Doanh nhân và cách mạng công nghiệp 4.0
Không cần nói thêm về vị trí "chiến lược" của đội ngũ doanh nhân với đất nước, nhưng sẽ có rất nhiều điều để nói về doanh nhân và doanh nghiệp trong thời đại 4.0.
Người Việt cũng có quan niệm khá lý thú về “công”, “thương” ám chỉ đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Đã có lúc tầng lớp “thương nhân” bị xếp sau cùng trong các thứ dân - “sĩ, nông, công, thương”.
Câu nói “phi thương bất phú” đã tồn tại mấy thế kỷ nay ở nước ta và thỉnh thoảng lại nghe đâu đó, nhưng có thật không buôn bán thì không giàu?
Chính nhà bác học Lê Qúy Đôn nói rằng “phi công bất phú” [Báo Nhân dân ra ngày chủ nhật 13/11/1994]. Điều này xem ra phù hợp hơn với một nước nông nghiệp mấy ngàn năm. Ở một nước nông nghiệp - nền văn minh lúa nước mà ba thế kỷ trước đã phát hiện “phi công bất phú” thì tầm nhìn của các bậc tiền bối quả là siêu phàm.
Ngày nay, có cảm giác người Việt đang rất khát khao với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, so với 3 cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra, lần này trên mặt trận tư tưởng, tâm thế đã chuẩn bị khá chu đáo.
Đón chờ cuộc cách mạng 4.0 không giống như đón cơn bão đã được dự báo từ trước qua cơn áp thấp, 4.0 không đến ào ạt một lần rồi kết thúc bằng những cơn mưa như hoàn lưu sau bão.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng Campuchia: Doanh nghiệp tư nhân cần được chú trọng hơn trong thời đại 4.0
12:10, 12/09/2018
Thách thức trong đào tạo công dân toàn cầu trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4
16:15, 26/06/2017
Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số
11:40, 05/07/2018
“Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trước làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0”
13:37, 11/04/2018
Lần này, cuộc cách mạng “thực tế ảo” và “trí tuệ nhân tạo” đã thẩm thấu từ nhiều năm trước, chỉ nhận ra khi nó biểu hiện ra ngoài bằng những xung đột với truyền thống.
Vụ Grab, Uber và taxi truyền thống có lẽ là điển hình của sự xung đột giữa công nghệ kinh doanh mới và cũ. Điều đó đòi hỏi đội ngũ doanh nhân phải thay đổi - không chỉ về tư duy mà còn xu hướng, ngành nghề và “chất liệu” nền tảng của kinh doanh trong thời đại 4.0.
Việt Nam là một trong những quốc gia điển hình về tận hưởng thành tựu của nhân loại, cả 3 cuộc cách mạng công nghệ diễn ra trong lịch sử đều có bóng dáng ở nước ta.
Điều đó chưa hoàn toàn vui. Chúng ta được hưởng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, để dựng xây đất nước, nhưng mặt trái của nó là sự phụ thuộc ngày một chặt hơn vào công nghệ nước ngoài. Những năm gần đây đồng vốn FDI không còn “ngọt ngào”, từ vị trí tận hưởng bị biến thành bãi rác công nghệ.
Nền công nghiệp gia công lắp ráp không đủ sức đưa đất nước hóa rồng, bắt đầu lo sợ làn sóng “di cư” của doanh nghiệp FDI sẽ để lại khoảng trống cho nền kinh tế.
Cuộc cách mạng công nghệ lần này là cơ hội để Việt Nam thoát ra khỏi con đường mòn nhỏ hẹp. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân có chí hướng vươn ra biển lớn.
Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao ở nước ta hầu hết doanh nghiệp lớn đều buôn bán kinh doanh bất động sản? Hay nói cách khác, những ngành nghề có tính chất nền tảng, tạo ra giá trị thặng dư lớn cho xã hội hầu như vắng bóng!
Kinh doanh bất động sản không phải xấu, nhưng để trở thành “ngôi sao” lớn có tầm cỡ xưa nay chỉ có lĩnh vực công nghệ - mà bản chất của nó là những ngành nghề có hàm lượng chất xám cao, đủ sức làm thước đo cho trình độ của mỗi quốc gia.
Sự ra đời của chiếc xe hơi mang thương hiệu Việt hay chiếc điện thoại thông minh “Made in Vietnam”- sở dĩ tạo ra “cơn sốt” cũng chỉ vì lý do đó. Sự bất ngờ lý thú về những sản phẩm tưởng chừng không thể làm được, nhưng hoàn toàn có thể, đồng thời cho thấy sự hiếm hoi của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao.
Đó là tầm quan trọng của những doanh nhân trong thời đại 4.0, đó là những sản phẩm có thể mở đường tiến vào thời đại này. Chỉ bằng cách đó, không còn giải pháp nào tối ưu hơn!
Doanh nghiệp, doanh nhân trong thế kỷ 21 để tồn tại và trở nên vĩ đại không còn cách nào khác phải gắn “hậu tố 4.0”. Đấy không phải là một loại model thời trang thích thì xài không thích thì thôi, mà đó là sự mặc định của thời đại khoác lên vai những người doanh nhân trọng trách này.
Cuộc cách mạng công nghệ lần đầu tiên vào thế kỷ 18, máy hơi nước ra đời đánh sập tất cả những công đoàn lao động thủ công hùng mạnh nhất, làm phá sản hàng loạt doanh nghiệp trên toàn thế giới, đồng thời xuất hiện nhiều ông chủ giàu có hơn trước - họ chính là những “nhà phát triển” dẫn dắt xu thế.
Nước Anh trở thành bá chủ thế giới sau cách mạng công nghiệp, nước Mỹ, nhờ tận dụng được thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần đầu tiên đã biến vùng đất rộng lớn hoang tàn trở thành siêu cường.
Sự vận động của những cuộc cách mạng kế tiếp cũng tương tự, khi động cơ đốt trong được phát minh thì chiếc máy hơi nước nghiễm nhiên trở thành rào cản kéo lùi sự tiến bộ.
Soi chiếu vào cuộc cách mạng công nghệ lần này, sự “tàn phá” sẽ khủng khiếp hơn nếu doanh nghiệp, doanh nhân không kịp chuyển mình thích ứng.