Ai phá ngành du lịch Việt?
Việc thu phí chỗ ngồi của nhóm khách du lịch đến Đồ Sơn nói chung và nhiều kiểu buôn bán kém ý thức nói chung không biết hữu ý hay vô tình đã bôi bẩn ngành du lịch và làm xấu hình ảnh Việt Nam.
Cách đây chừng 3 năm cũng tại một kỳ họp Quốc hội, Đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) đặt vài vấn đề với Bộ trưởng VHTT&DL lúc đó là ông Hoàng Anh Tuấn, rằng:
Ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn nạn như tình trạng chặt chém, trấn lột, ăn xin chèo kéo, ô nhiễm môi trường v.v... gây bức xúc cho khách du lịch, nhất là người nước ngoài.
Dẫn dụ một vài quốc gia láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia. Câu hỏi bà Hải đặt ra là vì sao ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng?
Bộ trưởng Tuấn nhắc lại chuyện cũ, có lẽ cũng là đáp án (?): “Tôi nhớ phiên chất vấn tôi, Chủ tịch Quốc hội có hỏi bao giờ du lịch Việt Nam bằng Malaysia, Singapore. Tôi bỏ ngỏ cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời, tôi không dám trả lời”.
Bộ trưởng đã cho cả hội trường giây phút thư giãn chưa từng có, sự việc không biết nên vui hay buồn này sau đó xuất hiện ngập tràn trên các tờ báo, người vui tính cho là hài hước, người “góc cạnh” hơn thì bình luận đầy chua xót.
Chừng ấy thời gian trôi qua, nhiệm kỳ mới của Bộ này cũng quá nửa, mà những chuyện vụn vặt lẻ tẻ ngày nào trong ngành du lịch vẫn còn y nguyên.
Một chủ quán ven biển tự dưng đặt ra luật và thu phí chỗ ngồi của nhóm khách du lịch 630 nghìn đồng, sự việc mới diễn ra ở Đồ Sơn (Hải Phòng).
Những sự việc tương tự không hiếm, mạng internet và báo chí lưu trữ hàng triệu kết quả “nhức mắt” với ngành du lịch. Có lẽ, cẩm nang của những người đi du lịch trong nước là lên mạng tìm xem nơi nào chặt chém, chèo kéo, ép giá để phòng thân.
Ai dám xuống biển nếu một kg cua mấy triệu đồng, vài con tôm mất nửa tháng lương, khách chê đồ ăn dở bị đánh ngất xỉu…? Hóa ra Luật Du lịch và cả rừng văn bản mà ngành Du lịch ban ra để chấn chỉnh hầu như vô dụng với những người kinh doanh nhỏ lẻ. Họ là ai trong ngành công nghiệp không khói?
Có phải quá khó để xử lý như những thế lực khoanh vùng chặn biển? Lợi ích ngành du lịch bị chia năm xẻ bảy, phần nào đó là kiểu làm ăn bất chấp luật pháp, xí phần tranh biển mà những từ ngữ “chặt chém”, “chèo kéo”, “ép giá” chỉ là uyển ngữ che lấp hành vi cướp bóc trắng trợn.
Ý thức người kinh doanh là thứ có vẻ xa vời nếu muốn kêu gọi. Tất cả trông chờ vào độ nhiệt tình của cơ quan chức năng địa phương, họ làm gì trong khi “luật rừng” hoành hành ngay trên bãi biển nổi tiếng nhất nhì Miền Bắc?
Có thể bạn quan tâm
Du khách sợ đến Đồ Sơn vì... Cảnh sát giao thông!
16:05, 17/05/2018
Hải Phòng: Liệu Đồ Sơn có mất tên trên bản đồ du lịch?
09:26, 16/04/2018
Ngành Du lịch kỳ vọng gì trong năm 2018?
09:26, 14/01/2018
Luật sư nói gì về "vấn nạn" đối với ngành Du lịch tại Đà Nẵng?
10:37, 22/09/2017
Đâu là “điểm nghẽn” của ngành du lịch Việt?
18:05, 17/07/2017
Tôi có thể thông cảm với câu trả lời của nguyên Bộ trưởng VHTT&DL vì ông nói đúng, thà thành thật còn hơn hứa hão. Vì hơn ai hết, một tư lệnh ngành như ông chắc chắn hiểu tận tường mọi ngóc ngách trong ngành mình đang điều hành.
Câu trả lời vui của Bộ trưởng Hoàng Anh Tuấn cũng đại ý nói ra rằng, những “ung nhọt” du lịch chưa biết bao giờ mới gột sạch, nên mới có chuyện “không dám trả lời, để nhiệm kỳ sau”.
Thật xót tiền vì mỗi năm thành phố Hà Nội chi trả hàng triệu đô la để quảng bá hình ảnh trên kênh truyền hình CNN (Cable News Network - Mỹ) chỉ với những đoạn phim thời lượng 30s ít ỏi; nhiều chiến dịch vô cùng tốn kém để quảng cáo, PR hình ảnh đất nước con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Nhưng ở dưới “gốc”, những người kinh doanh buôn bán kém ý thức không biết hữu ý hay vô tình bôi bẩn ngành du lịch và làm xấu hình ảnh Việt Nam. Đó là những người phá hoại ngành du lịch.
Những gì tốt nhất để ngăn chặn “chặt chém, trấn lột, ăn xin chèo kéo, ô nhiễm môi trường” đến nay chỉ là phạt, còn ý thức của người dân với ngành công nghiệp khong khói dường như dẫm chân tại chỗ.
Những nỗ lực tầm chiến lược sẽ thất bại nếu cơ quan chức năng không nắm rõ từng bãi biển, khách sạn, nhà hàng – những ông chủ, bà chủ, họ đang làm gì với du khách.