Không nên áp dụng một mức tuổi nghỉ hưu chung
Tại phiên họp của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trước khi trình Hội nghị Trung ương 7, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH từng cho biết, liên quan đến đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu, hiện nay có 2 phương án.
Phương án một là nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng. Phương án hai là nữ sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60, còn nam là 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH, 2 phương án này được khảo sát, nghiên cứu từ thực tế và có tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, đề xuất lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu nhằm không gây sốc đối với người lao động.
Có thể bạn quan tâm |
Liên quan đến 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu mà Bộ LĐTB-XH đề xuất, ông Nuno Cunha, chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, ILO ủng hộ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu một cách từ từ, mỗi năm tăng 3 tháng và bắt đầu tăng từ năm 2020. Nghĩa là đến năm 2024 mới có lớp phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 56 và đến 2028 mới có phụ nữ nghỉ hưu ở tuổi 57.
Còn theo dự thảo báo cáo đánh giá tác động giới của các chính sách trong đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi, Bộ LĐTB-XH cho biết, mặc dù tuổi nghỉ hưu quy định với nữ là 55 tuổi và nam là 60 tuổi nhưng trên thực tế tuổi nghỉ hưu trung bình của nam là 55,6 tuổi còn nữ là 52,6 tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động vẫn tham gia làm việc sau khi nghỉ hưu có tỷ lệ cao, theo báo cáo là có 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60-69 đang tiếp tục làm việc xuất phát từ nhu cầu tăng thêm thu nhập, tiếp tục đóng góp kinh nghiệm trong quá trình làm việc tích lũy được.
Theo nhiều chuyên gia, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cũng đang diễn ra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh khi các nhà máy, xưởng sản xuất dần sử dụng máy móc, robot thay thế chân tay, giảm bớt lao động. Đặc biệt là ở nhiều nơi đang có tình trạng doanh nghiệp sa thải lao động có tuổi (từ 35 tuổi trở lên), chỉ tuyển dụng lao động trẻ. Việc sa thải lao động quá tuổi sẽ tác động không nhỏ đến xã hội, khi phần lớn họ đều là những lao động phổ thông, không qua đào tạo, nên sẽ rất khó tìm những công việc khác sau khi chấm dứt quan hệ lao động với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trước thực tế nhiều người lao động có nguyện vọng không muốn kéo dài tuổi lao động, nhiều người cho rằng việc quy định độ tuổi nghỉ hưu cần phải linh hoạt, không thể áp đặt một mức cho tất cả mọi người lao động. Theo đó, người muốn tiếp tục cống hiến thì để họ có quyền lựa chọn tuổi nghỉ hưu trong khung quy định phù hợp với điều kiện sức khỏe, kinh tế, hoàn cảnh gia đình hay nguyện vọng.
Kết luận cụ thể về tuổi nghỉ hưu đang được bàn bạc và quyết định tại Hội nghị Trung ương 7.