Đi tìm “giáo dục”

Trương Khắc Trà 12/06/2018 08:02

Cả xã hội chạy theo bảng điểm và tấm giấy khen nhưng cũng chính xã hội ấy không tiếc lời tán dương những tỷ phú bỏ học làm kinh doanh.

Có hàng ngàn bài báo, hàng trăm công trình nghiên cứu phân tích mổ xẻ thực trạng xuống cấp của nền giáo dục, song đến nay vẫn chưa tìm ra triết lý. Nhưng chỉ mấy phút trong phiên thảo luận tại nghị trường ngày 11/6, Đại biểu Ksor Phước Hà (Gia Lai) đã điểm trúng vấn đề.

Một thời gian dài chúng ta chăm chỉ “đào tạo” mà bỏ quên “giáo dục”. Đó mới là căn cốt sâu xa của xuống cấp đạo đức luân lý con người. Đạo đức luân lý xem ra có liên quan mật thiết đến bảng lịch học dày đặc được cài sẵn trong chiếc điện thoại của phụ huynh!

Tôi từng thấy cái bất lực trên nét mặt của một Tiến sĩ, Trưởng khoa đào tạo nên những thầy cô giáo dạy môn Giáo dục công dân, sự mất hút của môn học này cũng đồng nghĩa với khía cạnh giáo dục con người bị bỏ lại sau muôn vàn môn học đủ đầy tham vọng thành nhân tài!

Người ta nhìn vào một con người có chút nổi trội liền buột miệng gọi là nhân tài. Khốn nỗi, “nhân tài” nếu nghĩa chiết tự sẽ bao gồm hai phần “nhân” và “tài”. “Tài” là năng lực, trí tuệ; “nhân” là đạo đức luân lý.

Thế người xưa mới có câu “tài đức song toàn” để mô tả những bậc cao nhân kiệt xuất. Vậy chỉ có thể gọi những quán quân Olympia, những thủ khoa tuyệt đối về mặt điểm số là “tài” còn phần “nhân” chưa thấy cuộc thi nào được tổ chức!?

Tài và đức chính là hồng và chuyên “có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Nền giáo dục coi trọng thi cử khoa bảng vô hình dung tạo ra một lớp người “vô dụng” vì thiếu phần hồn.

Nền giáo dục chú trọng thi cử đang bộc lộ những bất cập

Nền giáo dục chú trọng thi cử đang bộc lộ những bất cập

Nhà thơ Giang Nam từng tả cái sự học thời ông “Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường/Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ” nhưng không ai bảo cái học ngày ấy lắm khổ ải như bây giờ, người ta có thể yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ mà không ai phải vắt óc tìm phương sách giáo dục lòng yêu quê hương đất nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Đạo đức học đường xuống cấp vì “đào tạo” được đặt cao hơn “giáo dục”

    Đạo đức học đường xuống cấp vì “đào tạo” được đặt cao hơn “giáo dục”

    02:18, 12/06/2018

  • Trao quyền tự chủ giáo dục phổ thông: Đừng “đem con bỏ chợ”

    01:30, 12/06/2018

  • Vì sao cần sửa đổi Luật Giáo dục?

    16:08, 11/06/2018

  • Hôm nay Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục

    05:00, 11/06/2018

  • Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra 3 điểm yếu cố hữu của ngành giáo dục

    14:03, 06/06/2018

  • Giáo dục mầm non gây bức xúc nhất lại được… đánh giá cao?

    09:40, 06/06/2018

Một vài thế hệ học để thi đang vật lộn với chương trình ngay trên ghế nhà trường, rất nhiều sản phẩm của nền giáo dục sốt ruột kiếm tìm tài năng đang mòn mỏi kiếm tìm một vị trí trong xã hội.

Đạo đức xã hội ngày một nhạt phai, giá trị nhân phẩm của con người có thể bán buôn như mớ rau con cá, người với người ngày càng xa nhau dù không gian sống hẹp lại, tình làng nghĩa xóm đậm đà son sắt giờ chỉ còn trong câu chuyện ngày xưa.

Những vụ án mạng ngày càng dã man đến tột cùng, cái cách mà những tên tội phạm vị thành niên giết người như những chiến binh trong game ảo, bạo lực học đường giờ không gói gọn trong phạm vi những học sinh cá biệt.

Tôi không hoàn toàn đổ lỗi cho ngành giáo dục nhưng câu nói của Bác Hồ thì luôn luôn đúng “Hiền dữ đâu phải tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà ra”.

Không biết từ khi nào những đứa trẻ một vài tuổi thuộc làu làu những ca khúc yêu đương mùi mẫn, nói được tiếng anh, thuộc bảng cửu chương được cổ vũ và trở thành niềm tự hào của phụ huynh.

Cũng không biết từ đâu mà nhà nhà đào tạo nhân tài, người người cố nhồi nhét để con em mình bằng con nhà người ta. Cả xã hội chạy theo bảng điểm và tấm giấy khen nhưng cũng chính xã hội ấy không tiếc lời tán dương những tỷ phú bỏ học làm kinh doanh! Rút cuộc tuổi thơ bị đè bẹp vì sách vở, các mục tiêu định hướng cứ thay đổi xoành xoạch.

Tôi cũng không muốn mượn tấm áo choàng của những nhà biện chứng chủ nghĩa để xâu chuỗi vấn đề khiến nó dài thêm, nhưng dù muốn hay không thì cái gốc của mọi chuyện đều từ “vật chất”, nó luôn luôn quyết định “ý thức” trong mọi hoàn cảnh.

Người ta nói “con dại cái mang” chỉ vì thời đó chưa thể biết để tạo ra một con người hoàn hảo cần có “tam trụ” là gia đình, nhà trường và xã hội. Nhưng gia đình có thể toàn giáo sư tiến sĩ vẫn không thể tự dạy dỗ con mình mà không cần đến thầy cô ở nhà trường.

Còn nhà trường không thể làm thay nhiệm vụ của những ông bố bà mẹ người ông người bà, tất cả bổ sung cho nhau để giáo dục đào tạo con người, đến lượt xã hội như là mối tổng hòa của những con người có hoặc không được thụ hưởng giáo dục toàn diện.

Nếu xã hội có quá nhiều cá nhân khiếm khuyết tức là nền giáo dục ở đó chưa thể toàn diện. Tìm đâu đáp án cuối cùng cho những câu hỏi của đại biểu Ksor Phước Hà “Nguyên nhân từ đâu? Do ai? Và ai phải chịu trách nhiệm?

Trương Khắc Trà