Vụ lừa đảo tiền ảo iFan của Công ty cổ phần Modern Tech tại TP HCM khiến 32.000 người bị thiệt hại 15.000 tỷ đồng thu hút sự chú ý lớn của dư luận. Vụ lừa đảo đặt các câu hỏi về quyền lợi của người tham gia, trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước…
Về vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.
Có thể bạn quan tâm
19:51, 08/04/2018
19:20, 10/04/2018
12:27, 10/04/2018
- Ông đánh giá như thế nào về việc huy động vốn bằng tiền ảo?
Hiện nay, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước việc sản xuất, lưu thông các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam, hoàn toàn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tiền ảo, chính vì vậy việc huy động vốn bằng tiền ảo cũng là hành vi bị cấm theo quy định.
Và trong sự vụ lừa đảo bằng tiền ảo xảy ra tại TP HCM, những người tham gia góp vốn sẽ phải đòi lại bằng cách nào?
Trong vụ việc xảy ra tại TP HCM, trên góc độ dân sự: những người tham gia góp vốn có thể đòi lại tiền của mình thông qua việc khởi kiện tại Toà án yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật theo quy định tại Điều 123 (BLDS 2015).
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng sẽ khó xử lý khi mà hợp đồng hai bên ký kết lại “lách luật” không đưa việc đầu tư “tiền ảo” vào hợp đồng mà thay đổi bằng một đối tượng khác phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Lúc này, có thể kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền thưởng theo hợp đồng hai bên đã ký kết. Mặc dù vậy, trên thực tế, với hàng nghìn nạn nhân như trong vụ án này thì việc những người tham gia góp vốn có thể đòi tại tiền đã góp của mình sẽ rất khó khăn.
Ngoài ra, qua việc cung cấp thông tin cho báo chí, tư vấn của các luật sư nếu vụ án có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì người tham gia góp vốn có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an để điều tra, xác minh.
- Vụ huy động vốn bằng tiền ảo này được thực hiện theo mô hình đa cấp, việc xử lý những người cầm đầu là tất nhiên, nhưng còn những người ở cấp trung gian đã dụ dỗ, lôi kéo người khác góp vốn thì sao?
Qua các vụ lừa đảo trong hoạt động kinh doanh đa cấp đã bị phát hiện ở Việt Nam, chúng ta đều hiểu rằng: các vụ án về kinh doanh đa cấp ở Việt Nam thì đều có đặc điểm chung là nạn nhân thông thường cũng chính là người có hành vi đồng phạm, họ bị lôi kéo vào đường dây đa cấp và chính họ lại lôi kéo người khác vào đường dây này. Vụ huy động vốn bằng tiền ảo này cũng thế, đối chiếu quy định của pháp luật thì hành vi của họ có dấu hiệu của tội phạm tuy nhiên, rất khó để xử lý những trường hợp này bởi: số lượng thành phần này rất đông, thứ hai, bản thân họ cũng là nạn nhân, bị thiệt hại.
- Theo quy định của pháp luật thì các đối tượng huy động vốn trái phép trong vụ lừa đảo bằng tiền ảo trên sẽ bị xử lý về tội gì và khung xử phạt bao nhiêu?
Đối với các vụ án liên quan đến việc huy động vốn trái phép, Cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào các tình tiết vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu phạm tội, tuỳ từng trường hợp Cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với các đối tượng trong công ty về hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" hoặc "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Khung xử phạt sẽ tuỳ thuộc vào tính chất mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.
Vụ việc này vừa là đa cấp lừa đảo, vừa là lừa đảo bằng tiền tệ (tiền ảo), vậy nếu xét trách nhiệm cơ quan quản lý thì trách nhiệm này thuộc về cơ quan nào, thuộc về Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Công Thương?
Rất khó để có thể xác định được đây là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước hay đây là trách nhiệm của Bộ Công Thương bởi trên thực tế, một doanh nghiệp, tổ chức hoạt động chịu sự điều chỉnh, quản lý của rất nhiều cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ UBND đến các cơ quan chuyên môn, cơ quan thanh tra… Chính vì vậy, nếu xét trách nhiệm cơ quan quản lý thì đó là tổng thể trách nhiệm của rất nhiều cơ quan.
- Chính phủ đang trong quá trình xây dựng khung pháp lý về tiền ảo, là một luật sư ông có góp ý gì?
Tôi cho rằng, chúng ta có thể xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh chung cho các hoạt động như: game online hay các hoạt động công nghệ thông tin nhưng không thể thừa nhận pháp lý đối với tiền ảo. Chỉ có duy nhất “đồng Việt Nam” được thừa nhận và lưu thông với chức năng là công cụ thanh toán tại Việt Nam, kể cả trên đời sống thực tế và hay trên hoạt động công nghệ thông tin. Các loại “tiền ảo” như bitcoin mang danh “tiền ảo” nhưng thực tế đều phải dùng tiền để chuyển đổi, mua bán như vậy rất dễ xảy ra các vụ việc lừa đảo, qua mắt người tiêu dùng.
Vậy, ông có khuyến cáo gì với các nhà đầu tư khi đầu tư vào hình thức tiền ảo?
Tôi cho rằng, các nhà đầu tư nên cân nhắc khi lựa chọn đầu tư lĩnh vực tiền ảo, đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi mang tính chất “ảo” đồng thời khung pháp lý đối với hình thức tiền này chưa có và rất khó có cơ sở để nhà nước công nhận pháp lý đối với hình thức tiền này.
Chính vì lẽ đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng việc huy động vốn bằng tiền ảo này để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Xin cảm ơn ông.
Trưa ngày 10/4, trao đổi với cơ quan báo chí, ông Nguyễn Tấn Đạt - Trưởng Công an quận 1 (TP HCM) cho biết đã nắm bắt thông tin về sự việc nhưng chưa có ai đến cơ quan chức năng trình báo. "Ngày 8/4, ngay sau khi người dân tập trung tại địa chỉ công ty M.T trên đường Nguyễn Huệ để phản ứng thì lực lượng chức năng đã có mặt tại địa bàn để đảm bảo an ninh trật tự. Ngay sau đó, công an quận cũng đã hướng dẫn người dân về công an phường, quận, hoặc địa bàn cư trú để trình báo nhưng không có ai trình báo", ông Đạt chia sẻ. Ông Đạt thông tin thêm: "Nếu có người đến tố cáo sự việc cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để xác minh. Nếu xét thấy đủ yếu tố để khởi tố cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án. Nếu đúng như số tiền mà người dân phản ánh là 15 nghìn tỉ đồng thì Công an quận cũng sẽ gửi lên cơ quan cấp cao hơn để xử lý. Tuy vậy, đến hôm nay vẫn chưa có ai đến để gửi đơn phản ánh hay tố cáo. Chúng tôi thông qua các cơ quan báo chí gửi đến những nạn nhân trong sự việc trên hãy nhanh chóng đến cơ quan chức năng để phản ánh. Không có người phản ánh thì chúng tôi không thể mời những người đang bị tố cáo lên làm việc được. Như vậy không đủ cơ sở!". "Trước đây, trên địa bàn cũng xuất hiện nhiều hình thức tiền ảo, đa cấp. Vì nhà nước chưa chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo hay tổ chức các hoạt động đa cấp nên công an quận cũng đã có nhiều cảnh báo cho người dân. Chúng tôi khuyên người dân khi đầu tư vào các hình thức chưa được cho phép cần hết sức thận trọng", ông Đạt nhấn mạnh. |