lập ra nhưng lại mượn danh nước ngoài. Theo đó, Ifan được tuyên bố là dự án đến từ Singapore, trong khi Pincoin đến từ Ấn Độ.
Có thể bạn quan tâm |
Ifan, Pincoin ủy quyền cho công ty Modern Tech làm đại diện hợp pháp tại Việt Nam. Đơn vị này trong thời gian qua đã tổ chức nhiều sự kiện tại Hà Nội và TP. HCM để huy động vốn, kêu gọi nhà đầu tư mua tiền ảo Ifan kèm theo lời cam kết sẽ chia sẻ lợi nhuận 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng.
Ngoài ra, nếu “lôi kéo” thêm nhà đầu tư vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền từ người mới tham gia. Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, thống kê cho thấy Ifan đã dụ dỗ hơn 32 nghìn nạn nhân cùng tham gia và huy động được hơn 15 nghìn tỷ đồng tiền vốn.
Sau khi thu được số tiền lớn từ nhà đầu tư, Ifan bất ngờ tuyên bố thay đổi hình thức trả thưởng bằng cách quy đổi sang các đồng tiền ảo Ifan có “giá quy định” là 5 USD/đồng. Thế nhưng từ thời điểm cách đây ít lâu, giá trị của đồng tiền này giảm xuống chỉ còn 0,01 USD/đồng, khiến nhiều nhà đầu tư cho biết chỉ “thu về một đống coin rác” với giá trị cực thấp, hay thậm chí không lấy lại được tiền.
Theo các cơ quan chức năng thì đây là hoạt động lừa đảo có mô hình đa cấp, lợi dụng sơ hở của luật pháp Việt Nam trong quản lý tiền ảo để phát hành ICO (giống như IPO đối với loại hình cổ phiếu) và tránh sự giám sát từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
Trước Ifan, Pincoin,… giới đầu tư từng chứng kiến sự sụp đổ của Bitconnect – được biết tới như vụ lừa đảo lớn nhất trong thị trường tiền ảo khiến hàng trăm ngàn chủ tài khoản “mất trắng”, trong đó có nhiều nạn nhân là người Việt Nam. Bitconnect bị Ủy ban chứng khoán Mỹ điều tra và phát hiện thấy tổ chức này đã phạm tội gian lận trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các chương trình cho vay và lấy lãi.
Cái giá của lòng tham
Vụ việc hàng ngàn nhà đầu tư bị chiếm đoạt tài sản bởi Ifan đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho cộng đồng trước những mô hình mạo danh là góp vốn, chia sẻ lợi nhuận, nhưng trên thực tế là lợi dụng sơ hở của pháp luật Việt Nam để trục lợi.
Kể ra cũng lạ! Vì chiêu trò của giới kinh doanh đa cấp, tiền ảo rất đơn giản là “trả lãi cao, các bạn không phải làm gì mà vẫn có thu nhập cao…” đã “xưa như trăng rằm, cũ như trái đất”, sao thiên hạ vẫn cứ “dính đòn”? Phải chăng, lòng tham của con người là mảnh đất màu mỡ của bọn lừa gạt?
Đúng là, trời đất bao la nhưng lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế. Chỉ trách những ai đó ham muốn làm giàu một cách nhanh chóng, kiểu như “sáng cấy, chiều thu hoạch”. Mà nói thẳng ra, trên đời này làm gì có chuyện làm giàu nhanh và dễ dàng đến như vậy.
Liên quan tới trường hợp hàng ngàn người sập bẫy tiền ảo, người viết nhớ đến một quan điểm rất hay của đạo Phật rằng: “Vực sâu lớn nhất của đời người là tham lam”, nên phải xa lánh lòng tham. Phương pháp trị lòng tham của nhà Phật là: “Khi sân, ta biết ta đang sân, khi tham, ta biết ta đang tham” (Tham mà ngay lúc ấy biết mình đang tham thì tham đã được kiểm soát. Giận dữ mà ngay lúc ấy biết mình đang giận dữ là giận dữ đã được kiểm soát)”.
Thường thì những người có tiền sẽ rất khôn ngoan, nhưng qua các trường hợp “táng gia bại sản” chỉ vì tiền ảo, chúng ta thấy vẫn có nhiều người có tiền mà ngù ngờ. Đúng là, tất cả cũng chỉ vì “tham tiền cột mỡ lắm anh leo”! Mà “càng tham lam thì trí khôn càng giảm”, giờ chỉ biết “tiên trách kỷ hậu trách nhân”.
Bởi vì, giả sử nếu quy trách nhiệm thì công bằng mà nói, lỗi quản lý của các cơ quan chức năng chỉ một phần nhỏ. Mà cái lỗi lớn nhất là xuất phát từ những người cả tin, tham lam. Lời lãi thì các người hưởng hết, nhưng đến khi “tiền mất tật mang” thì lại kêu gọi chính quyền, các cơ quan bảo vệ pháp luật giải quyết.
Chuyện liên danh “Modern Tech, Ifan và Pincoin” dụ ngọt được hơn 15 nghìn tỷ đồng của 32 nghìn nạn nhân có phải là “vụ lừa đảo đa cấp lớn nhất lịch sử Việt Nam”? Hay sẽ vẫn còn những “cú lừa” lịch sử nữa khi lòng tham con người luôn luôn như một cái túi không có đáy!