“Hiệp sĩ đường phố” đã có hơn 20 năm sao vẫn còn “nghiên cứu”?
TP HCM sẽ đề xuất biện pháp hỗ trợ cho lực lượng hiệp sĩ trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm |
Trong buổi họp báo về vụ 5 hiệp sĩ thương vong khi bắt trộm trên đường Cách mạng Tháng 8 (TP HCM), Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP HCM chia sẻ: Ông rất day dứt về những mất mát, hy sinh quá lớn của các hiệp sĩ trong vụ việc vừa xảy ra và sẽ chỉ đạo nghiên cứu căn cứ pháp lý để hỗ trợ cho mô hình này phát triển.
“Địa phương hiện có rất nhiều nhóm mà báo chí gọi là “hiệp sĩ”. Mô hình mà người dân tự hình thành để phát hiện, bắt giữ tội phạm gây án nơi công cộng. Thời gian qua mô hình này đã góp phần lớn trong giữ gìn an ninh trật tự của thành phố. Tuy nhiên, việc quản lý và đãi ngộ cho lực lượng này như thế nào thì thành phố chưa có quy định. Do đó Công an thành phố sẽ nghiên cứu thêm để đề xuất các hình thức công nhận, việc thẩm tra tư cách thành viên, chính sách đãi ngộ, có trách nhiệm hướng dẫn họ về pháp luật, nghiệp vụ cho các thành viên trong nhóm…”, Thiếu tướng Minh nói.
Bức xúc trước vấn nạn trộm cắp, giựt dọc hoành hành, từ năm 1997 TP HCM đã xuất hiện những cá nhân “vì nghĩa quên thân” như anh Nguyễn Văn Minh Tiến. Anh Tiến đã thực hiện hàng trăm vụ truy đuổi bắt giữ tội phạm được chính quyền khen tặng nhiều lớn. Tiếp sau đó xuất hiện ngày càng xuất hiện thêm nhiều hiệp sĩ như anh Tiến và mô hình "hiệp sĩ đường phố” đã nở rộ, phát triển đến nay đã hơn 20 năm.
Ông Lâm Hiếu Long - Thành viên của một nhóm hiệp sĩ tại TP HCM cho biết nhóm của ông thành lập tự phát, gồm bảy người, hoạt động từ năm 2010. Công việc của nhóm là phát hiện đối tượng nghi vấn ngoài đường, theo dõi và sẵn sàng truy đuổi bắt giữ khi đối tượng ra tay thực hiện hành vi xấu.
Cách đây hơn 5 năm, nhóm đã có đề xuất với chính quyền địa phương cho danh nghĩa chính thức để hoạt động và hỗ trợ công cụ để việc trấn áp tội phạm được an toàn hơn nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
“Do pháp luật không cho phép sử dụng vũ khí nên nhóm của ông hoạt động 8 năm nay theo kiểu “tay không bắt cướp”. Các "hiệp sĩ" chỉ phòng thân bằng cách mang theo khúc côn với danh nghĩa “mang đi học võ” hoặc dùng bàn ghế bên đường để tự vệ khi bị đối tượng phản kháng”, ông Long chia sẻ.
Tương tự như vậy, nhóm “hiệp sĩ” do ông Trần Văn Hoàng, đứng đầu - nơi sinh hoạt của 2 “hiệp sĩ” bị tử nạn cũng như hàng trăm “hiệp sĩ đường phố” khác ở TP HCM vẫn đang hoạt động tự phát như vậy. Công an Thành phố, dù đã nhiều lần đặt vấn đề hợp thức hóa mô hình này, nhưng vẫn còn rất rụt rè và chưa đi đến quyết định cuối cùng.
Trong khi đó, tại Bình Dương, các “hiệp sĩ đường phố” được đưa vào hoạt động tại các Câu lạc bộ phòng chống tội phạm, do cơ quan công an trực tiếp quản lý. UBND tỉnh ban hành cả một quyết định về quy chế hoạt động của các CLB “hiệp sĩ” này. Chính vì vậy, phong trào người dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương đang hoạt động hiệu quả và thiết thực.
Cái chết của 2 hiệp sĩ ở TP HCM không những cho thấy sự hạn chế của lực lượng được giao làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự trị an cho người dân ở TP HCM mà còn nói lên sự trì trệ của bộ máy khiến những "hiệp sĩ áo vải" tiếp tục phải lao ra đường với tay không tấc sắt mà không có chính sách nào bảo vệ họ. Nếu nhà nước nhận thấy những việc làm của các hiệp sĩ đường phố là hữu ích thì phải sớm thể chế hoá hoạt động của họ và có biện pháp bảo vệ, đãi ngộ, chăm bồi phát triển.
Mô hình “hiệp sĩ đường phố” tại TP HCM đã hoạt động trong một khoảng thời gian đủ dài để chính quyền đúc kết, đưa ra cách ứng xử phù hợp, chứ không phải lập lờ nước đôi như hiện tại: Khi có thành tích trấn áp tội phạm thì ngợi khen, khi xảy ra sự cố thì “nghiên cứu rút kinh nghiệm sâu sắc”. Hành động như vậy là không công bằng với những “Lục Vân Tiên” - người đang làm việc “tử tế” cho xã hội này.