“Hợp đồng 3P”: Đừng mang con bỏ chợ!
Ngập úng ở TP HCM không chỉ là chuyện “tụ nước” mà còn để lại điều tiếng dư luận và tiếng thở dài vô vọng của người dân sống trong đô thị phồn hoa giàu có nhất nước.
PPP (3P) làHợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Đây là loại hợp đồng được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, quản lý và vận hành công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công.
Có rất nhiều hình thức của PPP, nhưng nổi tiếng và tai tiếng nhất mà dư luận biết đến là BT và BOT. Vấn đề ở chỗ màu sắc lợi ích khiến các dự án “công - tư” trở nên thiếu thiện cảm trong mắt người dân.
Các dự án cải tạo hạ tầng giao thông và đặt “trạm thu giá, “trạm thu phí” từng gây xôn xao dư luận như ở Long An, Tiền Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh…; rồi đến lượt hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) tại Hà Nội và TP HCM không khỏi làm người ta đặt dấu hỏi.
Và bây giờ, dự án chống ngập trị giá 10.000 tỷ đồng ở thành phố lớn nhất nước lại mắc phải chuyện “đúng - sai”, “giả - thật”. Sử dụng thép Trung Quốc thay vì Nhật Bản, EU nhưng giá thành không rẻ hơn và để lại nghi vấn về chất lượng!
Xung quanh xuất xứ vật liệu dùng cho công trình đồ sộ này là một rừng tranh cãi: Thép G7, EU hay Trung Quốc? Cốt lõi của những chuyện này rút cuộc có liên quan gì đến “lợi ích nhóm” hay không?
Gần 30 năm thực hiện hình thức PPP, hiệu quả không ít nhưng ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề nhức nhối. Phải chăng ai đó đã cố tình “đâm thủng” hàng rào pháp lý?
Trở lại chuyện BOT giao thông, sau tranh luận, quy kết mới lòi ra nhiều nhà đầu tư bố trí trạm chưa hợp lý, chất lượng công trình có vấn đề…ở đây lại xuất hiện logic quen thuộc. Liệu rằng nhà đầu tư một tay che cả bầu trời, hay là cơ quan chức năng buông lỏng kỷ cương?
Có thể bạn quan tâm
Dự án chống ngập 10.000 tỷ: Trung Nam khẳng định thông tin thay thế thép G7 bằng thép Trung Quốc là không đúng!
15:09, 14/09/2018
“Giải cứu” dự án chống ngập 10.000 tỷ ở TP HCM
17:16, 03/07/2018
Dự án chống ngập 10.000 tỷ “đói” vốn: Các bên đùn đẩy trách nhiệm
11:12, 03/06/2018
Đừng kỳ vọng vào Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng
07:00, 01/06/2017
Dự án chống ngập trị giá 10.000 tỷ đồng cũng tương tự, rất khó lọt tai người nghe vì một công trình thủy lợi lớn nhất nước đang cãi nhau từng tấm thép. Cho đến giờ thép Trung Quốc hay Nhật Bản, EU vẫn là thứ gì đó rất chuyên môn, rất khó hiểu với người dân.
Theo Giám đốc công ty Trung Nam “trong hồ sơ thiết kế cơ sở các cống Phú Xuân, Tân Thuận, Cây Khô, Bến Nghé… làm bằng thép không gỉ SUS304 (từ Nhật Bản) nhưng qua tính toán thép này dày và lớn, nếu chiều ngang 40 m và chiều cao 12 m khi kéo lên khỏi mặt nước sẽ như một tấm kính để ngoài sông. Như vậy, phương tiện giao thông thủy đi lại sẽ bị phản sáng vào ban ngày và phản đèn vào ban đêm. Chủ đầu tư đã chọn sang loại thép SUS323L (còn gọi là thép đen, của Trung Quốc)”.
Một công trình quan trọng bậc nhất chắc chắn phải tính toán chi ly từ ban đầu, có đánh giá tác động, có bản vẻ chi tiết để chọn giải pháp vật liệu phù hợp nhất. Càng khó hiểu khi mà người ta không dự ước sự tác động của công trình đến hoạt động đường thủy.
Phạm Văn Long, Chủ nhiệm thiết kế dự án chống ngập 10.000 tỷ, cho biết” “Trong hồ sơ thiết kế bản vẻ thi công công trình vốn Nhà nước không được ghi xuất xứ vật liệu thép mà chỉ cần thép đáp ứng đúng tiêu chuẩn vật lý, cơ khí, hóa tính là sử dụng”.
Quy định này có thể tạo ra sự bình đẳng trên thương trường, là lịch sự tối thiểu của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp nhưng để “đáp ứng đúng tiêu chuẩn vật lý, cơ khí, hóa tính” phải có thẩm định đánh giá của hội đồng khoa học.
Không phải thép Trung Quốc là xấu nhưng có chắc tốt hơn thép Nhật? Trong thực tế nhiều sản phẩm đến từ Châu Âu, Nhật Bản luôn chứng minh được chất lượng và thực tế cũng cho thấy không ít loại hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc là nỗi lo lắng.
Không ngẫu nhiên mà dự án “tàu 67” bị tuýt còi buộc phải thay thế vật liệu Trung Quốc bằng vật liệu Hàn Quốc.
Chống ngập ở TP HCM là công trình không đơn giản, từng chứng kiến nhiều thất bại từ nỗ lực của cơ quan có thẩm quyền hay giải pháp “nóng tay bắt lỗ tai” như máy bơm siêu khủng.
Ngập úng ở thành phố này không chỉ là chuyện “tụ nước” mà còn để lại điều tiếng dư luận và tiếng thở dài vô vọng của người dân sống trong đô thị phồn hoa giàu có nhất nước.
Thiết nghĩ, trách nhiệm phải được làm rõ!