Trả lời tại Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 3/5, ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định: “Không có chuyện mất cân đối quỹ hưu trí vào năm 2025”.
Với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện, đại diện BHXH Việt Nam cho biết là cơ quan tham gia vào quá trình soạn thảo, xây dựng Đề án về BHXH và chính sách tiền lương lần này.
Có thể bạn quan tâm |
“Tất cả các thành viên thuộc các cơ quan liên quan đều cân nhắc các phương án trên nhiều yếu tố khi bàn về tuổi nghỉ hưu. Ví dụ như các vấn đề liên quan tới kinh tế, thất nghiệp, năng suất lao động, số lượng cơ cấu chất lượng người lao động,…” - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết.
Trước đó, tại phiên họp Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã trình bày sơ bộ đề án cải cách bảo hiểm xã hội chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 7.
Hai phương án mà đề án đưa ra gồm: Phương án một là nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, nhưng lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng. Phương án hai, nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 nhưng độ tuổi nghỉ hưu của nam được nâng lên 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng.
Theo lý giải từ Bộ LĐ-TB&XH, đề xuất nhằm bảo đảm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn. “Không có nước nào mà chính sách bảo hiểm xã hội lại thoáng như vậy, đóng ít nhưng hưởng nhiều, đóng thời gian ngắn nhưng lại hưởng dài, ngoài hưởng phần mình đóng lại còn hưởng phần nhà nước hỗ trợ trong đó nữa. Người lao động đóng bảo hiểm xã hội rồi xin rút một lần, một thời gian sau có việc mới lại đóng và sau đó lại xin rút một lần”, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phân tích.
Theo đó, Bộ thiết kế ba tầng, tầng thứ nhất là Nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách để họ hưởng lương hưu. Tầng thứ hai là BHXH bắt buộc, giống như quy định hiện hành. Tầng thứ ba là bảo hiểm tự nguyện, người lao động đóng cao hưởng cao.
Trao đổi với DĐDN về vấn đề này, Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân khẳng định: “Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần tiếp tục tính toán kỹ hơn và dựa trên những phân tích tác động về áp lực thị trường, chứ không chỉ dựa trên áp lực về cân đối quỹ, về già hóa dân số”.
Trong khi đó, trên thực tế, doanh nghiệp cũng có xu hướng sử dụng lao động trẻ tuổi, thậm chí hiện tượng sa thải lao động trên 35 tuổi đã xảy ra và phải tìm cách giải quyết thời gian qua. Bản thân việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng được chuyên gia phân tích là sẽ gia tăng số lao động chuyển hưởng lương hưu một lần, như vậy quỹ hưu trí vô hình chung lại không đảm bảo được mục đích an sinh xã hội.
Trong khi đó, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB-XH, thời điểm này vẫn có nhiều phương án về tuổi nghỉ hưu. Có điều chỉnh tuổi nghỉ hưu hay không sẽ do Trung ương xem xét quyết định và Quốc hội có ý kiến chính thức. Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu không phải là mới.
Trên thực tế, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đã được đặt ra nhiều lần trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật của nước ta như Luật Bình đẳng giới (2007), Bộ luật Lao động năm 2012, Luật BHXH (2014)... nhưng chưa được Quốc hội đồng thuận.
Cùng với đó, tại nhiều nước trên thế giới có quy định tuổi nghỉ hưu cao (trên 60 tuổi), song chủ yếu là các nước phát triển; môi trường, điều kiện làm việc được cải thiện. Khá nhiều nước có điều kiện tương đồng Việt Nam có tuổi nghỉ hưu bằng hoặc thấp hơn Việt Nam như Trung Quốc (60-55 tuổi), Indonesia (55 tuổi), Malaysia (55 tuổi), Thái Lan (55 tuổi)…
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, không nên nâng tuổi nghỉ hưu với những lao động trực tiếp sản xuất, dịch vụ. Đối với khu vực hành chính sự nghiệp có thể xem xét để nâng tuổi nghỉ hưu nhưng phải có lộ trình tăng thích hợp để giảm thiểu ảnh hưởng đến cơ hội có việc làm cho nhóm lao động trẻ. Đối với cán bộ quản lý hoặc những người có học hàm, học vị, có thể được kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng phải thôi làm công tác quản lý.